Trung Quốc chi cho người dân ít hơn nhiều so với các nền kinh tế lớn khác
Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc có mức chi tiêu công cho hàng hóa và dịch vụ phục vụ lợi ích của người dân chỉ chiếm 6% GDP, thấp hơn so với Nga, Anh, Hàn Quốc...

Ảnh minh họa: FT
Theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), so với các nền kinh tế có mức thu nhập tương đương hoặc lớn hơn, Chính phủ Trung Quốc chi tiêu cho người dân ít hơn đáng kể.
Cụ thể, chi tiêu công cho hàng hóa và dịch vụ phục vụ lợi ích của người dân gồm y tế, an sinh xã hội… của Chính phủ Trung Quốc chỉ tương đương 6% tổng sản phẩm trong nước (GDP( của nước này. Trong khi đó, số tiền mà các hộ gia đình Trung Quốc chi cho các khoản này tương đương 38% GDP.
Chi tiêu chính phủ cho phúc lợi tương đối thấp so với quy mô nền kinh tế có thể là một rào cản cho nỗ lực thúc đẩy tiêu dùng nội địa trong bối cảnh khủng hoảng bất động sản dai dẳng tại Trung quốc.
Theo phân tích của tờ báo Financial Times, tỷ trọng chi tiêu phúc lợi so với GDP của Chính phủ Trung Quốc - nước được WB phân loại vào nhóm thu nhập trung bình cao - là thấp hơn so với hầu hết thành viên khác thuộc nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS, trong đó có Brazil và Nga. Mức này cũng thấp hơn so với tại nhiều nền kinh tế mới nổi khác cũng như các nền kinh tế phát triển.
“Điều này cho thấy Bắc Kinh cần phải tăng chi tiêu chính phủ cho các phúc lợi xã hội để kích thích tiêu dùng”, ông Robin Xing, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ngân hàng Morgan Stanley, nhận định. “Nếu không có những cải cách lớn về phúc lợi xã hội, người dân sẽ tiếp tục tiết kiệm dự phòng thay vì tiêu dùng”.
Thứ Năm tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường nhấn mạnh rằng nhu cầu tiêu dùng nội địa nên “đóng vai trò chủ đạo” trong nền kinh tế. Trên thực tế, thời quan qua, Bắc Kinh đặt nhiệm vụ thúc đẩy tiêu dùng nội địa là một trong những ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị toàn cầu leo thang. Nhiều chương trình trợ cấp và đổi hàng cũ lấy hàng mới đã được đưa ra để khuyến khích người dân mua sắm và tiêu dùng.
Trong vài thập kỷ trở lại đây, Trung Quốc nhanh chóng phát triển hệ thống phúc lợi xã hội, theo đó mở rộng cơ chế lương hưu sang các khu vực nông thôn và cung cấp bảo hiểm y tế cho hầu hết 1,4 tỷ dân. Tuy nhiên, mức lương hưu hàng tháng ở nông thôn và mức chi trả bảo hiểm y tế tương đối thấp.
Giới chuyên gia cho rằng việc tăng chi tiêu chính phủ cho các dịch vụ công có thể thúc đẩy trực tiếp tới tiêu dùng của các hộ gia đình, so với tác động gián tiếp khi tăng chi tiêu vào các lĩnh vực truyền thống như cơ sở hạ tầng.
Để so sánh, dữ liệu mới nhất năm 2021 cho thấy Chính phủ Ấn Độ - quốc gia thu nhập trung bình thấp với GDP bình quân đầu người chỉ bằng 1/5 so với của Trung Quốc - chi tiêu ở mức tương đương 4% GDP cho các khoản trên. Trong khi đó, tỷ trọng của Chính phủ Mỹ và Mexico tương đương với của Trung Quốc.
Tuy nhiên, tiêu dùng tư nhân tại các nền kinh tế này vẫn cao hơn nhiều so với ở Trung Quốc do khác biệt về văn hóa cũng như quy mô và cấu trúc nền kinh tế.
Ví dụ, với quy mô nền kinh tế lớn hơn, việc chi tiêu một mức tương đương 6% GDP của Mỹ là một con số khổng lồ. Đó là chưa kể quy mô dân số Mỹ chỉ bằng 1/4 so với của Trung Quốc. Mỹ có hệ thống an sinh xã hội phát triển hơn với sự tham gia nhiều hơn của khu vực tư nhân, do đó người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn thay vì tiết kiệm.
“Hộ gia đình Mỹ nhìn chung cảm thấy an toàn hơn về vấn đề tài chính”, ông Lynn Song, nhà kinh tế về Trung Quốc đại lục tại công ty nghiên cứu ING, nhận xét. “Bên cạnh đó, khác với người Trung Quốc, người tiêu dùng Mỹ sẵn sàng vay nợ để chi tiêu nhiều hơn. Tâm lý này giúp thúc đẩy tiêu dùng cá nhân tại nền kinh tế lớn nhất thế giới”.
Theo bà Alicia Garcia-Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại công ty Natixis, các quốc gia như Mỹ cũng có thị trường bảo hiểm phát triển hơn nhiều, giúp các gia đình được bảo vệ tốt hơn trong những tình huống bất trắc.
“Tại Trung Quốc, ngoài bảo hiểm nhân thọ, các hình thức bảo hiểm khác tương đối kém phát triển”, bà Garcia-Herrero nhận xét. “Chẳng có cách nào để được bảo hiểm. Cả khu vực nhà nước lẫn tư nhân đều không cung cấp bảo hiểm cho họ. Vì vậy, họ phải tiết kiệm để phòng ngừa bất trắc”.
Ông Michael Pettis, thành viên cấp cao của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (CEIP) có trụ sở tại Bắc Kinh, cho rằng cách tốt nhất để cải thiện niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc là đầu tư mạnh tay và ngay lập tức vào quỹ lương hưu.
“Chính phủ Trung Quốc cần tăng chi tiêu ngay lúc này. Để tất cả những người về hưu, với mức lương tăng gấp đôi, sẵn sàng tiêu dùng”, ông Pettis khuyến nghị.
Tại kỳ họp quốc hội thường kỳ vào tháng 3 tới, Bắc Kinh được dự báo sẽ nâng trần thâm hụt ngân sách chính phủ hàng năm từ mức 3% lên 4% GDP cũng như công bố thêm các chương trình phát hành trái phiếu chính phủ. Giới chuyên gia kỳ vọng các chương trình này sẽ mở đường cho ngân sách lớn hơn và chi tiêu ngân sách mạnh hơn để kích thích tiêu dùng nội địa, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước tỷ dân.