Gốm Gia Thủy và hơn nửa thế kỷ không ngừng 'chuốt đất, đỏ lửa'

Về với tỉnh Ninh Bình, ngoài 'tiếng lành đồn xa' của nghề cói Kim Sơn, nghề mộc Phúc Lộc hay thêu ren Văn Lâm,... còn có nghề gốm Gia Thủy với tuổi đời hơn 60 năm. Kế thừa và phát huy truyền thống cha ông, HTX Gốm Gia Thủy vẫn đang từng ngày cần mẫn vun đắp và đem 'hơi thở' đất quê vươn ra 'biển lớn'.

Gốm Gia Thủy từ lâu đã nổi tiếng bởi vẻ đẹp mộc mạc, chân phương nhưng vẫn không kém phần tinh tế, mềm mại. Các sản phẩm gốm sau khi ra lò vừa phục vụ cho chính cuộc sống đời thường của nhân dân, vừa tôn vinh những giá trị truyền thống độc đáo của dân tộc.

“Nâng niu bình gốm, chén trà/Thương ai chuốt đất sớm khuya nhọc nhằn”, nhiều nghệ nhân của mảnh đất Cố đô đã gắn bó gần như cả cuộc đời mình với cái chum, cái vại, với bình gốm, lò nung.

“Hơi thở” đất quê vương vào từng sản phẩm

Nằm trên dải đất được sông Bôi trở mình “vắt” qua, làng nghề gốm Gia Thủy đã có thâm niên hơn nửa thế kỷ. Đến năm 2011, dưới sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình cùng các cấp chính quyền địa phương, HTX Gốm Gia Thủy được bố trí địa điểm sản xuất mới tại thôn Mỹ Hạ, xã Gia Thủy, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Đây là khu vực cách xa khu dân cư, với quy mô diện tích gần 6.000m2, thuận tiện cho việc tìm kiếm nguyên liệu và tiến hành sản xuất.

Nhiều thợ gốm lành nghề ở địa phương cho biết, Gia Thủy được đất trời ưu ái cho tiềm năng phát triển nghề gốm, bởi nơi đây có chất đất sét đặc trưng. Vì thế mà mỗi sản phẩm làm ra dường như đều vương vấn “hơi thở” đất quê.

Đây là loại đất có màu nâu vàng, có độ kết dính cao, mịn và chịu nhiệt tốt. Đất khi lấy về sẽ phải trải qua nhiều công đoạn như phơi khô, đập nhỏ, ngâm vào nước, lọc qua sàng,... rồi mới được đem nhào nặn để tạo hình tự nhiên, sau đó lại tiếp tục được mang đi phơi khô tự nhiên trước khi đưa vào lò nung. Sau 4 ngày nung dưới nhiệt độ trên 1.000 độ C và 3 ngày ủ nguội, những sản phẩm gốm hoàn thiện mới chính thức ra lò để phục vụ nhu cầu người dân. Tất cả các khâu trong quá trình sản xuất đều được làm thủ công, dùng sức người là chính.

Trao đổi với VnBusiness, ông Trịnh Văn Dũng - Giám đốc HTX Gốm Gia Thủy cho hay, mỗi năm, HTX cho ra lò hàng nghìn sản phẩm như chum, vại, sành, ấm, chén, lọ, chậu, bát, đĩa,.. Sản phẩm làm ra không đủ bán khi đều được mọi người đón nhận và tiêu thụ rất tốt. Đặc biệt là vào những dịp cận Tết, khách tứ phương đổ về tìm mua và đặt hàng rất nhiều, nhân công làm không xuể.

Bình quân mỗi chiếc bình to không hoa văn có giá dao động khoảng từ 1 triệu đồng trở lên. Những loại bình được trang trí thêm hoa văn sẽ có giá cao hơn, tùy theo yêu cầu của khách mà nghệ nhân sẽ tỉa cây, tỉa hoa, vẽ tích truyện hay viết chữ.

HTX vừa bán trực tiếp cho người tiêu dùng, vừa bán buôn lẫn bán lẻ cho các đại lý, quy mô tiêu thụ ở cả trong và ngoài nước. Một số thị trường nước ngoài tiêu biểu có sự hiện diện của gốm Gia Thủy có thể kể đến như Lào, Campuchia, Thái Lan, Nhật Bản.

Được biết, hàng năm, HTX đóng góp khoảng 1/4 tổng thu nhập của toàn xã Gia Thủy. Mức thu nhập bình quân của mỗi lao động vào khoảng 7,5 triệu đồng/tháng, người làm việc đạt hiệu quả cao có thể lên đến hơn 10 triệu đồng/tháng.

Những người “giữ lửa”

Giám đốc Trịnh Văn Dũng cho biết, trải qua nhiều năm tháng thăng trầm cùng vô vàn biến động của thị trường, HTX duy trì được nghề truyền thống đến ngày hôm nay là nhờ nỗ lực rất lớn của bà con, đặc biệt là một số thợ gốm lành nghề. Hiện, HTX Gốm Gia Thủy có 10 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu.

