Gỏi măng cụt đặc biệt ra sao mà bà nội trợ chi nửa triệu đồng chỉ để mua 1 kg măng cụt xanh?
Tuy đắt đỏ và không phải là món ăn lạ, nhưng nhiều người vẫn chấp nhận chi số tiền lớn thưởng thức bằng được món ngon này. Một phần lý do cũng bởi măng cụt chỉ ra trái duy nhất mùa hè.
Từ cuối tháng 4 đến nay, các trang mạng xã hội rộn ràng rao bán măng cụt xanh có nguồn gốc từ Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai… làm gỏi. Các trang cá nhân, fanpage cập nhật liên tục giá cả, hình ảnh măng cụt xanh. Khách muốn mua phải đặt hàng trước 2 ngày. Không chỉ khu vực phía Nam, măng cụt xanh làm gỏi được đông đảo hội chị em nhiều tỉnh miền Trung, Hà Nội đặt mua.
Giá mỗi kg măng cụt xanh giữa tháng 4 ở mức 55.000-70.000 đồng/kg khoảng 10 trái, sang tháng 5 hạ nhiệt hơn, dao động 45.000-60.000 đồng tùy loại, tùy kích cỡ.
Tuy nhiên, công đoạn gọt lớp vỏ xanh bên ngoài để ra thành phẩm ruột măng cụt trắng tinh, có thể cắt mỏng như bông hoa trộn gỏi được thì không phải ai cũng đủ khéo léo, kiên nhẫn và biết làm. Chính vì vậy mà các điểm bán đều có bán cả loại đã làm sạch, với giá rất cao, trên dưới 500.000 đồng/kg.
Theo người bán hướng dẫn, phải 6-7 kg măng cụt xanh mới gọt ra 1 kg măng cụt sạch có thể trộn gỏi được. Bởi phần vỏ ngoài bỏ đi lại nặng cân hơn lớp cơm thu được bên trong. Việc làm này rất công phu.
Người ta hái măng cụt xanh và ngâm vào nước muối loãng để bớt mủ, giúp quá trình lấy vỏ dễ dàng hơn. Tiếp đến, phải gọt quả ngay dưới vòi xả nước liên tục, để làm sạch lớp mủ vàng. Sau gọt thì ngâm trong nước có pha giấm hoặc chanh, muối để không bị thâm đen, không dính mủ. Chính những điều này đẩy giá thành của món gỏi măng cụt lên hàng xa xỉ.
Tuy đắt đỏ và không còn mới mẻ nữa, nhưng món ăn này ngày càng được nhiều người săn lùng, nhiều người chấp nhận chi số tiền lớn thưởng thức bằng được món ngon này. Một phần lý do cũng bởi măng cụt chỉ ra trái 1 mùa duy nhất trong năm, là mùa hè. Một tài khoản bán măng cụt Bình Dương cho biết từ tuần trước đến nay, trung bình mỗi ngày chị bán vài chục kg, chưa kể nhiều đơn sỉ hàng trăm kg gửi ra Hà Nội, lên TP.HCM.
Một số thực khách còn mua sẵn cả chục kg sơ chế rồi hút chân không, trữ đông để ăn dần.
Măng cụt được trồng nhiều nơi ở miền Tây, Long Khánh – Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng, nhưng nổi tiếng nhất là Lái Thiêu - Bình Dương. Măng cụt Bình Dương luôn được săn lùng mỗi khi mùa trái cây về. Hiện giá măng cụt chín tại vườn loại 1 khoảng 90.000 đồng/kg, loại 2 là 75.000 đồng/kg, tương đương giá với loại măng cụt xanh chưa gọt vỏ để làm gỏi đang gây sốt rần rần.
Theo các nhà vườn Bình Dương, chính những nhà vườn trồng măng cụt Lái Thiêu đã sáng tạo ra một món gỏi măng cụt gà ta. Những lát măng cụt trắng tinh, cắt ngang đẹp mắt như những bông hoa, với vị chua ngọt, giòn kết hợp với thịt gà, hành tây, cà rốt, rau răm, đậu phộng… cho ra một món gỏi ngon khó lòng từ chối.
"Ban đầu mấy bà nội trợ trong xóm thử hái măng cụt còn xanh cắt ra coi khi chưa chín thì mùi vị của nó ra sao. Khi thử ăn thấy cái vị chua chát chát, ngọt dịu có thể làm món gỏi, nên họ cắt măng cụt xanh lấy phần thịt trắng để làm gỏi gà thử. Ăn thấy ngon rồi gỏi gà măng cụt ra đời từ đó", một chủ quán ăn ở Dĩ An kể.
Sau gà, gỏi măng cụt còn được bóp với tai heo, thịt ba rọi, tôm tươi… tạo ra những dĩa gỏi hấp dẫn, bắt mắt, ăn là ghiền.
Để làm gỏi măng cụt, phải chọn những trái măng cụt vừa già tới, lớp vỏ còn xanh. Ở độ này thì măng cụt mới có lớp cơm bên trong dày, giòn, vị chua ngọt vừa phải, khi trộn gỏi giòn mà không bị nát. Nếu trái bị non quá thì phần cơm mỏng, chát; còn trái chín thì cơm bị nhũn, hạt lớn và đắng. Chính vì vậy mà loại măng cụt xanh để làm gỏi nhà vườn phải tuyển chọn loại "xịn" nhất trên cây.
Và cũng chính quá trình chế biến tỉ mỉ, công phu nên giá món ăn này trên menu các nhà hàng, quán ăn luôn cao hơn hẳn các loại gỏi khác, hầu hết ở mức giá 150.000-400.000 đồng cho phần gỏi gà măng cụt tùy yêu cầu.
H. Lâm