Gốm sứ Nhật 'bãi' - Mặt hàng được nhiều người Việt ưa chuộng

Gốm sứ Nhật lại rất được lòng khách hàng vì tính độc lạ, dị bản. Mỗi sản phẩm gốm sứ Nhật đều được vẽ tay riêng biệt cùng chất men khác lạ và họa tiết độc đáo, tinh tế.

Gốm sứ Nhật “bãi” là đồ gốm đã qua sử dụng được nhập khẩu từ Nhật Bản. (Ảnh: Vân Anh/Vietnam+)

Gốm sứ Nhật “bãi” là đồ gốm đã qua sử dụng được nhập khẩu từ Nhật Bản. (Ảnh: Vân Anh/Vietnam+)

Những năm gần đây, gốm sứ Nhật “bãi” hay gốm sứ Nhật “secondhand” trở thành lựa chọn của đông đảo người tiêu dùng. Đặc biệt, mặt hàng này thu hút những người yêu bếp hay yêu nghệ thuật vì tính độc lạ cùng giá thành phải chăng.

Không kén khách

Chị Nguyễn Hương Giang (chủ cửa hàng Gốm sứ Đông A ở phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã kinh doanh gốm sứ Nhật “bãi” được 3 năm. Chị chia sẻ trước khi bán mặt hàng này, phần lớn mọi người đều xuất phát từ đam mê, sở thích với gốm sứ.

Chị Giang cho hay sở dĩ gọi là gốm sứ Nhật “bãi” vì hầu hết nguồn hàng đều từ các bãi đồ cũ hay bãi rác thải của Nhật Bản. Đây đều là đồ đã qua sử dụng từ những siêu thị, nhà hàng, khách sạn, nhà dân… Nếu như ở Việt Nam, đồ gốm sứ không dùng nữa sẽ đập, vứt thẳng ra thùng rác thì ở Nhật, chúng sẽ được giữ nguyên vẹn và phân thành một loại rác thải riêng. Khi bỏ đi những đồ này, Nhật Bản sẽ bán lại cho những nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

 Chị Nguyễn Hương Giang (chủ cửa hàng Gốm sứ Đông A) đang livestream giới thiệu các sản phẩm gốm mới về hàng. (Ảnh: Vân Anh/Vietnam+)

Chị Nguyễn Hương Giang (chủ cửa hàng Gốm sứ Đông A) đang livestream giới thiệu các sản phẩm gốm mới về hàng. (Ảnh: Vân Anh/Vietnam+)

Chị Giang cho biết nguồn hàng của mình được nhập khẩu trực tiếp từ Nhật theo đường biển. Hàng sẽ về bên Thái Lan hoặc Campuchia theo từng "công" hàng [container-pv], mỗi công khoảng 24 tấn. Sau đó, tùy theo mức độ tiêu thụ của từng nhà gốm mà có thể lấy lẻ một vài tấn hoặc lấy cả "công."

Đối với chị Giang, kinh doanh gốm sứ Nhật “bãi” như chơi... xổ số. Vì thuộc hạng mục rác thải nên chị không hề biết bên trong thùng hàng mình nhập về sẽ có những gì. Chỉ khi nào khui hàng ra mới biết. Bên trong có thể là bình hoa, ấm trà, bát đĩa… hay có cả đồ gỗ, thủy tinh, sọt nhựa, giẻ quần áo… cũng lẫn vào.

“Kinh doanh gốm sứ lâu dài cần một tinh thần thép. Chỉ vì một lô hàng mình rạch không ưng ý thì tâm lý người buôn bán rất chán nản, có thể dẫn đến phá sản nếu không thu nổi tiền gốc,” chị Giang chia sẻ.

 Chị Nguyễn Thị Hoài Thu (quận Tây Hồ) ưu tiên lựa chọn những sản phẩm gốm có chất liệu, họa tiết độc đáo. (Ảnh: Vân Anh/Vietnam+)

Chị Nguyễn Thị Hoài Thu (quận Tây Hồ) ưu tiên lựa chọn những sản phẩm gốm có chất liệu, họa tiết độc đáo. (Ảnh: Vân Anh/Vietnam+)

Tuy nhiên, gốm sứ Nhật lại rất được lòng khách hàng vì tính độc lạ, dị bản của nó. Mỗi sản phẩm gốm sứ Nhật đều được vẽ tay riêng biệt cùng chất men khác lạ và họa tiết độc đáo, tinh tế. Cả nghìn mẫu thì hiếm có mẫu nào trùng nhau. Bên cạnh đó, độ an toàn cũng là ưu điểm khiến nhiều bà nội trợ tin dùng gốm Nhật. Bởi hầu hết các sản phẩm gốm sứ Nhật đều được nung ở nhiệt độ cao, khử toàn bộ chì trước khi đến tay người tiêu dùng. Chính vì vậy mà gốm sứ Nhật giữ được độ bền lâu hơn và an toàn với sức khỏe người sử dụng.

Sau một thời gian kinh doanh, chị Giang nhận thấy gốm Nhật không hề kén khách. Đối tượng khách hàng của cửa hàng gốm rất đa dạng, từ giới tính, lứa tuổi đến hoàn cảnh, tài chính. Điểm chung của họ đều là những người có niềm đam mê với gốm sứ, yêu cái đẹp hay thích nấu nướng, nội trợ, trang trí nhà cửa.

