'Gồng mình' vượt khó, xuất khẩu cá tra sẽ nỗ lực mang về trên 1,7 tỷ USD

Nửa cuối năm 2023, xuất khẩu cá tra sẽ hồi phục do thị trường bước vào mùa đặt hàng cho tiêu thụ cuối năm và các dịp lễ hội lớn. Dự báo xuất khẩu cá tra có thể đạt 1,77 tỉ USD, giảm hơn 0,5 tỉ USD so với mục tiêu 2,3 tỉ USD đề ra từ đầu năm …

Chế biến cá tra đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Chế biến cá tra đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết xuất khẩu cá tra 7 tháng năm 2023 đạt kim ngạch 1 tỉ USD, giảm 37% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam, chiếm hơn 30% thị phần, tương đương 337 triệu USD nhưng lại giảm 58% so với cùng kỳ 2022. Mỹ là thị trường lớn thứ 2, chiếm 16% tỷ trọng, tương đương 162 triệu USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, Đức và Singapore là 2 thị trường ghi nhận tăng trưởng dương về giá trị ở mức lần lượt là 32% và 3%.

ĐƠN HÀNG SUY GIẢM, CÁC LOẠI CHI PHÍ TĂNG CAO

Tại Diễn đàn quốc tế về xuất khẩu cá tra do VASEP tổ chức tại TP.HCM cuối tuần vừa qua, các doanh nghiệp và các nhà quản lý đã nêu lên thực trạng thua lỗ của ngành hàng cá tra trong nửa đầu năm nay.

Bà Võ Phương Thủy, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho biết tỉnh Đồng Tháp hiện chiếm trên 40% tổng diện tích nuôi cá tra toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tình hình sản xuất cá tra hiện gặp rất nhiều khó khăn do giá vật tư đầu vào tăng cao. giá bán sụt giảm trong khi chi phí nuôi tăng đã khiến nông dân nuôi cá tra đang chịu cảnh thua lỗ.

"Giá thành sản xuất cá tra trong tháng 8/2023 vào khoảng 26.500-27.000 đồng/kg, trong khi giá bán chỉ 26.200-26.500 đồng/kg, nên với mỗi ha diện tích, nông dân nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long đang phải chịu mức lỗ trên dưới 200 triệu đồng mỗi vụ nuôi", bà Thủy thông tin.

"Nếu 3 tháng đầu năm 2023, nông dân nuôi cá tra ở Đồng Tháp vẫn đạt lợi nhuận bình quân khoảng 1.460 đồng/kg, thì ở thời điểm hiện tại đang phải chịu cảnh thua lỗ, khoảng 547 đồng/kg".

Bà Võ Phương Thủy, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp.

Theo bà Thủy, trong nửa đầu năm nay, thị trường xuất khẩu cá tra của 27 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp sụt giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ còn khoảng 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khi đó, giá xuất khẩu cá tra bình quân trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 2,65 USD/kg so với mức gần 3,2 USD/kg của cùng kỳ năm ngoái.

Tình hình xuất khẩu khó khăn như hiện nay khiến công suất vận hành các nhà máy trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp chỉ đạt khoảng 60% công suất thiết kế, thậm chí một số doanh nghiệp đã phải tạm ngừng hoạt động.

Ông Huỳnh Đức Trung, Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, cho biết bình quân lượng đơn hàng xuất khẩu giảm khoảng 30% cho tất cả các thị trường, giá bán cũng rớt thê thảm. Trong khi đó, chi phí nuôi, chế biến và cả xuất khẩu đều tăng. Riêng giá thức ăn chiếm khoảng 70% giá thành sản xuất cá tra, nhưng đã tăng cao so với cùng kỳ; chi phí về kiểm soát chất lượng, logistics, lưu kho hàng tồn và cả chi phí tín dụng…, tất cả đều tăng, tạo áp lực lớn cho các đơn vị chế biến, xuất khẩu thủy sản.

Ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty thủy sản Trường Giang, bày tỏ lo lắng khi hiện nay công ty có 3 xưởng chế biến, tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2023, các thị trường xuất khẩu cá tra trọng điểm đều giảm sâu, nhất là thị trường Mỹ, Trung Quốc; khiến lượng tồn kho của doanh nghiệp cá tra rất lớn, cá dưới ao cũng còn nhiều.

“Đây là lần đầu tiên trong 10 năm qua, doanh nghiệp chúng tôi rơi vào cảnh thiếu tiền mặt, vì hàng không xuất khẩu được nên ngân hàng không thực hiện giải ngân các khoản vay, dù có tài sản để thấp chấp. Xuất khẩu khó khăn, làm lượng hàng tồn kho tăng cao, dẫn đến chi phí bảo quản hàng hóa của doanh nghiệp tăng cao. Riêng chi phí điện vận hành kho lạnh, bình quân mỗi tháng là khoảng 4 tỉ đồng”, ông Văn nêu thực tế.

