'Google có thể dùng AI để mở rộng độc quyền tìm kiếm, trả tiền hàng tháng cho Samsung để cài Gemini'

Alphabet (công ty mẹ Google) cần phải chịu các biện pháp mạnh để ngăn chặn việc sử dụng các sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm mở rộng sự thống trị trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến, luật sư của Bộ Tư pháp Mỹ nói khi phiên tòa lịch sử về chống độc quyền bắt đầu hôm 21.4.

Kết quả vụ kiện này có thể làm thay đổi cơ bản cách vận hành của internet khi loại bỏ Google khỏi vị trí là cổng thông tin chính cho người dùng tra cứu thông tin trực tuyến.

Bộ Tư pháp Mỹ đang tìm một phán quyết buộc Google phải bán trình duyệt Chrome và thực hiện các biện pháp khác nhằm chấm dứt điều mà tòa án xác định là độc quyền trong mảng tìm kiếm trực tuyến. Các công tố viên đã so sánh vụ kiện này với những vụ kiện lịch sử trước đây từng dẫn đến việc chia tách tập đoàn AT&T và Standard Oil.

“Bây giờ là thời điểm để nói với Google và tất cả công ty độc quyền khác rằng sẽ có hậu quả khi vi phạm luật chống độc quyền”, luật sư David Dahlquist của Bộ Tư pháp Mỹ nói trong phần phát biểu mở đầu phiên tòa.

Bộ Tư pháp Mỹ và một liên minh rộng lớn nhiều tổng chưởng lý bang thúc đẩy các biện pháp khắc phục mà họ tin rằng sẽ khôi phục sự cạnh tranh, ngay cả khi lĩnh vực tìm kiếm đang tiến hóa để dần hòa nhập với các sản phẩm AI tạo sinh như ChatGPT.

“Phán quyết của tòa án nên mang tính hướng tới tương lai và không bỏ qua những gì sắp xảy ra”, David Dahlquist nhấn mạnh.

Ông cho rằng thế độc quyền trong tìm kiếm giúp Google cải thiện các sản phẩm AI của họ, đồng thời đây cũng là cách để dẫn người dùng quay lại với công cụ tìm kiếm Google.

Google đồng ý trả tiền hàng tháng cho Samsung để cài đặt ứng dụng AI Gemini của mình trên các thiết bị, theo các tài liệu được công bố tại phiên tòa. Dù điều khoản tài chính không được tiết lộ, David Dahlquist mô tả số tiền hàng tháng là một “khoản khổng lồ”.

Thẩm phán liên bang Amit Mehta trước đó đã phán quyết rằng các thỏa thuận độc quyền của Google với nhiều nhà sản xuất thiết bị để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định giúp họ duy trì vị thế độc quyền.

Nick Turley, trưởng bộ phận sản phẩm OpenAI – công ty phát triển ChatGPT và là đối thủ của Google, dự kiến sẽ ra làm chứng hôm 22.4.

John Schmidtlein, luật sư của Google, nói trong phần mở đầu rằng các đề xuất từ Bộ Tư pháp Mỹ không khác gì “danh sách điều ước cho các đối thủ cạnh tranh muốn hưởng lợi từ những đổi mới vượt bậc của Google”.

Ông nói rằng các đối thủ AI “cũng muốn được trợ giúp, dù họ đang cạnh tranh khá tốt”.

Google lập luận rằng các sản phẩm AI của họ nằm ngoài phạm vi vụ kiện, vốn tập trung vào công cụ tìm kiếm. Việc áp dụng các biện pháp khắc phục mà Bộ Tư pháp đề xuất “sẽ cản trở sự đổi mới của Mỹ vào thời điểm then chốt”, bà Lee-Anne Mulholland, Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề pháp lý và quy định tại Google, viết trong bài đăng blog hôm 20.4.

Google cho biết sẽ kháng cáo sau khi có phán quyết cuối cùng.

Bộ Tư pháp Mỹ đang tìm kiếm một phán quyết buộc Google phải bán Chrome và thực hiện các biện pháp khác nhằm chấm dứt điều mà tòa án xác định là độc quyền trong mảng tìm kiếm trực tuyến - Ảnh: Reuters

Bộ Tư pháp Mỹ đang tìm kiếm một phán quyết buộc Google phải bán Chrome và thực hiện các biện pháp khác nhằm chấm dứt điều mà tòa án xác định là độc quyền trong mảng tìm kiếm trực tuyến - Ảnh: Reuters

Các thỏa thuận độc quyền

Các cơ quan thực thi chống độc quyền đã đề xuất những biện pháp sâu rộng nhằm nhanh chóng mở cửa thị trường tìm kiếm và tạo cơ hội cho đối thủ mới.

Các đề xuất gồm việc chấm dứt các thỏa thuận độc quyền giữa Google với những nhà sản xuất máy tính bảng và smartphone như Apple, Samsung... để Google trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên thiết bị của họ.

