Gồng mình chống nắng hạn (Bài 1: Báo động nạn cháy rừng)
Những ngày này, đi dọc các huyện miền núi Quảng Nam, chúng ta sẽ bắt gặp nhiều diện tích rừng sản xuất, rừng tự nhiên bị cháy. Theo người dân vùng cao, thời tiết năm nay diễn biến rất thất thường. Nếu như mọi năm, mỗi khi người đồng bào đốt nương rẫy chuẩn bị cho mùa vụ mới thì chiều hôm đó hoặc hôm sau trời sẽ đổ mưa. Thế nhưng "quy luật dân gian" đó hiện nay đã không còn linh nghiệm khi rẫy cứ cháy mà trời vẫn không đổ mưa.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã xảy ra gần 50 vụ cháy, trong đó có 28 vụ cháy nhà ở, cơ sở sản xuất kinh doanh, phương tiện giao thông, còn lại là các vụ cháy rừng. Nguyên nhân các vụ cháy này được xác định là do chập điện, sơ suất trong quá trình sử dụng nguồn nhiệt và đốt rác, thực bì gây cháy lan. Nghiêm trọng nhất là vụ cháy rừng xảy ra từ ngày 1 đến 7-5 tại khoảnh 6, 7 Tiểu khu 160 thuộc xã Mà Cooih (H. Đông Giang, Quảng Nam) gây thiệt hại hơn 30ha rừng. Xét thấy vụ việc nghiêm trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân vụ cháy cũng như trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan.
Giữa một ngày tháng 5, chúng tôi trở lại khu vực cháy rừng tự nhiên quy mô lớn trên. Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 1 thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Giang nằm đơn độc bên đường mòn Hồ Chí Minh, bốn bề rừng núi. Cách đó chỉ vài trăm mét, từ đập thủy điện Sông Bung 5 nhìn lên, cả một diện tích lớn rừng bị thiêu trụi. Liên tiếp trong những ngày rừng bị cháy, gần 300 lượt người gồm Huyện đội, Công an, Kiểm lâm, Dân quân tự vệ, chủ rừng... trực tiếp chữa cháy nơi đây. Là người được nhà nước giao quản lý, bảo vệ rừng, thế nhưng cá nhân ông Vũ Phúc Thịnh - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Đông Giang lại có diện tích lớn rừng được giao khoán. Sau khi ông cùng nhóm hộ khai thác gần 50ha keo, để trồng vụ mới, ông Thịnh thuê người phát đốt thực bì và đã xảy ra vụ cháy rừng trên. Do vậy, dư luận nghi ngờ có hay không việc nhóm hộ ông Thịnh thuê người đốt luôn cả rừng phòng hộ để chiếm đất trồng rừng? Sự thể đúng hay không hiện đang được cơ quan điều tra xác minh, làm rõ.
Vụ cháy rừng quy mô lớn trên nằm sát công trình thủy điện Sông Bung 5. Đánh giá về vụ cháy này, ông Lê Quốc Hữu - Phó Giám đốc Cty Thủy điện Sông Bung 5 cho biết, việc cháy rừng phòng hộ trên ở gần khu vực nhà máy thủy điện, trước mắt chưa ảnh hưởng nhiều về nguồn nước, nhưng về lâu dài, các hồ chứa của thủy điện bậc thang đều bị tác động tiêu cực. Vì đây là rừng phòng hộ đầu nguồn, là một trong những nơi giữ đất, trữ nước. Rừng phòng hộ tạo điều kiện dự trữ nguồn nước cho thủy điện và cả hệ thống sông Vu Gia.
Các chuyên gia thủy lợi cảnh báo, hiện nay các hồ thủy lợi, thủy điện trong tỉnh đã tích nước, điều hành đảm bảo nước sinh hoạt và nước phục vụ sản xuất, nhưng cháy rừng với quy mô lớn chắc chắn sẽ gây hệ lụy dài lâu. Theo ông Hữu, rừng cháy rồi thì không thể phục hồi được ngay trong vài năm. Vì vậy rừng đầu nguồn có vai trò rất quan trọng về việc đảm bảo an ninh nguồn nước, đặc biệt rừng già.
Trước thời tiết nắng nóng kéo dài, người dân cũng bắt đầu cháy rừng bùng phát. "Những ngày qua nắng nóng khốc liệt quá. Những rẫy bắp trên triền núi trước nhà tuy chưa già nhưng đã chuyển sang màu héo đỏ. Như thường lệ, đến mùa này người dân đốt rẫy để chuẩn bị cho vụ mới. Thế nhưng sau khi đốt, lửa cứ ngấm ngầm cháy cả ngày lẫn đêm. Cả làng chung tiền mua sắm lễ vật vào rừng cúng cầu mưa, nhưng ông trời vẫn không cho giọt nước nào"- già làng ALăng Man (trú xã Mà Cooih) chia sẻ.
Trước việc cháy rừng liên tục xảy ra trên địa bàn tỉnh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam đã có văn bản yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trực thuộc khẩn trương thực hiện nghiêm Công văn số 44/2020 của đơn vị, đồng thời đăng ký số điện thoại di động của các trưởng và phó ban chỉ đạo cấp huyện để chuyển thông tin dự báo cháy rừng nhằm chủ động triển khai các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) tại địa phương.
Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm cũng yêu cầu các chủ rừng cần xác định các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng để bố trí nguồn lực phù hợp cho công tác PCCCR, phân công lực lượng trực 24/24 giờ tại những vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng; yêu cầu các tổ chức, cá nhân có sử dụng lửa trong và gần rừng phải đăng ký đầy đủ về thời gian, địa điểm, loại thực bì cần đốt với trưởng thôn, lực lượng hợp đồng bảo vệ rừng và PCCCR của xã hoặc kiểm lâm địa bàn để kiểm tra, giám sát lửa rừng... (còn nữa)