Gojek rút lui, nhiều tài xế loay hoay tìm việc khác

Gojek - một trong những nền tảng gọi xe công nghệ lớn của Indonesia đã chính thức rút lui khỏi thị trường Việt Nam hơn một tháng nay, kể từ 16/09/2024. Với quyết định này, hàng ngàn tài xế Gojek bỗng nhiên rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chính khi mất việc, không có cảnh báo trước, không có gói bảo hiểm thất nghiệp và không có hỗ trợ tái hòa nhập vào thị trường lao động.

Rất nhiều tài xế Gojek ở Việt Nam đã phải đối mặt với cú sốc. Anh Nguyễn Bá Đoàn (34 tuổi, ở phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã gắn bó với công việc tài xế Gojek gần 4 năm nay. Khi công ty đột ngột thông báo rút lui khỏi Việt Nam, anh Đoàn cảm thấy sốc, giống như bị “đem con bỏ chợ”.

Anh Nguyễn Bá Đoàn cho biết: “Tôi chạy Gojek từ đầu năm 2021 đến ngày cuối cùng Gojek rời khỏi Việt Nam. Gojek chỉ thông báo qua app tài xế thôi. Không có đền bù gì cả. Trong app thì vẫn còn một ít tiền, không đủ số tiền tối thiểu để rút nên cũng không rút về được, đành phải bỏ. Tôi không nghĩ là Gojek lại rời đi sớm như vậy. Mọi người cũng cảm thấy hơi hụt hẫng, buồn mất một thời gian”.

Đột ngột mất đi nguồn thu nhập chính, những tài xế như anh Đoàn đang phải xoay xở bằng cách tìm việc ở các nền tảng gọi xe khác hoặc chuyển sang các nghề lao động phổ thông. Tuy nhiên, việc tìm kiếm một công việc mới không hề đơn giản, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, trong khi công ty lại không có chính sách đền bù hay hỗ trợ nào.

Việc Gojek rời đi đột ngột khiến nhiều tài xế mất đi nguồn thu nhập chính, phải xoay sở bằng cách tìm việc ở các nền tảng gọi xe khác hoặc chuyển sang các nghề lao động phổ thông.

Việc Gojek rời đi đột ngột khiến nhiều tài xế mất đi nguồn thu nhập chính, phải xoay sở bằng cách tìm việc ở các nền tảng gọi xe khác hoặc chuyển sang các nghề lao động phổ thông.

“Gia đình tôi đang là 4 người, 2 vợ chồng với 2 đứa con. Nguồn thu nhập chính nhờ vào tôi chạy Gojek để nuôi gia đình. Sau khi Gojek rời đi thì tôi cũng phải đi tìm kiếm một công việc khác một thời gian, mất thêm tiền bạc để đi đăng ký một app khác nhưng cũng chưa được như ý. Sau đó, tôi tiếp tục đăng kí app khác là Grab để chạy thêm và đi làm thêm cơ khí cùng tổ thợ của người em. Tôi cũng mong muốn những tài xế công nghệ gắn bó với các hãng công nghệ ở Việt Nam, khi các hãng rời đi sẽ có một chế độ gì đấy cho các đối tác tài xế, hỗ trợ một số ít ỏi để tài xế có thể tìm công việc mới”, anh Nguyễn Bá Đoàn chia sẻ thêm.

Chị Đỗ Thu Hà, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: “Gojek rời đi cũng sẽ giảm đi một sự lựa chọn cho khách hàng khi lên online đặt xe công nghệ. Cá nhân tôi thì tôi cũng không quá quan tâm quá nhiều đến chế độ hay cuộc sống riêng của tài xế. Vì trên phương diện khách hàng thì tôi chỉ quan tâm cái nào rẻ hơn và thời gian tài xế đến đón mình nó lâu hay nhanh”.

Đối với khách hàng, đây chỉ là mất đi một sự lựa chọn. Nhưng đối với các tài xế công nghệ, họ mất công việc, mất đi nguồn thu nhập và đặc biệt là mất luôn sự bảo vệ. Hiện nay, tài xế tại một số hãng xe công nghệ không được xem là người lao động chính thức, do đó không có quyền lợi về bảo hiểm thất nghiệp hay các khoản trợ cấp khi mất việc. Đây là lỗ hổng lớn trong việc bảo vệ lao động trong nền kinh tế số.

Hiện nay, tài xế tại một số hãng xe công nghệ không được xem là người lao động chính thức.

Hiện nay, tài xế tại một số hãng xe công nghệ không được xem là người lao động chính thức.

TS. Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển KT-XH Hà Nội cho hay: “Không rõ là giữa các thành viên và Gojek có hợp đồng lao động kiểu gì, có cơ chế đền bù hay xử lý sau hợp đồng hay không. Nếu có thì họ phải tuân thủ các quy định. Tất nhiên nó có một sự khó ở chỗ đây là một tổ chức quốc tế. Vậy khi họ rút về nước thì chúng ta phải xử theo luật nào, hay theo kiện bởi ai. Thêm vào đó, trong các hoạt động xe công nghệ thì hầu hết mang tính chất bán chuyên nghiệp, rất thiếu tính tổ chức và các chế tài pháp lý cần thiết. Kinh tế số là một trong những không gian kinh tế mới, do đó những sự phát triển thế chế, trong đó có pháp lý để quản lý cũng như để điều chỉnh các quan hệ hợp đồng lao động hợp đồng trong nền kinh tế số là rất cần thiết”.

Việc Gojek rời khỏi Việt Nam không chỉ là sự ra đi của một ứng dụng, mà còn là lời cảnh báo nghiêm túc về các quyền lợi bảo vệ lao động trong nền kinh tế số. Khi công nghệ phát triển nhanh chóng, các chính sách bảo vệ phải theo kịp để bảo vệ không chỉ hàng ngàn tài xế mà còn cả sự ổn định của toàn bộ hệ sinh thái kinh tế số.

Ngọc Mai

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/tai-xe-viet-khung-hoang-sau-khi-gojek-rut-lui-273936.htm