Gói thầu 4.7 sân bay Long Thành chọn thầu 'không qua mạng' gây nhiều tranh cãi
Liên danh Đèo Cả bao gồm 8 công ty đã 3 lần có văn bản kiến nghị về việc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã cổ phiếu ACV) loại liên danh này khỏi gói thầu 4.7 của Dự án Sân bay Long Thành. Liên danh này cho rằng, ACV lựa chọn nhà thầu 'không qua mạng' gây nhiều tranh cãi vì chưa thỏa đáng.
Gói thầu số 4.7 đấu thầu không qua mạng (đấu thầu giấy) theo phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ đang gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua khi Chủ đầu tư là Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) loại liên danh Sơn Hải, Đèo Cả, Lizen và chọn các nhà thầu “quen mặt” ở sân bay Long Thành là Vinaconex, Trường Sơn, ACC…
Gói thầu hơn 6.300 tỷ đồng không đấu thầu qua mạng
Gói thầu số 4.7 “Thi công xây dựng & lắp đặt thiết bị công trình sân đỗ tàu bay nhà ga hành khách và các công trình khác” thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, mặc dù đấu thầu không qua mạng nhưng ACV lại đánh rớt liên danh Sơn Hải, Đèo Cả, Lizen vì lỗi “Thành viên Liên danh Tổng công ty Đầu tư xây dựng Hoàng Long - CTCP, số hiệu trên mạng đầu thầu quốc gia là vn2800177056 đã bị tạm ngưng trên hệ thống từ ngày 30/6/2024 đến thời điểm có báo cáo đánh giá HSĐXKT. Nhà thầu không đáp ứng điều kiện tại khoản f mục CDNT 5. Tư cách hợp lệ của Nhà thầu là không trong trạng thái bị tạm ngùng, chấm dứt tham gia hệ thống”.
Liên quan đến vấn đề trên, liên danh này đã gửi văn bản hỏi Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Ngày 15/8, Cục Quản lý đấu thầu phản hồi nhà thầu (là tổ chức) đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 điều 5 của Luật Đấu thầu thì được coi là đáp ứng yêu cầu về tư cách hợp lệ khi tham dự thầu các gói thầu không áp dụng đấu thầu qua mạng thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này.
Theo Cục Quản lý đấu thầu, việc hồ sơ mời thầu quy định nhà thầu "không trong trạng thái bị tạm ngừng, chấm dứt tham gia hệ thống" để bảo đảm tư cách hợp lệ như đối với đấu thầu qua mạng là không phù hợp.
Chưa đủ cơ sở để áp dụng hình thức đấu thầu không qua mạng?
Gói thầu số 4.7 có giá chào thầu hơn 6.300 tỷ đồng, phương thức lựa chọn nhà thầu là 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ, chưa đủ cơ sở để áp dụng hình thức đấu thầu không qua mạng.
Cụ thể, về lộ trình bắt buộc đấu thầu qua mạng tại khoản 1, Điều 50 Luật Đấu thầu 2023 quy định Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh trong nước phải thực hiện trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo lộ trình từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024, việc đấu thầu qua mạng hoặc không qua mạng thực hiện theo quy định của Chính phủ…
Mặt khác, theo quy định tại điểm a, khoản 8, Điều 97 Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định việc lựa chọn nhà thầu qua mạng từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2024 được thực hiện theo lộ trình “Tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với toàn bộ (100%) gói thầu thuộc dự án đầu tư áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh trong nước thuộc lĩnh vực hàng hóa, xây lắp, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ tư vấn có giá gói thầu không quá 500 tỷ đồng, trừ gói thầu hỗn hợp, gói thầu áp dụng phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ, hai giai đoạn hai túi hồ sơ, đấu thầu quốc tế;”
Như vậy, gói thầu 4.7 được đấu thầu rộng rãi trong nước chưa đủ cơ sở để áp dụng hình thức đấu thầu không qua mạng.
Được biết, Gói thầu số 4.7 thi công những hạng mục công trình giao thông đơn thuần không có tính chất phức tạp đòi hỏi kỹ thuật cao như thi công xây dựng sân đỗ, hầm chui, hồ điều hòa và hệ thống thoát nước khu vực sân đỗ, các công trình khác bao gồm đường công vụ, hàng rào...
Theo Quyết định số 38/2020/ỌĐ-TTg ngày 30/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển, không quy định các công trình giao thông đường bộ/hàng không khu bay thuộc danh mục đòi hỏi kỹ thuật cao.
Dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành do ACV làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư gần 100.000 tỷ đồng. Dự án áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, quốc tế cho gói xây lắp 5.10 và trong nước cho các gói thầu xây lắp còn lại.
Tuy nhiên “khách hàng” trúng thầu là những nhà thầu “quen mặt” tại siêu dự án sân bay Long Thành như Công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Tổng công ty Xây dựng công trình hàng không ACC, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn,…với giá bỏ thầu của các liên danh này rất sát với giá ACV mời thầu.
Trước đó, ACV nhận được văn bản của Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - thành viên đứng đầu của nhà thầu liên danh - về việc đánh giá lại tư cách hợp lệ nhà thầu gói thầu 4.7 thuộc Dự án thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1.
Đây là gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình sân đỗ tàu bay nhà ga hành khách và các công trình khác của dự án thành phần 3, thuộc dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Cụ thể, về kiến nghị "Yêu cầu bên mời thầu tuân thủ pháp luật về đấu thầu để đánh giá tư cách hợp lệ của nhà thầu theo đúng quy định tại Điều 55 Luật Đấu thầu" của Liên danh do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu, ACV cho biết nội dung kiến nghị liên quan đến tư cách hợp lệ của nhà thầu liên danh đã được chủ đầu tư có văn bản trả lời cụ thể.
"Việc trả lời kiến nghị đã được chủ đầu tư thực hiện đúng quy trình giải quyết kiến nghị quy định tại Điều 91 Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15. Việc đánh giá hồ sơ dự thầu của nhà thầu liên danh đã được bên mời thầu, tổ chuyên gia lựa chọn nhà thầu thực hiện công bằng, minh bạch, dựa trên các tiêu chí yêu cầu của hồ sơ mời thầu được duyệt, đảm bảo tuân thủ đúng nguyên tắc đánh giá hồ sơ dự thầu quy định tại Điều 27 Nghị định số 24/2024", ACV nêu rõ.