Gồng mình mưu sinh trong đêm giá buốt
Hà Nội về khuya chìm trong giá lạnh, nhiều người vội vã đi thật nhanh để tìm về ngôi nhà ấm áp thì tại những góc phố, khu chợ đêm, bến xe… người lao động nghèo bắt đầu một ngày mới. Họ làm việc trong cái lạnh thấu xương để mong kiếm thêm chút tiền lo một cái Tết 'ấm' cho gia đình.
Bần cùng lắm mới phải làm
Hơn 1 giờ sáng, không khí lạnh bao trùm khắp các ngõ hẻm Hà Nội, đường phố vắng vẻ, thi thoảng mới có chiếc ô tô rú ga vội vã lao trên đường. Dưới ánh đèn vàng của con phố Thái Hà (quận Đống Đa), xuất hiện một nhóm người làm nghề thu gom phế liệu. Một người đang gồng sức đẩy chiếc xe đạp thồ, người khác thoăn thoắt đôi tay tìm kiếm bất cứ thứ gì có thể bán được trong thùng rác.
Tranh thủ phân loại đống phế liệu vừa gom được, anh Bùi Văn Lương (40 tuổi, quê ở Xuân Trường, Nam Định) cho biết, vợ chồng anh có 3 người con, đứa lớn nhất năm nay học lớp 6, đứa thứ hai học lớp 3, còn cậu út vừa mới vào lớp 1. Cả gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, được mùa cũng chẳng đủ ăn. Thế là anh giao lại con cho vợ chăm sóc, một mình lên Hà Nội kiếm tiền gửi về nuôi con. Lay lắt ở xóm “đồng nát Hoàng Cầu” hơn 10 năm nay, ban ngày anh Lương đi làm thuê bất cứ việc gì, đêm xuống lại làm “ve phu”, lang thang nhặt phế liệu. Thu nhập mỗi tháng khoảng 5 triệu đồng, một phần trả tiền trọ, phần lớn gửi về cho vợ.
“Đôi khi gặp chủ cửa hàng có tâm phân loại sẵn rác thải có thể bán thì chỉ việc chằng cẩn thận lên xe. Nhưng cũng nhiều trường hợp trong các bọc rác kín mít chứa toàn mảnh chai, mảnh sành. Bần cùng lắm mới phải làm cái nghề này. Đời cha khổ rồi nên phải cố lo cho các con ăn học. Có thế mới dám hy vọng cuộc sống sau này thay đổi”, anh Lương chia sẻ.
Anh Lương vừa dứt lời, một phụ nữ ngoài 60 tuổi đạp chiếc xe thồ chở thùng xốp cao 2 mét liêu xiêu đi tới. Cơn gió mạnh bất chợt ập đến hất văng cả người và xe ngã nhoài ra đường. Xuýt xoa vì đau nhưng người phụ nữ vẫn cố gượng gạo xếp lại xe hàng. Người phụ nữ tên Thắm kể, hai vợ chồng dắt díu nhau từ Nam Định lên Hà Nội đã được hơn chục năm. Chồng đi làm thuê, còn bà đạp xe khắp các tuyến phố nhặt phế liệu. Hai người con đã lớn, do không có việc làm ổn định nên cũng chẳng giúp gì được bố mẹ.
Khốc liệt nơi chợ đầu mối
3 giờ sáng là thời điểm chợ đầu mối Long Biên (quận Ba Đình) nhộn nhịp nhất. Hàng trăm xe tải lớn nhỏ chở đầy nông sản từ mọi miền kéo về lấp đầy mọi khoảng trống. Kẻ buôn người bán tấp nập, làm huyên náo cả góc phố. Ngoài cổng, cánh cửu vạn tập trung cả trăm người chờ sẵn, chỉ cần chủ hàng có nhu cầu là lập tức bốc xếp hàng đem đi. Xe máy có, xe kéo có, quang gánh cũng được đem ra sử dụng. Cánh cửu vạn rồng rắn như đàn kiến thợ vận hàng từ chợ trung tâm ra các xe tải chờ sẵn hai bên đường.
