Ukraine ứng dụng robot mặt đất trong chiến sự như thế nào?
Trong năm 2025, Ukraine dự kiến sẽ triển khai tới 15.000 robot mặt đất, hay còn gọi là các phương tiện không người lái (UGV) vào chiến sự.
"Ukraine đang trải qua khủng hoảng nhân lực nghiêm trọng, buộc họ phải tìm cách thay thế vai trò của binh sĩ bằng các hệ thống robot", Kateryna Bondar, chuyên gia tại Trung tâm Trí tuệ nhân tạo Wadhwani thuộc CSIS (Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế) cho biết.

Ironclad, một trong nhiều loại xe chiến đấu mặt đất không người lái được quân đội Ukraine triển khai. (Nguồn: Forbes)
Từ trên không xuống mặt đất
Trong khi sản xuất máy bay không người lái (UAV) đã chứng kiến bước nhảy vọt, từ vài nghìn chiếc năm 2022 lên tới 2 triệu chiếc vào năm 2024, thì việc áp dụng robot mặt đất lại là một bài toán phức tạp hơn nhiều.
Theo quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Ukraine Hlib Kanevskyi, trong nửa cuối năm 2024, nước này đã ký kết các hợp đồng mua sắm UGV trị giá khoảng 2,5 triệu USD. Chỉ trong quý đầu năm 2025, con số đó đã vọt lên tới 150 triệu USD.
Gần như mỗi tuần, Ukraine lại giới thiệu một mẫu robot chiến sự mới, từ loại bánh xích, bánh lốp đến các thiết bị chuyên dụng như robot dò mìn, xe vận tải hậu cần, hay robot chiến đấu được trang bị súng máy và thuốc nổ. Trong một thử nghiệm gần đây, trung tâm công nghệ quốc phòng BRAVE1 đã trình làng tới 70 nguyên mẫu robot khác nhau.
Tuy nhiên, chỉ khoảng 10–15 trong số 50 mẫu robot được cấp phép là thực sự được sử dụng thường xuyên trong các chiến dịch. Phần lớn còn lại vẫn vướng phải những rào cản về tính ứng dụng và hiệu quả thực tế.
"Bạn thử tưởng tượng việc vận chuyển một cỗ máy nặng hàng tấn ra chiến tuyến. Nếu dùng nhiên liệu, phải có xe tiếp tế. Nếu dùng pin, lại cần pin dung lượng lớn và máy phát điện để sạc, tất cả đều trở thành gánh nặng hậu cần", bà Bondar phân tích.
Giá thành và giới hạn ứng dụng
Khác với UAV, vốn rẻ và có thể sản xuất hàng loạt bằng máy in 3D với chi phí chỉ vài trăm USD, robot mặt đất lại có giá thành cao hơn nhiều. "Ngay cả mẫu đơn giản nhất cũng có giá từ 2.000–3.000 USD, còn những thiết bị phức tạp có thể lên đến hàng chục nghìn USD", bà Bondar cho biết. Nguyên nhân nằm ở độ phức tạp trong thiết kế và quy trình chế tạo.

"Robot dog" đang được thử nghiệm tại Ukraine. (Nguồn: Getty Images)
Chính vì thế, các UGV hiện chỉ phù hợp với những nhiệm vụ mà UAV không thể đảm nhiệm, như vận chuyển hàng hóa ra tiền tuyến, nơi luôn bị UAV của Nga giám sát và tấn công.
Một robot có thể mang theo tới 60 kg hàng hóa, đủ để cung cấp cho một đơn vị nhỏ trong 4–5 ngày mà không cần liều mạng đưa binh lính tiếp tế.
Ukraine cũng đang thử nghiệm việc sử dụng robot để di tản thương binh. Trong một trường hợp, 1 UGV đã đưa 3 binh sĩ bị thương vượt hơn 16 km trong vùng có pháo kích. Tuy nhiên, nhiệm vụ đó lại cần tới hơn 50 người phối hợp điều khiển, giám sát và bảo vệ robot trong suốt hành trình.
Dù được gọi là "không người lái", phần lớn các UGV vẫn cần con người điều khiển. Một đơn vị robot chiến đấu có thể cần tới 4 người vận hành: tài xế, điều khiển vũ khí, người phụ trách UAV giám sát và một nhân sự định hướng từ trên cao.
Các nhà phát triển đang nỗ lực tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để các robot có thể tự di chuyển và tác chiến độc lập, khi đó con người chỉ cần ra lệnh và phê duyệt mục tiêu. Nhưng như bà Bondar nhận định, "AI đủ thông minh để hoạt động độc lập trong môi trường chiến sự vẫn là chuyện của tương lai xa".
"Ngay cả xe tự lái phục vụ dân sự còn đang vật lộn với các tình huống khẩn cấp, thì trong môi trường chiến đấu, nơi tín hiệu GPS bị nhiễu, thông tin gián đoạn và tác chiến điện tử, robot càng dễ gặp khó khăn hơn", bà nói.
Những bước đi đầu tiên
Dù còn nhiều trở ngại, Ukraine đã đạt một cột mốc quan trọng vào cuối năm 2024 khi Lữ đoàn Vệ binh Quốc gia số 13 thực hiện một cuộc tấn công hoàn toàn bằng robot, sử dụng UAV trinh sát, UAV tấn công kiểu FPV và hàng chục UGV.
Sau khi hoàn tất nhiệm vụ, lực lượng bộ binh mới tiến vào chiếm lĩnh vị trí, một chiến thuật được gọi là "tấn công mà không cần tấn công".
Ở chiều ngược lại, các hệ thống phòng thủ tự động, như tháp pháo điều khiển từ xa gắn súng máy và camera, đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc ngăn chặn các đợt tấn công của đối phương mà không cần binh lính có mặt tại trận địa.
Một số công ty hiện đang phát triển robot hình người với tham vọng thay thế hoàn toàn binh sĩ trong chiến đấu. Dù vậy, thực tế vẫn còn rất xa. Các robot 4 chân từng được Ukraine thử nghiệm không ít lần bị mắc kẹt trong bùn hoặc phá hủy trước khi hoàn thành nhiệm vụ.
"Hiện tại, chúng giống một món đồ chơi công nghệ hơn là khí tài chiến đấu thực sự", bà Bondar nhận xét. Ngay cả những robot hình người tiên tiến như Optimus của Tesla cũng mới chỉ dừng lại ở mức kỳ vọng, chưa thể chứng minh hiệu quả trong thực chiến.
Dự kiến sẽ có tới 15.000 robot mặt đất được triển khai hoạt động song song cùng hơn 800.000 binh sĩ Ukraine. Trong giai đoạn hiện tại, những cỗ máy này sẽ đảm nhiệm các nhiệm vụ nguy hiểm nhất. Theo bà Kateryna Bondar, khi AI ngày càng phát triển, ranh giới giữa con người và máy móc trong chiến sự sẽ dần được xóa nhòa.