Bản thân ông Dũng cũng là người nối nghiệp gia đình, bởi cả ông nội và bố cũng đều đã gắn bó với nghề gốm cả cuộc đời. Trong gần 100 lao động làm việc tại HTX, không ít người đã có thâm niên trong nghề lên đến hàng chục năm, một số lao động mới gia nhập sau này cũng đã có tuổi nghề 2-3 năm.

Chị Nguyễn Thị Mận, người thợ tạo hình đã gắn bó cả chục năm bên những chiếc bàn xoay tâm sự: “Tham gia HTX giúp tôi có công ăn việc làm ổn định, có nguồn thu nhập hàng tháng để đảm bảo cuộc sống. Thợ gốm được khoán nhận lương ăn theo sản phẩm nên có thể làm việc tùy theo sức khỏe mỗi người. Thời gian thoải mái, không bị gò bó, miễn sao làm đủ gốm đưa vào lò nung. Công việc tuy vất vả nhưng chúng tôi cũng mong muốn gìn giữ được nghề truyền thống mà cha ông đã để lại”.

Được biết, các thợ gốm được tạo điều kiện để tham gia những lớp đào tạo do Nhà nước hỗ trợ nhằm nâng cao tay nghề và học hỏi thêm ở nhiều làng nghề khác về gốm như Bát Tràng (Hà Nội) hay Hương Canh (Vĩnh Phúc). Không ít người sau khi đến với HTX đã xác định gắn bó với gốm và phấn đấu để duy trì làng nghề bền vững. Tuy nhiên, phải làm sao để thu hút lực lượng lao động trẻ vẫn là “bài toán” nan giải đối với HTX.

Nhiều nghệ nhân của mảnh đất Cố đô đã gắn bó gần như cả cuộc đời mình với cái chum, cái vại, với bình gốm, lò nung.

Nhiều nghệ nhân của mảnh đất Cố đô đã gắn bó gần như cả cuộc đời mình với cái chum, cái vại, với bình gốm, lò nung.

“Làm gốm đòi hỏi người thợ phải có sự khéo léo, tỉ mỉ cùng bản lĩnh nghề nghiệp. Song song với đó, phải có tính kiên trì, niềm đam mê và lòng yêu nghề cháy bỏng đối với những tinh hoa hồn cốt mà cha ông để lại. Hội tụ tất cả những điều đó mới có thể làm nên một đôi tay lành nghề, vun đắp nên những sản phẩm gốm hoàn mỹ”, ông Dũng tâm sự.

Những nguyện vọng còn bỏ ngỏ

Thành công trong việc kế thừa, gìn giữ và phát huy những tinh hoa gốm Việt, tuy nhiên, HTX Gốm Gia Thủy vẫn đang phải đối mặt với một số khó khăn nhất định trong hoạt động sản xuất. Nổi cộm trong đó là 3 vấn đề, bao gồm nguyên liệu đầu vào, vốn và diện tích sản xuất.

Theo chia sẻ của ông Dũng, tuy đầu ra tiêu thụ sản phẩm rất tốt nhưng ở chiều ngược lại, đầu vào nguyên liệu lại đang ngày càng trở nên khan hiếm. Xã hội ngày một phát triển, tốc độ đô thị hóa ngày càng gia tăng, dẫn đến việc tìm kiếm các nguyên liệu tự nhiên phục vụ sản xuất như củi đốt, đất sét,... ngày càng khó khăn hơn trước kia rất nhiều.

Thêm vào đó, trong quá trình hoạt động, có những thời điểm HTX gặp không ít khó khăn khi thiếu vốn sản xuất. Tuy nhiên, HTX cũng quyết định không vay ngân hàng. Lý do là bởi khi về thôn Mỹ Hạ, xã Gia Thủy vào năm 2011, HTX chỉ chuyển đổi mô hình sản xuất từ nơi cũ đến nơi mới và chưa có bất cứ pháp nhân nào về sở hữu tài sản hay đất đai. Do đó nếu vay ngân hàng, HTX cũng không có sổ đỏ hay tài sản lớn để thế chấp. Cho dù có được ngân hàng chấp thuận thì cũng chỉ vay được số tiền rất ít.

Khó khăn cuối cùng mà HTX đang phải đối mặt là tình trạng thiếu mặt bằng sản xuất. Năm ngoái, Nhà nước đã có chủ trương chính sách gỡ vướng giúp các làng nghề trên địa bàn xã được mở rộng sản xuất để phát triển, trong đó khu làng nghề gốm được cấp khoảng 3.000m2. “Tuy nhiên, đến giờ phút này vẫn chưa thấy các nhà thầu vào tiến hành san lấp mặt bằng. HTX rất mong các cấp chính quyền và các ban ngành địa phương tạo điều kiện để HTX được nhanh chóng mở rộng hoạt động làng nghề. Từ đó, có thể đưa thêm nhiều lao động vào tham gia sản xuất, thuận lợi đào tạo thêm thợ lành nghề, đưa ra thị trường thêm nhiều sản phẩm với mẫu mã đẹp đẽ, mới lạ hơn nữa”, ông Dũng bày tỏ.

Nguyễn Hòa - Hà Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/gom-gia-thuy-va-hon-nua-the-ky-khong-ngung-apos-chuot-dat-do-lua-apos-1094030.html