Gói trừng phạt thứ 14: EU theo chân Mỹ, áp điều khoản 'không Nga', vẫn chưa có 'con bài mặc cả', Moscow thành công với lối đi riêng
Sau 13 gói trừng phạt không đủ sức kìm hãm nền kinh tế Nga, Mỹ, EU và một số quốc gia phương Tây khác đã phản ứng bằng cách chuyển sang các biện pháp tài phán ngoài lãnh thổ.
Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách chống lại việc Nga “lách” lệnh trừng phạt bằng cách áp dụng chúng đối với các doanh nghiệp không phải của khối tại các quốc gia nằm ngoài phạm vi quyền tài phán của liên minh.
Gói trừng phạt thứ 14 đối với Nga, có hiệu lực kể từ ngày 25/6/2024, được thiết kế để tăng rủi ro trách nhiệm pháp lý cho các công ty đã tránh được các vòng trừng phạt trước. Đến cuối năm nay, các biện pháp này sẽ được áp dụng cho các công ty, ngân hàng và nhà đầu tư EU có cổ phần trực tiếp hoặc gián tiếp trong các công ty con, liên doanh hoặc danh mục đầu tư tại các quốc gia không thuộc liên minh nhưng duy trì quan hệ kinh doanh với Nga.
Theo truyền thống, EU thường tránh đưa tính phi lãnh thổ vào thiết kế các chương trình trừng phạt quốc tế, bao gồm cả 13 vòng trừng phạt Nga trước đây. Trên thực tế, khối từng phản đối việc thực hiện các lệnh trừng phạt ngoài lãnh thổ, khẳng định rằng lệnh trừng phạt chỉ được áp dụng khi có mối liên hệ trực tiếp với EU.
Khối cũng đã phản đối khi các khu vực pháp lý khác, chủ yếu là Mỹ, áp đặt các biện pháp ngoài lãnh thổ và các lệnh trừng phạt thứ cấp. Liên minh thậm chí còn cấm các công ty EU tuân thủ lệnh trừng phạt khi phải đối mặt với các biện pháp ở nước ngoài trong các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Cuba, Iran và Libya.
Ngược lại, Wahington từ lâu đã sử dụng năng lực ngoài lãnh thổ trong các chính sách trừng phạt của mình. Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt "các lệnh trừng phạt thứ cấp". Vào tháng 9/2022, bộ này đã báo hiệu ý định mở rộng đáng kể việc áp dụng quyền ngoài lãnh thổ trong việc thực thi các lệnh trừng phạt đối với Nga và họ đã làm như vậy nhiều lần.
EU học theo Mỹ
Gần đây, EU đã bắt đầu làm theo cách của Mỹ trong vấn đề này. Kể từ năm 2023, khối 27 quốc gia thành viên ngày càng nhắm mục tiêu vào các nước thứ ba để chống lại các kế sách “né” trừng phạt Nga.
Ví dụ, EU đã áp một điều khoản trong gói trừng phạt thứ 8 để đưa vào danh sách đen những cá nhân thuộc mọi quốc tịch đã tạo điều kiện cho việc trốn tránh các quy định trừng phạt. Trong khi đó, gói 11 đi xa hơn, thiết lập một loạt quyền hạn mới, thêm các thực thể của nước thứ ba vào danh sách trừng phạt.
Mặc dù liên minh hiện coi việc nhắm mục tiêu vào các nhà điều hành của nước thứ ba là rất quan trọng đối với các nỗ lực chống lách luật, nhưng các biện pháp như vậy đã dẫn đến việc trừng phạt những người không bị coi là bất hợp pháp ở phạm vi quyền hạn trong nước của họ.
Chấp nhận biện pháp gây tranh cãi
Gói trừng phạt mới nhất của EU nhằm vào Nga tập trung việc giải quyết tình trạng “lách” lệnh trừng phạt ở các nước thứ ba và tăng cường thực thi. Các công ty mẹ tại EU hiện có nghĩa vụ "nỗ lực hết mình" để đảm bảo rằng các công ty con không mà họ sở hữu hoặc kiểm soát, không tham gia vào các giao dịch liên quan tới lệnh trừng phạt.
Theo đó, các doanh nghiệp EU chuyển giao bí quyết công nghiệp để sản xuất hàng hóa phục vụ chiến trường cho các đối tác thương mại của nước thứ ba sẽ phải đưa vào các điều khoản hợp đồng để bảo đảm rằng bí quyết đó sẽ không được sử dụng cho hàng hóa chuyển hướng sang Nga.