Càng về sáng khối lượng công việc càng tăng, cánh cửu vạn tỏ rõ sự mệt mỏi. Họ cúi gằm mặt xuống, đôi quang gánh đè trên vai ép thân người lao nhanh về phía trước. Họ vừa đi vừa thở hổn hển như sắp ngã gục. Trong cái lạnh dưới 10 độ C nhưng ai nấy đều đầm đìa mồ hôi. Tranh thủ nghỉ lấy sức sau gần chục gánh hàng, chị Lụa (53 tuổi, quê Ứng Hòa, Hà Nội) tâm sự: “Mỗi gánh hàng nhẹ nhất cũng khoảng 20 cân, nặng thì 50 cân. Chủ hàng trả từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng/gánh, tính ra mỗi đêm tôi làm được khoảng 200.000 đồng. Ngại nhất là khi trời mưa rất dễ vấp ngã”.
Ngồi gần chị Lụa, bà Tĩnh (66 tuổi, quê Ân Thi, Hưng Yên) đang đếm lại chỗ tiền chủ hàng vừa trả, rồi cất cẩn thận vào một bọc nilon. “Do có cháu trai đi làm cùng và đầu tư một chiếc xe kéo nên thu nhập cũng khấm khá hơn. Tối nào ít thì được 300.000, hôm nhiều thì được khoảng 800.000 đồng chia đều cho hai bà cháu”, bà Tĩnh nói.
Sự cạnh tranh trong cánh cửu vạn rất khốc liệt, người dùng quang gánh cạnh tranh với người kéo xe, người kéo xe cạnh tranh với người có xe máy thồ. Ai cũng muốn kiếm nhiều tiền trước khi trời sáng. So sánh trong tầng lớp lao động nghèo thì thu nhập của cửu vạn chợ Long Biên ở mức cao nhưng cái giá phải đánh đổi là hao mòn sức khỏe, xa cách gia đình...
Tết đến, kẻ sợ người mong
Hỏi về kế hoạch cho ngày Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 sắp tới, anh Bùi Văn Lương thở dài: “Tết thì có gì mà phải lo. Cân gạo nếp, vài lạng thịt là xong cái Tết thôi...”.
Nói về thu nhập cả năm 2020, anh Lương lắc đầu ngao ngán. “Năm nay làm ăn thất bát lắm. Lúc đi nhặt được nhiều thì người buôn trả có 1.000 đồng cho cân giấy, nhựa. May mắn tháng này đã lên được 3.500 đồng một cân. Mấy tháng dịch COVID-19 hàng quán đóng cửa còn chẳng kiếm được đồng nào”, anh Lương trải lòng. Làm việc gần 20 tiếng một ngày, anh chỉ chi cho mình 20.000 đồng tiền ăn. Cũng có lần tiếc tiền anh tự đạp xe về quê để tiết kiệm vài trăm nghìn tiền vé xe khách.
Bán nước từ 5 giờ chiều hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau tại điểm trung chuyển xe bus Long Biên, bà Bình (71 tuổi, quê Bắc Ninh) chỉ kiếm được gần 60.000 đồng mỗi đêm. Số tiền này bà chỉ đủ để thuê một phòng trọ ọp ẹp dưới chân cầu Long Biên, còn bữa cơm hằng ngày được một đoàn từ thiện tài trợ.
Bà Bình cho biết, ở xóm ngụ cư dưới chân cầu Long Biên còn 15 cụ già có hoàn cảnh tương tự, gần chục năm nay những cái Tết của họ là do các mạnh thường quân, các CLB thanh niên tình nguyện góp tặng.
So sánh trong tầng lớp lao động nghèo thì thu nhập của cửu vạn chợ Long Biên ở mức cao. Nhưng cái giá phải đánh đổi là hao mòn sức khỏe, xa cách gia đình. Người nào giỏi lắm cũng chỉ trụ được 5-6 năm, nhưng chẳng mấy ai thoát khỏi căn bệnh về cột sống, xương khớp.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/ban-doc/gong-minh-muu-sinh-trong-dem-gia-buot-1780299.tpo