Gốm Tam Thọ trong đời sống sinh hoạt của người cổ xưa
Từ TP Thanh Hóa, theo Quốc lộ 45 đi huyện Nông Cống đến giữa km số 7 và km số 8, nhìn về phía Tây Bắc chừng 150m, thấy các gò đất nhô cao, dưới những gò đất này ẩn chứa các lò nung gốm cổ. Đó chính là Di tích lịch sử văn hóa khảo cổ học khu lò gốm Tam Thọ, bao gồm các lò gốm cổ nằm trải dài từ thôn Tam Thọ sang thôn Văn Vật thuộc xã Đông Vinh, trước kia thuộc huyện Đông Sơn, nay thuộc TP Thanh Hóa.
Các em học sinh được trải nghiệm cách làm gốm tại khu nông trại giáo dục Linh Kỳ Mộc (xã Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa).
Khu lò gốm Tam Thọ đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa khảo cổ học tại Quyết định số 255/QĐ-CT, ngày 28-1-2004. Di tích gồm 4 địa điểm: Gò Quyến, Cồn Nghè (làng Tam Thọ), Gò Án Lớn, Gò Án Nhỏ (làng Văn Vật). Đây là một di chỉ khảo cổ học giai đoạn lịch sử đầu công nguyên trên đất Thanh Hóa, có ý nghĩa về lịch sử nghề gốm Thanh Hóa nói riêng và nghề gốm Việt Nam nói chung.
Khu lò gốm Tam Thọ được nhà khảo cổ học người Thụy Điển Olov Janse phát hiện lần đầu tiên vào tháng 2-1937. Trong các năm từ 1937–1939, Olov Janse đã tiến hành khai quật 8 lò nung cổ tại đây. Những phát hiện và công bố của Olov Janse về khu lò gốm Tam Thọ đã làm cho khu lò gốm này trở nên nổi tiếng không chỉ ở trong nước mà cả trên thế giới. Trong các năm 2001-2002, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành khảo sát và khai quật tìm ra dấu vết của 6 lò gốm cổ. Mỗi một lò nung đó được sử dụng lâu dài, mà bằng chứng là có nhiều lớp nền được tôn lên nhiều lần trong một lò nung. Qua những tài liệu mà Olov Janse để lại và những nghiên cứu gần đây của các nhà khảo cổ học Việt Nam, khu lò gốm Tam Thọ có hai loại: Lò cóc và lò ống. Đây là khu lò có quy mô lớn nhất, niên đại sớm nhất trong giai đoạn 10 thế kỷ đầu công nguyên ở Việt Nam. Bên cạnh đó, ở Tam Thọ còn tồn tại một khu vực sản xuất muộn hơn. Theo rìa dọc kênh Đô, đoạn giữa hai làng Tam Thọ và Văn Vật có một hệ thống lò sành từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 17. Khu lò sành này là gạch nối truyền thống sản xuất gốm trước và sau thời kỳ chống Bắc thuộc của khu vực này.
Khu lò gốm Tam Thọ được hình thành vào nửa cuối thế kỷ 1 và phát triển mạnh vào cuối thời Đông Hán (25-226), đầu Lục Triều (220-589). Đồ gốm sứ không chỉ là những vật dụng hàng ngày, mà đã trở thành những di vật văn hóa được mọi người ưa thích sưu tầm, thưởng ngoạn. Quan sát quá trình ra đời và các bước phát triển của đồ gốm sứ, có thể hình dung được các ứng dụng khoa học - kỹ thuật đã được thực hiện trong đó. Dấu vết rõ ràng nhất cho sự ra đời của đồ gốm trên đất Thanh Hóa là những mảnh gốm phát hiện trong văn hóa Đa Bút ở vùng trung du và đồng bằng ven núi có niên đại vào khoảng 6.000 đến 7.000 năm, thuộc sơ kỳ thời đại đá mới. Đến văn hóa Đông Sơn, niên đại từ thế kỷ 7 trước công nguyên đến thế kỷ 1 – 2 sau công nguyên, đồ đồng phát triển lên đến đỉnh cao, lúc này đồ gốm chủ yếu là đồ nấu và đồ đựng sử dụng hàng ngày.
Các hiện vật gốm Tam Thọ đang được lưu giữ tại Bảo tàng Gốm Tam Thọ, nằm trong khuôn viên khu nông trại giáo dục Linh Kỳ Mộc, thôn Thịnh Vạn, xã Quảng Thịnh (TP Thanh Hóa). Bảo tàng đang trưng bày, bảo quản gần 10.000 đơn vị hiện vật, nổi bật trong các bộ sưu tập này là sưu tập gốm Tam Thọ được sưu tầm trong nhiều năm, do các nhà sưu tập tư nhân nhượng lại, hiến tặng, trong đó có hiện vật khai quật Gò Án Lớn năm 2019, một số đồ gốm do bà con làng Tam Thọ, làng Văn Vật tìm thấy trong quá trình canh tác ở khu vực Di tích lò gốm Tam Thọ, xã Đông Vinh. Các hiện vật được giới thiệu tại Bảo tàng gốm Tam Thọ nhằm giới thiệu đến khách tham quan sản phẩm gốm, bao gồm: đồ gia dụng (chậu, bình, vò, nồi, cốc, khay, bát, đĩa); vật liệu kiến trúc, công cụ sản xuất (chì lưới, dọi xe chỉ...) và các mô hình nhà, tượng đất nung... Những hiện vật ở đây được sản xuất theo kỹ thuật tạo hình tiên tiến như: kỹ thuật bàn xoay, dải cuộn, gắn chắp, bàn đập, hòn kê, đắp thêm, nặn tay, kỹ thuật khuôn.
