Gói viện trợ mới của Mỹ giúp ích ra sao cho Ukraine trên chiến trường?
Gói viện trợ mới của Mỹ dành cho Ukraine được coi là 'huyết mạch' đối với quân đội Ukraine sau nhiều tháng Kiev thiếu hụt vũ khí và đạn dược. Nhưng liệu Washington có thể duy trì khoản viện trợ này trong bao lâu?
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký thông qua gói viện trợ nước ngoài, bao gồm gần 61 tỷ USD cho Ukraine, sau nhiều tháng bị trì hoãn. Tổng thống Biden cho biết Mỹ “đảm bảo các chuyến hàng viện trợ sẽ bắt đầu được chuyển giao ngay lập tức, trong vài giờ tới”.
Những vũ khí trong gói viện trợ mới được cho là đóng vai trò quan trọng đối với quân đội Ukraine trong thời gian tới bởi Kiev đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt vũ khí và đạn dược nghiêm trọng.
Yehor Chernev - Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia của Quốc hội Ukraine về An ninh, quốc phòng và tình báo, cho biết, gói viện trợ, đã bị trì hoãn từ lâu do sự chia rẽ trong nội bộ đảng Cộng hòa tại Hạ viện, là “huyết mạch” đối với quân đội Ukraine.
Tuy nhiên, gói viện trợ mới sẽ không bao gồm mọi thứ mà Tổng thống Zelensky đã yêu cầu, trong bối cảnh quân đội Ukraine đang nỗ lực giữ vững các vị trí sau hơn 2 năm xung đột.
Những vũ khí Ukraine mong muốn
Tổng thống Zelensky nói rằng Ukraine cần đạn pháo và tên lửa tầm xa để tấn công lực lượng Nga, cùng với hệ thống phòng không để bảo vệ các thành phố và cơ sở hạ tầng quan trọng như căn cứ quân sự, nhà máy điện và nhà máy vũ khí.
“Chúng ta cần gây thiệt hại tối đa cho mọi thứ mà Nga sử dụng làm căn cứ và cơ sở hậu cần quân sự. Để làm như vậy, Ukraine cần có thêm hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) tầm xa để tấn công vào phía sau phòng tuyến của đối phương”, ông Zelensky nói trong bài phát biểu hàng đêm hôm 22/4.
Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hệ thống ATACMS với tầm bắn 160km vào năm ngoái và chúng đã được Kiev sử dụng để tấn công hai căn cứ không quân của Moscow vào tháng 10/2023.
Ukraine đã yêu cầu Mỹ cung cấp hệ thống ATACMS có tầm bắn xa hơn, có thể tấn công các mục tiêu cách đó khoảng 460km. Ngày 24/4, một quan chức cấp cao của Mỹ xác nhận rằng Lầu Năm Góc đã bí mật vận chuyển một số hệ thống ATACMS tầm xa cho Ukraine. Kiev đã sử dụng tên lửa ATACMS trong vụ tấn công sân bay quân sự Nga ở Crimea vào tuần trước, cũng như trong cuộc tấn công ban đêm nhằm vào các mục tiêu của Nga ở một khu vực hiện do Moscow kiểm soát ở Ukraine.
Ukraine đã thiếu hụt đạn pháo, như đạn pháo cỡ nòng 155mm phù hợp với bệ phóng tiêu chuẩn NATO do phương Tây cung cấp, trong hơn một năm qua. Trong khi đó, lực lượng Nga đang bắn số lượng đạn trên chiến trường nhiều gấp 10 lần so với quân đội Ukraine.
Ông Zelensky cũng nhấn mạnh rằng hệ thống phòng không, đặc biệt là hệ thống tên lửa đất đối không Patriot do Mỹ sản xuất, là “rất quan trọng” đối với Ukraine. Trong hơn một năm qua, nhà lãnh đạo Ukraine cũng liên tục kêu gọi phương Tây cung cấp máy bay chiến đấu F-16.
Ukraine sẽ nhận được gì trong gói viện trợ mới của Mỹ?
Lầu Năm Góc ngày 23/4 cho biết họ sẽ gấp rút cung cấp gói viện trợ quân sự trị giá 1 tỷ USD cho Ukraine, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành đạo luật viện trợ gần 61 tỷ USD cho Ukraine, bao gồm tên lửa đất đối không vác vai Stinger và các loại đạn phòng không khác, đạn pháo 155mm, tên lửa dẫn đường chống tăng Javelin, đạn chùm và phương tiện chiến đấu.
