Gói trừng phạt thứ 11 nhằm vào Nga: Nỗ lực làm điều Mỹ chưa thể, EU khiến Bỉ 'tổn thương'
Kế hoạch trừng phạt ngành công nghiệp kim cương Nga có thể sẽ được EU công bố trong gói trừng phạt thứ 11.
Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng áp đặt lệnh cấm nhập khẩu kim cương của Nga - cắt đứt nhà sản xuất kim cương lớn nhất thế giới khỏi một trong những thị trường trọng điểm của nước này.
“Những viên kim cương của Nga không phải là mãi mãi", Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel chia sẻ như vậy bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở Hiroshima, Nhật Bản.
Theo Trung tâm kim cương thế giới Antwerp (AWDC), Nga sản xuất khoảng một phần ba số kim cương của thế giới và là nước xuất khẩu lớn nhất.
Lệnh cấm của EU là một phần trong gói trừng phạt thứ 11 đối với chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, sau hơn một năm khi Mỹ cấm các công ty nước này mua kim cương của Nga cho các mục đích phi công nghiệp.
Theo CNN, lệnh cấm của EU sẽ ảnh hưởng đến tài chính của Nga, cũng như các nhà bán lẻ và thương nhân kim cương châu Âu.
"Túi tiền" người châu Âu bị ảnh hưởng
Ngày 18/5, chính phủ Anh tuyên bố sẽ cấm nhập khẩu kim cương và một số kim loại của Nga như đồng, nhôm, nickel.
Theo chính phủ Anh, xuất khẩu kim cương của Nga đã tạo ra khoảng 4 tỷ USD vào năm 2021. Giá trị tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Nga năm đó là 494 tỷ USD và dầu khí chiếm khoảng một nửa trong số đó.
Ngành công nghiệp kim cương của Moscow bị ảnh hưởng nặng nề vào tháng 4/2022, khi Mỹ cấm nhập khẩu từ Alrosa - một công ty chịu trách nhiệm 90% công suất khai thác kim cương của nước này.
Ông Paul Zimnisky, nhà phân tích ngành công nghiệp kim cương độc lập cho biết, Mỹ chiếm một nửa nhu cầu toàn cầu về kim cương được sử dụng trong đồ trang sức. Trong khi đó, châu Âu và Vương quốc Anh cộng lại chỉ chiếm khoảng 5% thị trường.
Lệnh cấm kim cương của Nga có thể khiến đồ trang sức tăng giá, ảnh hưởng đến "túi tiền" người tiêu dùng châu Âu.
Ông Tom Neys, phát ngôn viên của AWDC nhận định: “Việc sản xuất nhiều kim cương hơn tiêu tốn hàng tỷ USD và phải mất tới hai năm, trước khi sản lượng đó thực sự có thể được nhìn thấy trên thị trường. Hiện tại, nhu cầu đối với trang sức kim cương đang chậm chạp, nhưng càng đến gần cuối năm, nhu cầu sẽ tăng lên và người dân sẽ cảm thấy sức ép ngày càng lớn. Giá kim cương vì thế mà tăng lên".
Theo ông Zimnisky, việc sử dụng kim cương trong công nghiệp khó có thể gặp phải sự gián đoạn nghiêm trọng, bởi hơn 90% kim cương tổng hợp được sản xuất ở Trung Quốc.
Vị chuyên gia này nhận thấy: "Kim cương tổng hợp sẽ giúp lấp đầy khoảng trống trên thị trường trang sức".
Một đòn giáng vào Bỉ
Các nhà kinh doanh kim cương của châu Âu đang mất tinh thần trước viễn cảnh bị trừng phạt.
Ông Tom Neys nói: “Chúng tôi phản đối các biện pháp trừng phạt. Antwerp - thành phố của Bỉ đã mất rất nhiều hoạt động kinh doanh vào tay Dubai trong 15 năm qua. Antwerp đã thắt chặt các quy tắc về tính minh bạch và nguồn cung ứng kim cương".
Theo AWDC, khoảng 40 tỷ USD kim cương được chuyển qua Antwerp mỗi năm. Từ 5-10% trong số những viên kim cương đó có nguồn gốc từ Nga, giảm khoảng một phần tư so với trước chiến dịch quân sự đặc biệt.
Ông Neys cho hay, các công ty có thể sẽ chuyển đến trung tâm giao dịch kim cương sôi động nhất thế giới.
Một số nhà sản xuất đồ trang sức lớn trên thế giới, bao gồm cả Pandora, đã tự nguyện "xa lánh" kim cương của Moscow do xung đột Nga-Ukraine.
Theo ông Zimnisky, các nhà sản xuất đồ kim hoàn tên tuổi khác đã sắp xếp lại chuỗi cung ứng. Vì vậy, lệnh cấm kim cương của Nga sẽ được các nhà sản xuất kim hoàn nhỏ, độc lập của châu Âu cảm nhận sâu sắc nhất.
Ông nhấn mạnh: "Cuối cùng sẽ có một sự phân chia trong thị trường kim cương… những viên kim cương không phải của Nga sẽ được chuyển đến phương Tây. Trong khi, kim cương của Nga có thể sẽ được chuyển đến Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông".
Tìm cách bịt lỗ hổng
Nhiệm vụ lớn nhất mà châu Âu phải đối mặt là làm thế nào để thiết kế một lệnh cấm chặt chẽ nhằm ngăn chặn kim cương của Nga đến khối này thông qua các tuyến đường vòng.
Một quan chức cấp cao của EU cho biết, trọng tâm chính của gói trừng phạt mới của khối là tránh để Moscow lách luật.
Ông Zimnisky giải thích: "Ví dụ, nếu bạn là một người tham gia ngành công nghiệp Mỹ… mua kim cương từ Ấn Độ, về mặt kỹ thuật, viên kim cương đó vẫn có thể có nguồn gốc từ Nga".
Khoảng 90% kim cương nguyên bản trên thế giới được gửi đến Ấn Độ để cắt và đánh bóng trước khi tái xuất khẩu cho các nhà sản xuất đồ trang sức.
Theo ông Neys, tránh để Nga lách luật là điểm mà lệnh cấm hiện tại của Mỹ chưa đạt được.
Ông khẳng định: “Có rất nhiều kim cương của Nga vẫn được bán tại Mỹ. Nếu bạn thực sự muốn bịt lỗ hổng, bạn cần phải tìm ra một hệ thống ngăn kim cương Nga đến thị trường Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7). Để thực hiện điều này, các thương nhân cần tiếp cận với công nghệ xác định nguồn gốc của kim cương".