Nhiều phân khúc giá

Giá gốm sứ Nhật cũng phân thành nhiều phân khúc giá khác nhau. Những dòng gốm sứ bình dân, phổ thông sẽ dao động từ 150.000 đồng - 200.000 đồng/kg, mặt hàng gốm trắng sẽ rẻ hơn chỉ từ 70.000 đồng - 80.000 đồng/kg. Đối với món hàng tuyển chọn thì không có giá cân mà bán theo từng sản phẩm một. “Có những ấm trà vài triệu hay những bình hoa lên đến hàng trăm triệu, không có con số cụ thể. Mỗi nhà gốm có nguồn hàng khác nhau nên định giá khác nhau,” chị Giang cho hay.

Để định giá một sản phẩm gốm sứ Nhật, theo chị Giang, cần dựa trên nhiều yếu tố như: chất liệu, dòng gốm, năm sản xuất, họa tiết… Chẳng hạn như có nhiều dòng gốm như gốm lam, gốm mộc hay những dòng gốm cao cấp hơn như Bizen, Kyozaki, Somayaki… Những sản phẩm có tuổi đời cao, dùng để sưu tầm thì giá cũng sẽ nhỉnh hơn.

 Chủ gốm thường nhập một công hàng đi theo đường biển về Việt Nam. (Ảnh: Vân Anh/Vietnam+)

Chủ gốm thường nhập một công hàng đi theo đường biển về Việt Nam. (Ảnh: Vân Anh/Vietnam+)

Những khách hàng đến với cửa hàng Gốm sứ Đông A đã quen với cách phân loại sản phẩm của cửa hàng. Những dòng gốm phổ thông cân ký sẽ được bày la liệt trên sàn, cho khách thỏa sức lựa chọn. Còn những sản phẩm cao cấp hơn sẽ đặt trên kệ cho mọi người dễ ngắm nhìn. Sau khi đã lựa chọn xong những món đồ mình yêu thích, khách hàng sẽ cho lên cân và tính tiền hoặc tính giá từng món.

Chị Anh Thư (quận Bắc Từ Liêm) bắt đầu chơi gốm từ năm 2019 và đã đi đến nhiều cửa hàng gốm sứ Nhật Bản khác nhau. Điều thu hút chị đến với gốm Nhật là vì sự độc lạ, có cá tính riêng, giống với phong cách của chị.

“Một điều thú vị khi tìm hiểu các sản phẩm gốm Nhật là mình cũng hiểu thêm nhiều về văn hóa của đất nước này. Mỗi lần có hàng mới là mình lại đi một tí để lựa chọn được sản phẩm mình thích, phù hợp với các tông màu mà mình đã có”, chị Thư chia sẻ.

Là một tín đồ của gốm sứ Nhật, chị Hoài Thu (quận Tây Hồ) luôn thích thú với những món đồ có hoa văn độc đáo, thiết kế khác lạ: “Mình mua đồ gốm về không chỉ để sử dụng hàng ngày mà còn để trưng bày, trang trí trong không gian sống. Chỉ cần ngắm thôi là cũng cảm thấy xua tan mọi mệt mỏi.”

Bên cạnh những người trung tuổi, có rất nhiều bạn sinh viên cũng thường xuyên lui tới cửa hàng. Vân Anh (20 tuổi, ở quận Tây Hồ) lựa chọn bát đĩa, cốc chén cho hay: “Em rất thích các sản phẩm có hoạt tiết xinh xắn, đáng yêu. Ở đây tính tiền theo cân nên giá cả cũng rất hợp lý.”

 Những mảnh gốm vỡ được dùng trang trí ở nhiều nơi. (Ảnh: Vân Anh/Vietnam+)

Những mảnh gốm vỡ được dùng trang trí ở nhiều nơi. (Ảnh: Vân Anh/Vietnam+)

Không chỉ buôn bán tại cửa hàng, chị Giang cho biết một lượng lớn khách hàng của chị đến từ kinh doanh online. Mỗi ngày, chị Giang dành thêm thời gian để chụp ảnh sản phẩm hay bán hàng trực tiếp trên trang fanpage của cửa hàng. Những khách hàng mua qua mạng phải tìm hiểu kỹ càng và kiểm tra độ uy tín của các cửa hàng trước khi quyết định trao niềm tin. Bởi những người yêu gốm chân chính đều hiểu quy tắc bất thành văn trong làng gốm là phải chuyển tiền trước mới đi hàng, do đặc thù dễ vỡ.

Tâm sự về nghề kinh doanh gốm Nhật “bãi,” chị Giang cho hay trong nghề có rất nhiều niềm vui, nỗi buồn. Niềm vui lớn nhất là được kết bạn với những người có cùng sở thích, đam mê với mình. Hạnh phúc vỡ òa là khi khui ra được món đồ mà chính mình đã kỳ công tìm kiếm, sưu tập từ lâu, nay vô tình xuất hiện trong lô hàng. Còn thất vọng, chán nản khi trong kiện hàng có quá nhiều đồ thủy tinh không giá trị hay hàng vỡ quá nhiều. Tuy nhiên, những mảnh gốm vỡ vẫn tiếp tục vòng đời và giá trị của nó. Chị Giang và nhiều người khác vận động và khuyến khích Đoàn Thanh niên của phường xã, trường học làm bức tường dán ốp những sản phẩm gốm vỡ lên. Công trình nghệ thuật ấy vừa làm đẹp cho đời vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/gom-su-nhat-bai-mat-hang-duoc-nhieu-nguoi-viet-ua-chuong-post967595.vnp