Điều khoản "không Nga" này sẽ có hiệu lực vào ngày 26/12/2024 và cũng áp dụng khi việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến hàng hóa được xác định là có mục đích sử dụng dân sự-quân sự hoặc đơn giản là công nghệ tiên tiến. Ủy ban châu Âu sẽ quyết định xem các công ty con không thuộc EU có nên áp dụng điều khoản "không Nga" hay không.
Trừng phạt hệ thống tài chính
Các lệnh trừng phạt mới của EU cấm sử dụng Hệ thống chuyển giao tin nhắn tài chính (SPFS), một nền tảng điện tử do Ngân hàng Trung ương Nga phát triển. SPFS được phát triển nhằm thay thế SWIFT (hệ thống tài chính cho phép chuyển tiền giữa các ngân hàng và tổ chức tài chính toàn cầu), giúp tăng cường chủ quyền tài chính của Nga và giảm sự phụ thuộc vào phương Tây. Tính đến quý III/2023, khoảng 300 ngân hàng Nga và 23 ngân hàng nước ngoài từ nhiều quốc gia, bao gồm Kazakhstan và Thụy Sỹ, đã được kết nối với nền tảng SPFS.
Các thực thể EU hoạt động bên ngoài Nga bị cấm kết nối với hệ thống đó hoặc bất kỳ hệ thống tương đương nào có hiệu lực từ ngày 25/6/2024. Các thực thể này cũng bị cấm thực hiện giao dịch với các thực thể được niêm yết sử dụng SPFS bên ngoài Nga.
Trừng phạt năng lượng, thương mại
Vòng trừng phạt thứ 14 của EU cấm tái xuất khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga trong lãnh thổ EU. Lệnh cấm mở rộng sang các dịch vụ kỹ thuật và tài chính tạo điều kiện cho việc chuyển LNG sang các nước thứ ba. Mục đích là làm giảm doanh thu của Moscow từ việc bán khí đốt.
EU đã mở rộng danh sách người dùng cuối là quân đội để bao gồm 61 thực thể mới (33 ở các nước thứ ba và 28 ở Nga) bị cáo buộc có liên quan đến việc “lách” luật hạn chế thương mại hoặc mua sắm các mặt hàng nhạy cảm và hỗ trợ các hoạt động quân sự của Điện Kremlin.
Phản ứng của Nam bán cầu
Sau khi các đợt trừng phạt ban đầu không đủ sức kìm hãm nền kinh tế Nga, Mỹ, EU và một số quốc gia phương Tây khác đã phản ứng bằng cách chuyển sang các biện pháp tài phán ngoài lãnh thổ. Theo đó, cấm các quốc gia thứ ba sử dụng các loại tiền tệ tương ứng của họ trong các giao dịch xuyên biên giới.
Trong khi đó, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi và các quốc gia Nam bán cầu khác vẫn tiếp tục giao dịch với Nga. Không ngờ, nhiều nước đã tăng cường thương mại song phương với Moscow và mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực kinh tế, bao gồm tài chính, năng lượng và thương mại hàng hóa sản xuất chiến lược cũng như công nghệ cao.
Hầu hết các nước đang phát triển cho rằng xung đột Nga-Ukraine nên được kiềm chế bằng thỏa hiệp và ngừng bắn thay vì lệnh trừng phạt đơn phương và cung cấp vũ khí cho Kiev. Năm 2022, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã truyền đạt quan điểm của các nước này khi khuyên "Châu Âu phải thoát khỏi tư duy rằng các vấn đề của châu Âu là vấn đề của thế giới, nhưng các vấn đề của thế giới không phải là vấn đề của châu Âu".
Việc đóng băng tài sản của Nga đã được phương Tây ca ngợi là một phản ứng phù hợp và thống nhất đối với chiến dịch quân sự của Nga. Tuy nhiên, nó đã gửi một thông điệp đáng lo ngại đến phần còn lại của thế giới.
Các chính phủ Nam bán cầu hiện tự hỏi liệu việc nắm giữ tài sản ở nước ngoài của họ bằng Euro và USD có phải là thông minh hay không, vì bản thân họ có thể phải đối mặt với những hành động tương tự trong tương lai. Các lệnh đóng băng đã làm suy yếu uy tín của Euro và đồng bạc xanh như những nơi trú ẩn an toàn, gây ra những tác động đối với các chính phủ không thuộc phương Tây trong việc quản lý tài sản dự trữ.
Trong một ví dụ nổi bật về sự lo lắng đối với tiền tệ, Algeria đã đưa ra một điều khoản trong thỏa thuận năm 2023 về việc bán khí đốt cho các đối tác châu Âu: Algeria bảo lưu quyền thay đổi loại tiền tệ giao dịch trong nửa năm.