Mỹ cũng sẽ cung cấp thêm xe chiến đấu bộ Bradley, xe kháng mìn MRAP và thiết giáp đa dụng Humvee.
Gói viện trợ của Mỹ cho Ukraine cũng bao gồm hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) có thể phóng tên lửa ATACMS. Một quan chức Mỹ không nêu rõ liệu tên lửa ATACMS có nằm trong gói viện trợ lần này của Washington hay không. Tuy nhiên, trong một tuyên bố ngày 24/4, Tổng thống Zelensky xác nhận ATACMS là một phần của gói viện trợ, nhấn mạnh rằng đây “chính xác là loại vũ khí mà binh sĩ của chúng tôi cần”.
Đợt viện trợ đầu tiên cho Ukraine trong gói ngân sách mới được Tổng thống Biden thông qua không bao gồm hệ thống phòng không Patriot, mà chỉ bổ sung đạn dược cho các hệ thống tên lửa mà Kiev đang triển khai. Các chuyên gia quân sự cho rằng, hệ thống Patriot khan hiếm và đắt đỏ, và việc gửi thêm cho Ukraine hệ thống này có thể khiến Mỹ không thể không bảo vệ tài sản của họ, cả trong nước và quốc tế.
Dù Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh rằng các đồng minh NATO đang nỗ lực cung cấp tiêm kích F-16 cho Ukraine, nhưng cho đến nay, Mỹ vẫn từ chối gửi bất kỳ máy bay chiến đấu nào của mình cho Kiev. Lực lượng Không quân Mũ đã đào tạo một số phi công Ukraine sử dụng F-16. Các quan chức Ukraine cho biết khoảng 12 phi công sẽ sẵn sàng lái những chiếc F-16 trên chiến trường vào tháng 7 tới, nhưng vì chỉ có 6 máy bay chiến đấu loại này được chuyển giao cho Kiev vào thời điểm đó.
Gói viện trợ mới của Mỹ giúp ích ra sao cho Ukraine?
Mặc dù gói viện trợ trị giá 61 tỷ USD được chỉ định là hỗ trợ cho Ukraine, các quan chức Lầu Năm Góc cho biết có tới 48 tỷ USD sẽ được chuyển đến các nhà sản xuất vũ khí Mỹ để bổ sung vào kho dự trữ của Mỹ hoặc để xây dựng thêm các kho dự trữ của Mỹ, tạo điều kiện để tiếp tục chuyển giao khí tài cho Ukraine.
Khoản viện trợ 1 tỷ USD từ Lầu Năm Góc sẽ đến từ số tiền còn lại. Thượng nghị sĩ Mark Warner, chủ tịch Ủy ban đặc biệt về tình báo Mỹ, cho biết khoản viện trợ này cho Ukraine có thể “được chuyển vào cuối tuần”.
Điều này có thể ngay lập tức giúp củng cố chiến tuyến của Ukraine, nơi các lực lượng cần nhanh chóng ngăn chặn máy bay không người lái, máy bay chiến đấu và máy bay ném bom của Nga, đồng thời ngăn Moscow giành quyền kiểm soát thêm lãnh thổ. Mặc dù vậy, một quan chức Mỹ nói rằng có thể phải mất hơn một tuần để vũ khí do Mỹ cung cấp tới được khu vực tiền tuyến.
Giới chức Ukraine dường như hoài nghi về việc Mỹ có thể giao vũ khí một cách nhanh chóng và đều đặn trong những tháng tới hay không.
“Khi nhận được vũ khí, chúng tôi sẽ có cơ hội tiến lên phía trước để bảo vệ Ukraine. Tuy nhiên, điều đó phụ thuộc vào việc chúng tôi nhận được khoản viện trợ này trong bao lâu”, ông Zelensky nói.
Vũ khí và đạn dược gửi đến Ukraine thường được lấy từ tài sản của Lầu Năm Góc ở châu Âu, với các chuyến hàng được điều phối bởi đội ngũ nhân viên lên tới 500 người có trụ sở tại Đức.
Trong nhiều tháng, Mỹ và các đồng minh khác đã nhiều lần cảnh báo rằng họ có rất ít vũ khí để cung cấp cho Ukraine cho đến khi việc sản xuất vũ khí có thể bắt kịp nhu cầu ngày càng lớn trên chiến trường.