Nêu lên điểm yếu lớn nhất của ngành, ông Văn cho rằng thức ăn phụ thuộc quá nhiều váo nguyên liệu nhập khẩu. Để sản xuất được 1kg cá tra nguyên liệu hiện cần đến hơn 1,7kg thức ăn, khiến giá thành sản xuất lên đến 1,2 USD/kg. Trong khi đó, giá thành của các loại cá đang cạnh tranh trực tiếp với cá tra như cá minh thái Alaska chỉ 1 USD/kg.

“Vấn đề hiện nay phải có sự hỗ trợ bằng mọi cách để kéo giá thức ăn thủy sản xuống. Đề nghị Bộ Tài Chính nên xem xét đưa giá nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi về 0%, thay vì là 2% như hiện nay”, ông Văn kiến nghị.

Ông Huỳnh Đức Trung, Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn thông tin, doanh nghiệp ngành cá tra đang phải thắt chặt tối đa chi phí, cố gồng gánh, cầm cự duy trì sản xuất để giữ chân người lao động.

"Chính phủ đã đưa ra gói tín dụng 15.000 tỉ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp ngành thủy sản và lâm sản, nhưng doanh nghiệp vẫn rất khó tiếp cận được gói tín dụng này. “Thực tế, doanh nghiệp hiện đang ở trạng thái thiếu oxi, trong khi oxi nằm đó lại không biết làm sao lấy để thở”, ông Trung ví von.

NHIỀU TÍN HIỆU TÍCH CỰC TRONG NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM

Tại Diễn đàn, nhiều diễn giả cho rằng sau nhiều tháng giảm sâu, xuất khẩu cá tra đã có tín hiệu khả quan từ nhiều thị trường. Ông Văn thông tin, trong tháng 7 và tháng 8/2023, lượng hàng thủy sản, trong đó có cá tra xuất khẩu của Công ty Trường Giang đang trên đà tăng trưởng trở lại. Đây là tín hiệu thị trường phục hồi trong những tháng còn lại trong năm nay và năm 2024.

Theo đại diện Công ty CP Thủy sản Vĩnh Hoàn, doanh nghiệp này cũng đã ghi nhận tăng trưởng dương trở lại. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) đã đạt 153 tỷ đồng trong tháng 7/2023, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, doanh thu xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng 13% và doanh thu xuất khẩu sang các thị trường còn lại tăng 20% so với hồi tháng 7/2022.

"Cơ quan Kiểm dịch và An toàn thực phẩm Bộ Nông nghiệp Mỹ (FSIS) sắp sang kiểm tra an toàn thực phẩm đối với cá tra Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần làm tốt công tác quy hoạch, kế hoạch nuôi trồng, tiêu thụ cũng như kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi lẽ, đây là cơ sở để được cấp chứng chỉ an toàn vệ sinh thực phẩm cho toàn bộ chuỗi giá trị ngành hàng".

Ông Huỳnh Đức Trung, Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn.

Ông Willemink Arno, Giám đốc vận hành De Heus Việt Nam nhận định, mức tiêu thụ cá thịt trắng, trong đó có cá tra của Việt Nam trên thị trường thế giới khá cao, nhất là ở nước có thu nhập cao, như ở Mỹ, mức tiêu thụ khoảng 22 kg/người/năm. Trong khi đó, ở những nước thu nhập thấp và trung bình lại có mức tiêu thụ cá thịt trắng thấp hơn. Như vậy, dư địa tiêu thụ cá tra của Việt Nam tại những thị trường có thu thập thấp còn rất lớn.

Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông của VASEP cho biết hiện nay, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc và Hồng Kông đã có tín hiệu tích cực hơn khi khoảng cách sụt giảm đã dần thu hẹp. Nếu như tháng 4/2023 giảm 66%, tháng 5/2023 giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022 thì tháng 6 và tháng 7 mức giảm này thu hẹp còn 15%.

Nửa cuối năm 2023, tỉ lệ sụt giảm sẽ thu hẹp dần so với cùng kỳ do thị trường bước vào mùa đặt hàng cho tiêu thụ cuối năm và các dịp lễ hội lớn. “Nếu theo kịch bản lạc quan, thị trường tiến triển thuận lợi, nông dân và doanh nghiệp có nguồn vốn tốt để duy trì sản xuất, các doanh nghiệp chế biến tiếp tục trụ vững, thì xuất khẩu cá tra cả năm nay có thể đạt 1,77 tỷ USD, giảm hơn 0,5 tỷ USD so với dự kiến ban đầu là 2,3 tỷ USD”, bà Lê Hằng nhận định.

Chương Phượng

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/gong-minh-vuot-kho-xuat-khau-ca-tra-se-no-luc-mang-ve-tren-1-7-ty-usd.htm