Hoa văn đồ gốm thế kỷ 1 - 3 được trưng bày ở đây cho thấy rất phong phú đa dạng, như: hoa văn in ô trám có các loại văn trám đơn, văn trám lồng; hoa văn in ô vuông thường kết hợp với một số hoa văn hình đồng tiền (dấu ấn thương phẩm); hoa văn hình hoa thị; hoa văn xương cá hoặc lá dừa; hoa văn phên đan giống các nan đan lóng mốt của các loại rổ, rá; hoa văn thừng có loại văn thừng thô và loại văn thừng mịn; hoa văn chải có loại văn chải thô và văn chải mịn; hoa văn sóng nước và văn vòng chỉ chìm trang trí trên các đồ đựng như trên vai bình, vò, bát...; hoa văn đắp nổi trên vai các loại chậu. Nhìn chung, hoa văn đồ gốm Tam Thọ phong phú đa dạng, thể hiện sự tiếp thu sáng tạo văn hóa bên ngoài của người thợ gốm, đồng thời cũng thể hiện sức sống của văn hóa Đông Sơn trong thời kỳ chống Bắc thuộc.
Đồ gốm Tam Thọ tương đối phong phú, ngoài đồ gốm men, đồ gốm Tam Thọ có các màu sắc chính là: màu xám xanh; màu xám ghi; màu nâu xám; màu đỏ; màu hồng; màu trắng hồng; màu vàng gạch... Nhóm màu xám thường có độ nung rất cao, xương gốm đanh, xốp, được các nhà chuyên môn gọi là sành xốp (khác loại sành mịn sau này). Các màu đỏ, hồng, trắng hồng, vàng gạch... thường có độ nung thấp hơn nhóm màu xám. Xương gốm có loại đanh mịn, có loại thô xốp. Đồ gốm Tam Thọ được làm từ đất sét tự nhiên trong vùng. Một số loại sản phẩm như gạch, ngói ở Tam Thọ được làm trực tiếp từ nguồn sét tự nhiên. Một số loại hình sản phẩm khác như: bình, vò, bát... được làm từ nguồn sét trắng và đã được lọc rửa, pha trộn tỷ lệ rất cẩn thận.
Thị trường phân phối gốm Tam Thọ phục vụ cho nhu cầu của quận Cửu Chân, thời Hán - Lục triều. Ngoài thị trường quận Cửu Chân, sản phẩm của lò gốm Tam Thọ còn có mặt ở phía Nam quận Cửu Chân. Các di tích như: Trà Kiệu (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam); Suối Chình (huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi)... đã tìm thấy gốm Tam Thọ. Một số tài liệu cũng cho biết khả năng, vào những thế kỷ đầu công nguyên, đồ gốm Tam Thọ còn cung cấp cho các nước khu vực Đông Nam Á. Như vậy, khu lò gốm Tam Thọ trong những thế kỷ đầu công nguyên đã có sự vươn ra chiếm lĩnh thị trường và cung cấp sản phẩm đến nhiều vùng miền.
Việc sưu tầm, lưu giữ, bảo quản, trưng bày và giới thiệu di sản văn hóa vật thể và phi vật thể liên quan đến gốm Tam Thọ – một di tích sản xuất gốm có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng, vào giai đoạn đầu công nguyên, đã chứng minh được sự giao thoa, tiếp biến văn hóa và sự bảo lưu truyền thống văn hóa Việt ở thời điểm đầu của thời kỳ 1.000 năm Bắc thuộc. Đồng thời, thông qua các sản phẩm gốm thể hiện được trình độ và tài hoa của người xứ Thanh trong đời sống sinh hoạt xưa.
Với ý nghĩa và giá trị đó, hiện nay việc tham quan tại Bảo tàng gốm Tam Thọ, cùng với các hoạt động bổ ích tại Nông trại giáo dục Linh Kỳ Mộc đang tạo thành không gian văn hóa, phục vụ học tập, nghiên cứu, vui chơi, giải trí của du khách gần xa, nhất là có ý nghĩa rất lớn đối với các em học sinh. Song, để bảo tồn và phát huy hơn nữa các giá trị của Di tích lịch sử văn hóa khảo cổ học khu lò gốm Tam Thọ gắn với phát triển du lịch, thiết nghĩ cần sớm khôi phục khu lò gốm và nghề làm gốm truyền thống nổi tiếng đã bị thất truyền lâu nay. Bởi, hệ thống lò nung cổ ở đây có đầy đủ khả năng trở thành một khu trưng bày ngoài trời cho du khách tham quan nghiên cứu. Đồng thời, xây dựng Tam Thọ trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách khi tham quan và trải nghiệm các di sản văn hóa của xứ Thanh.