Có thể thấy sự lo lắng tương tự trên khắp Nam Bán cầu, nơi các quốc gia ngày càng sử dụng nhiều hơn đồng tiền của riêng mình, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc hoặc các công cụ tài chính thay thế khác trong thương mại. Điều đó dần dần làm suy yếu sự liên quan toàn cầu của các loại tiền tệ hàng đầu của phương Tây.
Dự đoán 2 kịch bản
Kịch bản nhiều khả năng xảy ra: EU sẽ tăng gấp đôi lệnh trừng phạt ngoài lãnh thổ
Theo diễn biến mới nhất, EU sắp áp dụng các lệnh trừng phạt thứ cấp đối với các nước thứ ba bị cáo buộc làm suy yếu chế độ trừng phạt của liên minh.
Mặc dù các biện pháp này trái ngược với cách tiếp cận truyền thống của EU trong việc tránh sự can thiệp quá mức ngoài lãnh thổ, nhưng việc thao túng và né tránh lệnh trừng phạt của ngày càng nhiều quốc gia không phải phương Tây dường như đã thuyết phục khối này rằng chỉ có thể thực thi hiệu quả bằng cách nhắm mục tiêu vào các thực thể pháp lý trên toàn thế giới.
Khi nền kinh tế Nga tiếp tục mở rộng thương mại song phương trong các lĩnh vực chiến lược như năng lượng, chủ yếu thông qua các đối tác không phải phương Tây - Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ - câu hỏi đặt ra là: EU sẽ đi xa đến đâu trong việc trừng phạt các thực thể ở các quốc gia này? Đối tượng giao dịch của họ nhiều khả năng bao gồm các doanh nghiệp nhà nước lớn và các tập đoàn tư nhân có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng và ổn định xã hội ở các nước.
Chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Moscow vào tháng 7/2024, chuyến đi đầu tiên của ông tới Nga kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra, đã gửi đi một tín hiệu quan trọng. Động thái ngoại giao của New Delhi, cho thấy nhiệm vụ thực thi lệnh trừng phạt của EU sẽ phức tạp như thế nào. Nhiều quốc gia Nam bán cầu phụ thuộc rất nhiều vào Moscow về năng lượng và vũ khí.
Kịch bản ít có khả năng xảy ra: EU sẽ nới lỏng các lệnh trừng phạt ngoài lãnh thổ
EU từ lâu vẫn khẳng định rằng các lệnh trừng phạt ngoài lãnh thổ vi phạm toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của các quốc gia bị nhắm mục tiêu. Trớ trêu thay, liên minh hiện đang hành động bất chấp chính những nguyên tắc này.
Do đó, xét theo góc độ luật pháp quốc tế, trong tương lai, EU có thể sẽ quay trở lại vị thế pháp lý trước đây của mình. Điều này thậm chí có thể bao gồm khả năng sử dụng một công cụ tương tự luật năm 1996, được gọi là Quy chế Chặn, do EU áp dụng để bảo vệ công dân và pháp nhân liên minh khỏi các tác động ngoài lãnh thổ của lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Cuba, Libya và Iran.
Việc EU từ bỏ quyền ngoài lãnh thổ có thể xuất phát từ những cân nhắc thực tế. Liên minh không có sức mạnh tài chính và kinh tế như Mỹ để buộc các thực thể không thuộc EU tuân thủ các chính sách của mình. Mỹ thực thi các lệnh trừng phạt bằng cách sử dụng đồng USD như một công cụ kinh tế mạnh mẽ, trong khi đồng Euro không thể sao chép về mặt hiệu quả răn đe.
Vì vậy, người châu Âu cần phát triển các công cụ kinh tế bổ sung để tạo ra một “con bài mặc cả” hiệu quả. Trong lĩnh vực tài chính, các thể chế của họ không có sức mạnh và phạm vi toàn cầu như các đối tác Mỹ.
Tuy nhiên, lý do chính khiến EU có thể rút khỏi các lệnh trừng phạt ngoài lãnh thổ là viễn cảnh trả đũa từ các quốc gia bị ảnh hưởng. Trong khi khối này có thể áp dụng thành công các biện pháp ngoài lãnh thổ đối với các nền kinh tế nhỏ hơn, chẳng hạn như Armenia hoặc thậm chí là Kazakhstan, thì việc làm tương tự với các tác nhân lớn như Trung Quốc, Ấn Độ hoặc Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ gần như không thể.
Trung Quốc đã cảnh báo EU, nếu nước này bị trừng phạt vì vấn đề đó, Bắc Kinh sẽ đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt đối phó. Trong trường hợp như vậy, nhiều quốc gia thành viên liên minh có lợi ích kinh tế đáng kể với cường quốc châu Á, bao gồm Đức và Pháp, sẽ phản đối mạnh mẽ các lệnh trừng phạt ngoài lãnh thổ.