Google áp dụng các biện pháp nào để xử lý vi phạm bản quyền?
Vi phạm bản quyền nội dung là một trong những vấn đề khiến những cơ quan truyền thông, báo chí trên khắp thế giới mất nhiều thời gian và công sức để tìm cách ngăn chặn. Trong thời đại công nghệ số như hiện nay, việc đưa ra các quy trình xử lý vi phạm chặt chẽ cũng như phát triển các công cụ hỗ trợ bảo vệ bản quyền là vấn đề quan tâm hàng đầu của các đơn vị này.
Để giải quyết các vấn đề vi phạm bản quyền trên Internet, đại diện tới từ Google (một trong những công cụ tìm kiếm nổi tiếng thế giới trên mạng Internet với hàng tỉ chỉ mục website có sẵn trên mạng Internet và kiểm tra nội dung thông tin của chúng) đã chia sẻ về các biện pháp chống vi phạm bản quyền của Google.
Ông Jean Jacques Sahel, Trưởng nhóm Thông tin và Chính sách Nội dung của Google châu Á-Thái Bình Dương cho biết, Google có 5 nguyên tắc cơ bản để xử lý các vấn đề vi phạm bản quyền.
Trong đó, nguyên tắc đầu tiên sẽ có hiệu quả về mặt lâu dài chính là, đảm bảo cho người dùng có thể truy cập các thông tin một cách hợp pháp. Các sản phẩm và nền tảng của Google giúp người dùng có thể trải nghiệm trên cơ sở có các nguồn thu từ hoạt động sáng tạo của họ. Một tín hiệu đáng mừng là người dùng hiện nay cũng rất quan tâm tới các thông tin hợp pháp, ít quan tâm tới các nội dung không có bản quyền, ông Jean Jacques cho hay.
Tiếp đó, Google khiến những người vi phạm bản quyền sẽ nhận được ít thu nhập khi chia sẻ các thông tin trên Internet. Qua cách thức giảm bớt doanh thu các nội dung vi phạm bản quyền của các tổ chức/cá nhân, Google giảm bớt/ngăn chặn các đối tượng vi phạm bản quyền thu được từ quảng cáo.
Nguyên tắc thứ 3 được Google áp dụng chính là, sử dụng các công cụ để giải quyết vấn đề ở quy mô lớn do trên Internet có hàng tỉ trang web vận hành. "Google đầu tư lên tới hàng trăm triệu USD nên hằng ngày chúng tôi giải quyết được hàng triệu các yêu cầu vi phạm bản quyền", ông Jean Jacques thông tin.
Thứ 4, nhiều người lạm dụng cơ chế báo cáo nên Google có nhiều công cụ để phát hiện những khiếu nại giả mạo này.
Nguyên tắc cuối cùng được Google sử dụng chính là luôn luôn đảm bảo tính minh bạch và đưa ra các báo cáo về các gỡ bỏ/xử lý nội dung liên quan đến vi phạm bản quyền trên Internet.
Ông Jean Jacques cũng cho biết, trên thực tế, Google đã xử lý khoảng 4 tỉ website vi phạm bản quyền, mỗi ngày xử lý khoảng 2 triệu các vi phạm. Trung bình, thời gian xử lý từ khi nhận được khiếu nại của người sở hữu bản quyền cho tới khi giải quyết việc vi phạm bản quyền khoảng 6 tiếng. Trong đó, khoảng 95% gỡ bỏ ngay lập tức, 5% chưa giải quyết ngay là do các khiếu nại giả mạo.
Liên quan đến nền tảng tìm kiếm, nếu Google nhận được các khiếu nại về bản quyền của một trang web hoặc nhiều lần nhận thông báo về một nội dung của trang web đó thì khi người dùng tìm kiếm trang web đó sẽ có thứ hạng rất thấp, hầu như người dùng sẽ không thấy trang web đó trên kết quả tìm kiếm. Những tín hiệu như không thấy hiển thị hoặc hiển thị rất thấp trong công cụ Google Search lên tới 80.000-500.000 trang web mỗi ngày, trang web sẽ hiển thị trong tầm từ trang thứ 10 trong kết quả tìm kiếm, dẫn đến các trang web sẽ mất đi tầm 90% lượng truy cập.
Liên quan đến quảng cáo, khi Google đã nhận được các thông báo đề nghị gỡ bỏ các vi phạm bản quyền thì chúng tôi sẽ đưa các trang này vào black-list (Danh sách đen) và các trang web này sẽ không nhận được quảng cáo từ Google Adsense trong tương lai.
Đồng thời, Google cũng sẽ gỡ bỏ các quảng cáo mà chúng tôi nghi ngờ là đang quảng cáo cho các trang web vi phạm bản quyền, ông Jean Jacques nhấn mạnh.
Cùng với các công cụ/biện pháp xử lý vi phạm, Google cũng là thành viên của các nhóm khác như Tag và các đơn vị, tổ chức khác hoạt động trong ngành công nghiệp quảng cáo. "Chúng tôi nỗ lực tập thể để cùng làm sạch môi trường quảng cáo cũng như các vi phạm bản quyền", ông Jean Jacques khẳng định.
Mặc dù đã có các nguyên tắc xử lý các vấn đề vi phạm bản quyền cũng như cách thức xử lý vi phạm, tuy nhiên, đại diện Google cũng nói rõ thêm về quy trình liên quan đến việc thông báo và gỡ bỏ nội dung vi phạm trên Google.
Theo đó, nếu bạn là người sở hữu bản quyền, bạn cần điền vào các thông báo vi phạm bản quyền của bạn trên form thông báo của Google cung cấp; Khi nhận được thông báo, nhóm pháp lý sẽ tìm hiểu thông tin, sau khi tìm hiểu, họ sẽ quyết định thông báo gỡ bỏ hay không gỡ bỏ. Người dùng có thể khiếu nại với các quyết định đưa ra của Google, tuy nhiên, hầu hết các báo cáo vi phạm bản quyền đều bị gỡ bỏ.
Đại diện Google cũng lưu ý, khi báo cáo vi phạm thì bạn cần cung cấp thông tin đầy đủ. Tuy nhiên, Google chỉ có thể xử lý các thông tin đưa lên Google chứ không thể xử lý thông tin từ trang gốc nên trước tiên cần liên hệ với trang web đưa thông tin vi phạm.
Khi thông tin đã được báo đến Google, Google sẽ thông báo cho bên sở hữu bản quyền (nếu có thể). Google sẽ gỡ bỏ trang theo URL từ Google Search. Google đảm bảo các quảng cáo sẽ không xuất hiện trên các website vi phạm bản quyền đó.
Nếu Google liên tục nhận được các báo cáo liên quan đến trang web đó, thì các thuật toán liên quan đến trang web sẽ làm giảm thứ hạng của trang web trên Google search. Thậm chí chúng tôi sẽ không cho các trang hoạt động tiếp trên Google, ông Jean Jacques nhấn mạnh.
Với những biện pháp xử lý vi phạm bản quyền mạnh tay của Google- công cụ tìm kiếm mạnh nhất trên mạng Internet, góp phần giảm bớt những vi phạm về bản quyền mà quy mô và mức độ vi phạm đang ngày càng tinh vi hơn như hiện nay.