Goldman Sachs: Việt Nam có nguy cơ chịu ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan của Mỹ
Theo tính toán của ngân hàng đầu tư Mỹ Goldman Sachs, thuế quan Mỹ với hàng hóa Việt Nam tăng thêm 10% sẽ khiến GDP của Việt Nam giảm 1%...

Ảnh minh họa: Reuters
Trong báo cáo nghiên cứu mới công bố, hai nhà phân tích tài chính về châu Á Goohoon Kwon và Andrew Tilton của ngân hàng Goldman Sachs nhận định Việt Nam có nguy cơ chịu ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan của Mỹ dưới chính quyền của Tổng thống Donald Trump do thặng dư thương mại lớn và ngày càng tăng giữa Việt Nam với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo số liệu hải quan Mỹ, thâm hụt thương mại của nước này với Việt Nam đạt mức cao kỷ lục 120 tỷ USD trong năm 2024, cao thứ ba chỉ sau Trung Quốc và Mexico. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đứng trước rủi ro bị áp thuế quan “có đi có lại” - một chính sách mới được ông Trump công bố gần đây - bởi thuế quan của Việt Nam với hàng hóa Mỹ hiện cao hơn so với thuế quan của Mỹ với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.
“Thuế quan của Mỹ tăng lên với hàng hóa từ Việt Nam sẽ gây ra tác động lớn bởi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của quốc gia Đông Nam Á này”, báo cáo của Goldman Sachs chỉ ra. “Số liệu thương mại cơ bản cho thấy xuất khẩu sang Mỹ gần đây đóng góp khoảng 25% GDP của Việt Nam”.
Một trong những nguyên nhân đằng sau hoạt động xuất khẩu lớn sang Mỹ của Việt Nam là Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) được hai bên ký kết vào năm 2007. Bên cạnh đó là hoạt động thương mại của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.
Hàn Quốc là nước có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất vào Việt Nam, theo sau là Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan. Với dòng vốn FDI tăng mạnh từ năm 2007, các doanh nghiệp nước ngoài chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, thường được thực hiện thông qua hoạt động gia công mậu dịch bởi chi nhánh tại Việt Nam của các công ty FDI hoặc nhà thầu sản xuất của Việt Nam.
Theo ước tính của Goldman Sachs, thương mại theo giá trị gia tăng của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 40% trong kim ngạch xuất khẩu theo thống kê hải quan sang Mỹ. Phần còn lại chủ yếu nằm trong tay các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Hàn Quốc, Trung Quốc đại lục và Đài Loan.
Khác với số liệu thương mại theo thống kê hải quan, số liệu "thương mại theo giá trị gia tăng" chỉ gồm phần đóng góp trong giá trị sản phẩm của mỗi quốc gia tham gia vào quá trình sản xuất để xuất khẩu.
Theo các nhà phân tích của Goldman Sachs, thương mại giá trị gia tăng sang Mỹ đóng góp khoảng 10,6% GDP của Việt Nam năm 2024. Trong khi đó, mức độ tiếp xúc với thị trường Mỹ thông qua xuất khẩu gián tiếp qua Việt Nam của các đối tác thương mại hàng đầu tương đối thấp, chỉ tương đương 0,5% GDP đối với Hàn Quốc, 0,1% với Trung Quốc đại lục và 0,7% với Đài Loan.
Tuy nhiên, nếu chính quyền Trump áp thuế quan chung với tất cả các đối tác thương mại của Mỹ, tỷ trọng GDP của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi thuế quan sẽ tăng 1,4 điểm phần trăm lên 12%. Tỷ lệ tương ứng đối với các nền kinh tế xuất khẩu gián tiếp hàng hóa sang Mỹ qua Việt Nam là 12% GDP với Đài Loan, 7% với Hàn Quốc và 3% với Trung Quốc.
“Sự chênh lệch về mức độ ảnh hưởng tới GDP trên cho thấy lượng hàng hóa xuất khẩu gián tiếp của các nền kinh tế này sang Mỹ qua Việt Nam tương đối lớn”, báo cáo của Goldman Sachs chỉ ra.
Riêng với Trung Quốc, xuất khẩu của quốc gia này sang Việt Nam tăng 11,8% mỗi năm kể từ năm 2017, tốc độ tăng cao gấp hơn hai lần so với các đối tác thương mại khác của Việt Nam. Bên cạnh đó, so với các đối tác thương mại khác, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam có mối tương quan chặt chẽ hơn với kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ những năm qua. Số liệu từ Ngân hàng Đầu tư châu Á (ADB) cho thấy xuất khẩu gián tiếp của Trung Quốc sang Mỹ qua Việt Nam cũng tăng mạnh trong giai đoạn 2017-2023, ban đầu là hàng dệt may sau đó mở rộng sang hàng công nghệ.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs ước tính 25% giá trị gia tăng nước ngoài trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ năm 2024 đến từ Trung Quốc, tăng từ 17% của năm 2017.
“Điều này cho thấy Việt Nam là một trong những điểm đến quan trọng nhất trong làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng của Trung Quốc sau chiến tranh thương mại Mỹ-Trung năm 2018-2019”, báo cáo của Goldman Sachs phân tích.
Trên cơ sở những phân tích trên, Goldman Sachs ước tính thuế quan Mỹ tăng thêm 10% với hàng hóa Việt Nam sẽ khiến GDP của Việt Nam giảm 1%, nhưng chỉ tác động hạn chế (dưới 1%) với các đối tác thương mại xuất khẩu gián tiếp sang Mỹ qua Việt Nam.