Gợi ý đáp án đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 tại TP.HCM
Giáo viên môn Ngữ văn đánh giá đề thi môn Văn của TP.HCM sáng tạo, hấp dẫn, học sinh chăm chỉ có thể dễ dàng đạt 7-8 điểm.
Sáng 6/6, hơn 98.000 học sinh ở TP.HCM đã hoàn thành bài thi môn Ngữ văn. Đề thi như sau:
Gợi ý đáp án
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1.
- Thời điểm: Kỷ niệm 49 năm thống nhất Đất nước và 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
- Chủ đề: Tôi yêu Tổ quốc tôi.
Câu 2.
HS chỉ ra một thành phần biệt lập có trong đoạn cuối.
Gợi ý:
- Thành phần phụ chú: Vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Câu 3. Những câu thơ cho em thấy được hình ảnh những người lính ở đảo Trường Sa: Họ có tuổi đời còn trẻ; mang trong mình nhiệt huyết và tình yêu đất nước mãnh liệt để bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
Câu 4. HS lựa chọn một hoạt động và đưa ra lý giải phù hợp.
Gợi ý:
- Vẽ tranh về biển đảo quê hương.
- Cuộc thi tìm hiểu biển đảo.
- Sáng tác thơ, văn về biển đảo quê hương.
II. LÀM VĂN
Câu 1.
Yêu cầu về hình thức: Đoạn văn khoảng 500 chữ, không mắc lỗi diễn đạt, dùng từ, đảm bảo đủ 3 phần: Mở bài, thân bài, kết bài.
Yêu cầu về nội dung: Làm sáng tỏ được vấn đề nghị luận: Biết nghĩ bằng con tim.
Bài làm có thể triển khai theo nhiều cách:
1. Mở bài: Biết nghĩ bằng con tim - Lời khuyên này tưởng chừng như trái ngược với quan niệm thông thường, nhưng lại ẩn chứa nhiều giá trị sâu sắc và ý nghĩa, mở ra cho chúng ta một góc nhìn mới mẻ về cuộc sống.
2. Thân bài:
a. Giải thích vấn đề:
- Biết nghĩ bằng con tim là tập trung cảm nhận, lắng nghe vấn đề bằng tình cảm, bằng cả sự chân thành.
- Biết nghĩ bằng con tim không đơn thuần là việc để cảm xúc chi phối lý trí, mà là sự kết hợp hài hòa giữa lý trí và cảm xúc, giúp con người đưa ra những quyết định sáng suốt và sống một cuộc sống trọn vẹn hơn.
b. Phân tích
- Suy nghĩ bằng con tim giúp ta thấu hiểu và cảm thông với mọi người xung quanh.
+ Đặt mình vào vị trí của người khác, ta sẽ dễ dàng đồng cảm với những khó khăn, niềm vui và nỗi buồn của họ.
+ Từ đó, ta biết cách cư xử sao cho phù hợp, tạo dựng những mối quan hệ tốt đẹp và xây dựng một xã hội đầy ắp yêu thương.
- Suy nghĩ bằng con tim cũng giúp ta trân trọng những giá trị tinh thần trong cuộc sống.
+ Thay vì chạy theo những giá trị vật chất phù phiếm, ta sẽ biết trân trọng những điều bình dị như tình yêu thương, hạnh phúc gia đình, tình bạn, tình thầy trò,...
+ Những giá trị tinh thần này mới là nguồn động lực giúp ta vượt qua mọi khó khăn và sống một cuộc sống ý nghĩa.
- Biết nghĩ bằng con tim giúp ta nhìn nhận lại thái độ của mình trong cuộc sống, biết được niềm vui, nỗi buồn của mình ở đâu. Từ đó ta biết hàn gắn những nỗi đau và tìm được ý nghĩa của cuộc sống
=> Biết nghĩ bằng con tim giúp chúng ta thấu hiểu chính mình, làm chủ cuộc sống của mình
HS lấy dẫn chứng minh họa phù hợp.
c. Phản đề
- Tuy nhiên, "biết nghĩ bằng con tim" không đồng nghĩa với việc gạt bỏ hoàn toàn lý trí.
+ Có những người sống quá cảm xúc, không suy nghĩ thấu đáo mà quyết định sai lầm.
+ Có những người sống quá lý trí khiến cuộc sống trở nên khô khan, lạnh lùng, vô cảm
=> Lý trí là nền tảng giúp ta đưa ra những quyết định sáng suốt và có trách nhiệm. Khi kết hợp hài hòa giữa lý trí và cảm xúc, ta sẽ có những hành động đúng đắn và phù hợp với hoàn cảnh.
=> Lời khuyên "biết nghĩ bằng con tim" của tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần là một lời khuyên đắt giá cho cuộc sống. Khi ta biết cách suy nghĩ bằng con tim, ta sẽ có một cuộc sống trọn vẹn và ý nghĩa hơn.
d. Liên hệ bản thân
3. Kết bài: Tổng kết lại vấn đề
Câu 2.