Bộ Tư pháp Mỹ đề xuất Google cũng sẽ phải cấp phép kết quả tìm kiếm cho các đối thủ cạnh tranh, cùng một số yêu cầu khác. Theo đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ, nếu các biện pháp khác không thể khôi phục sự cạnh tranh, Google có thể bị buộc phải bán hệ điều hành di động Android.

Google cho rằng tòa án nên chỉ yêu cầu các thỏa thuận mặc định của họ không mang tính độc quyền

Việc chấm dứt các khoản thanh toán của Google cho các nhà sản xuất thiết bị và trình duyệt sẽ làm tăng chi phí smartphone, gây nguy hiểm cho sự tồn tại của các công ty như Mozilla – vốn hoạt động dựa vào nguồn thu này, theo Google.

Google dự kiến sẽ mời nhân chứng từ Mozilla, Verizon và Apple – công ty đưa ra nỗ lực can thiệp không thành công vào vụ án.

“Không đảng phái”

Vụ kiện là một phần trong cuộc chiến dịch chống độc quyền với các hãng công nghệ lớn, được khởi động từ thời chính quyền Trump đầu tiên và vẫn tiếp tục, bất chấp những lời đề nghị mà các hãng công nghệ và giám đốc điều hành của họ gửi tới Nhà Trắng.

Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Gail Slater và các quan chức khác thuộc bộ này đã có mặt tại tòa để thể hiện rằng vụ kiện, được khởi xướng từ chính quyền Trump đầu tiên và tiếp tục dưới thời ông Joe Biden, đưa ra các biện pháp “không mang tính đảng phái” và “nhận được sự ủng hộ đầy đủ của Bộ Tư pháp Mỹ, cả trong quá khứ lẫn hiện tại”, David Dahlquist nói.

Gail Slater vừa ăn mừng chiến thắng trong một vụ kiện chống độc quyền khác với Google liên quan đến công nghệ quảng cáo, được nộp dưới thời chính quyền Biden.

Theo hãng tin Reuters, Thẩm phán Leonie Brinkema thuộc tòa án quận phía đông Virginia ra phán quyết về vụ kiện giữa Bộ Tư pháp Mỹ và Google.

Theo biên bản dài 115 trang được thẩm phán Leonie Brinkema công bố, Google phải chịu trách nhiệm về việc "cố tình mua lại và duy trì quyền lực độc quyền" trên thị trường máy chủ quảng cáo của nhà xuất bản và thị trường sàn giao dịch quảng cáo giữa người mua với người bán.

Biên bản cũng ghi rõ máy chủ quảng cáo của nhà xuất bản là nền tảng được các trang web sử dụng để lưu trữ và quản lý kho quảng cáo kỹ thuật số của họ. Cùng với sàn giao dịch quảng cáo, công nghệ này cho phép các nhà xuất bản tin tức và nhà cung cấp nội dung trực tuyến khác kiếm tiền bằng cách bán quảng cáo. Những khoản tiền đó là "mạch máu" của internet, Thẩm phán Leonie Brinkema nhấn mạnh.

"Ngoài việc tước đi khả năng cạnh tranh của các đối thủ, hành vi độc quyền này còn gây tổn hại đáng kể đến khách hàng là nhà xuất bản của Google, quy trình cạnh tranh và cuối cùng là người tiêu dùng thông tin trên web", Thẩm phán Leonie Brinkema nêu trong biên bản.

Phán quyết này mở đường cho phiên điều trần khác nhằm xác định Google phải làm gì để khôi phục sự cạnh tranh trên các thị trường này, chẳng hạn khả năng thoái vốn một phần doanh nghiệp quảng cáo trực tuyến có giá trị khoảng 31 tỉ USD hay thậm chí phải bán bộ phận này. Tuy nhiên, mốc thời gian cho phiên điều trần đó vẫn chưa được ấn định.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Pamela Bondi gọi phán quyết này là "một chiến thắng mang tính bước ngoặt trong cuộc chiến đang diễn ra nhằm ngăn chặn Google độc quyền trong lĩnh vực kỹ thuật số".

Bà Pamela Bondi khẳng định Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục thực hiện các hành động pháp lý để bảo vệ người dân Mỹ khỏi sự xâm phạm quyền tự do và thị trường tự do của các hãng công nghệ.

Đây là phán quyết thứ hai của tòa án tại Mỹ khẳng định Google nắm giữ độc quyền bất hợp pháp. Trước đó, thẩm phán Amit Mehta đưa ra phán quyết tương tự trong vụ kiện liên quan đến tìm kiếm trực tuyến.

Không riêng Google, Meta Platforms đang đối mặt với vụ kiện chống độc quyền liên quan đến việc mua lại Instagram và WhatsApp. Phiên tòa bắt đầu từ ngày 13.4 và dự kiến kéo dài đến 8 tuần.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/google-co-the-dung-ai-de-mo-rong-doc-quyen-tim-kiem-tra-tien-hang-thang-cho-samsung-de-cai-gemini-231808.html