Cách giải:
HS lựa chọn 1 trong 2 đề và làm theo yêu cầu đề bài.
* Yêu cầu về hình thức:
- Bài viết đảm bảo cấu trúc của một bài văn gồm 3 phần:
+ Mở bài: Nêu được vấn đề.
+ Thân bài: Triển khai được vấn đề.
+ Kết bài: Khái quát được vấn đề.
- Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
* Yêu cầu về nội dung:
Bài viết đảm bảo những nội dung sau đây:
1. Mở bài
- Giới thiệu tác giả: Nguyễn Quang Sáng là nhà văn trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Sinh ra, lớn lên và hoạt động chủ yếu ở chiến trường miền Nam nên các sáng tác của ông hầu như chỉ xoay quanh cuộc sống con người Nam bộ trong hai cuộc kháng chiến cũng như sau hòa bình.
- Giới thiệu tác phẩm: Tác phẩm Chiếc lược ngà được viết năm 1966 khi tác giả hoạt động ở chiến trường Nam Bộ. Được in trong tập truyện cùng tên.
- Giới thiệu vấn đề nghị luận: Tình cảm nhân vật bé Thu dành cho cha. Từ đó liên hệ thực tế cuộc sống (hoặc một tác phẩm khác cùng đề tài) để thấy được ý nghĩa của tình cảm gia đình đối với mỗi con người.
2. Thân bài
a. Tình cảm nhân vật bé Thu dành cho cha
* Trước khi bé Thu biết ông Sáu là cha
- Những tưởng ngày đoàn viên sau 8 năm xa cách phải đầy mừng tủi, hạnh phúc nhưng cô bé lại thể hiện một thái độ khác thường:
+ Trước sự xúc động của ông Sáu, ba bé Thu thì cô bé ngạc nhiên, hoảng sợ, mặt tái đi, bỏ chạy, cầu cứu má.
+ Những ngày sau đó dù ông dành hết thời gian bên con, yêu thương, chăm sóc nhưng bé Thu vẫn lạnh nhạt, xa lánh thậm chí bướng bỉnh, ngang ngạnh cự tuyệt ông.
+ Cô bé không chịu gọi ông là cha. Những lúc phải nói với ông nó chỉ gọi trống không, bất chấp sự trách móc của mẹ.
+ Lúc khó khăn, nguy cấp khi phải chắt nước nồi cơm vừa to, vừa nặng quá sức mình con bé cũng không chịu nhờ ông Sáu. Nó tự xoay sở để không phải gọi ông là ba.
+ Cô bé còn từ chối sự chăm sóc của ông rất quyết liệt. Nó hất miếng trứng cá ông gắp cho ra khỏi bát làm đổ cả cơm. Lúc ông Sáu không kìm được nỗi đau khổ nên phạt bé Thu, con bé ngay lập tức bỏ sang nhà bà ngoại.
=> Bé Thu hồn nhiên nhưng cũng bướng bỉnh, cá tính. Cô không nhận ông Sáu là ba vì trên mặt ông có vết sẹo, không giống với người ba của cô bé trên tấm hình suốt 8 năm nay. Chính cách chối từ tình cảm của ông Sáu đã cho thấy tình yêu thương thắm thiết của bé Thu giành cho cha mình. Đối với cô bé tiếng gọi cha rất thiêng liêng, không thể tùy tiện và trong hoàn cảnh cho rằng ông Sáu không phải cha mình, Thu nhất quyết cự tuyệt ông.
b. Sau khi bé Thu biết ông Sáu là cha mình
- Sau khi nghe bà ngoại giải thích, bé Thu đã trở về nhà trong sáng ngày ông Sáu lên đường về đơn vị. Con bé đã thay đổi hoàn toàn thái độ trong sự ngỡ ngàng của ông Sáu và mọi người.
+ Nó cau có, bướng bỉnh mà buồn rầu và nghĩ ngợi sâu xa.
+ Khi bắt gặp cái nhìn trìu mến, buồn bã của ba đôi mắt nó bỗng xôn xao. Đó là cái xôn xao của sự đồng cảm. Bé Thu nhận ra những tiếc nuối, xót xa, yêu thương trong ánh mắt của ba mình.
+ Đến giây phút cuối cùng, khi ông Sáu cất lời từ biệt con bé mới cất lên tiếng gọi ba xé lòng. Tiếng gọi bị kìm nén suốt 8 năm. Tiếng gọi chất chứa bao tình yêu thương thắm thiết.
+ Không chỉ vậy, nó xô đến ôm chặt lấy ba, hôn ba, hôn lên vết thẹo. Con bé muốn giữ chặt ba, không cho ba đi. Nó lo sợ ba sẽ đi mất. Nó muốn bày tỏ tất cả tình yêu của mình dành cho ba.
=> Trong khoảnh khắc, mọi khoảng cách với ba bị xóa bỏ. Cô bé không dấu sự gắn bó và tình cảm của mình dành cho ba khiến mọi người xúc động.
=> Miêu tả biến đổi tình cảm của bé Thu, tác giả đã một lần nữa tô đậm tình yêu ba tha thiết. Khi lạnh nhạt cũng như khi quấn quýt, bé Thu đều hướng đến ba mình.
c. Liên hệ thực tế (hoặc tác phẩm khác cùng chủ đề) để thấy được ý nghĩa của tình cảm gia đình đối với mỗi con người
Học sinh có thể lựa chọn liên hệ thực tế hoặc liên hệ tác phẩm khác cùng chủ đề để thấy được ý nghĩa của tình cảm gia đình đối với con người. Sau đây là gợi ý.
- Liên hệ tác phẩm cùng chủ đề: Bếp lửa.
- Ý nghĩa của tình cảm gia đình đối với mỗi con người:
+ Gia đình là điểm tựa, là nơi mang đến những bình yên, hạnh phúc cho mỗi cá nhân.
+ Gia đình là động lực để mỗi cá nhân phấn đấu.
+ Gia đình là nơi che chở, vỗ về, tiếp thêm sức mạnh để mỗi cá nhân phấn đấu, vượt qua khó khăn, thử thách.
3. Kết bài
Tổng kết lại vấn đề.
Đạt 7-8 điểm không khó
Nhận xét đề thi môn Ngữ văn, giáo viên tại Tuyensinh247.com nhận xét về cơ bản, cấu trúc đề thi vẫn như cấu trúc các năm trước gồm có 3 câu hỏi, cụ thể:
Câu hỏi 1: Đọc hiểu, chiếm 30% tổng số điểm bài thi.
Câu hỏi 2: Nghị luận xã hội, chiếm 30% tổng số điểm bài thi.
Câu hỏi 3: Nghị luận văn học, chiếm 40% tổng số điểm bài thi.
Giống như các năm trước, đề thi Văn của TP.HCM được giáo viên nhận xét rất sáng tạo, gây hứng thú cho người làm bài. Điểm nhấn - mạch xuyên suốt đề thi là "Nhịp trái tim không chỉ dành cho riêng mình".
Trong đó, câu hỏi 1 gồm các câu hỏi liên quan kỹ năng đọc hiểu, thành phần biệt lập. Không chỉ vậy, câu hỏi này còn cho phép học sinh bày tỏ quan điểm cá nhân về “Tổ chức một hoạt động để khơi lên nhịp trái tim dành cho biển đảo quê hương ở các bạn trẻ”. Giáo viên đánh giá đây là một câu hỏi hay, giàu ý nghĩa.
Câu hỏi 2 tiếp tục bám sát vào vấn đề ban đầu: “Nhịp trái tim không chỉ dành cho riêng mình….”. Đề thi này được đánh giá rất hay vì đưa ra được vấn đề nghị luận đầy ý nghĩa, đồng thời cũng giúp học sinh phát huy, thể hiện quan điểm cá nhân của mình.
Với phần nghị luận văn học, đề thi vẫn đưa ra hai sự lựa chọn cho thí sinh.
Ở đề 1, câu hỏi hỏi cho vào tác phẩm Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng với nội dung cụ thể là tình cảm của bé Thu dành cho cha, từ đó liên hệ với cuộc sống hoặc một tác phẩm khác để làm nổi bật ý nghĩa, vai trò của tình cảm gia đình đối với mỗi người.
Ở đề 2, với Câu lạc bộ Bạn yêu thơ học sinh sẽ viết bài văn nghị luận về một khổ thơ/đoạn thơ/bài thơ và đồng thời nói lên được những tình cảm sâu sắc mà thơ ca khơi lên trong các bạn. Đây là câu hỏi học sinh được tự do lựa chọn khổ thơ/đoạn thơ/bài thơ mà mình yêu thích để phân tích, cảm nhận.
Giáo viên môn Ngữ văn nói rằng để hoàn thành bài thi tốt, một phần quan trọng không kém là thí sinh cần phân bố thời gian hợp lý để làm bài. Thời gian luôn tỉ lệ thuận với dung lượng viết và điểm số từng câu.
Câu 1 thí sinh cần dành khoảng 25-30 phút, câu 2 cần dùng 25-30 phút và còn lại câu nghị luận văn học nên dành khoảng 60 phút. Phân bố thời gian hợp lý cũng là một trong những bí quyết để có một bài làm tốt.
"Đề thi tuyển sinh của TP.HCM năm học 2024-2025 được đánh giá là sáng tạo nhưng đồng thời cũng rất vừa sức, bám sát với cấu trúc đề. Các em nếu chăm chỉ ôn tập và rèn luyện kỹ năng làm bài thì để đạt điểm 7, 8 là không hề khó", giáo viên nhận định.