Google đầu tư 10 tỉ USD vào Ấn Độ đấu Facebook và Amazon, người dân được gì?

Google vừa thông báo về kế hoạch đầu tư 10 tỉ USD vào Ấn Độ trong 5-7 năm tới khi gã khổng lồ tìm kiếm sẽ mở rộng hơn nữa sự hiện diện tại thị trường quan trọng ở nước ngoài.

Hôm nay, Sundar Pichai, Giám đốc điều hành của Google, công bố Google for India Digitization Fund (Quỹ số hóa Google vì Ấn Độ) và tiết lộ công ty sẽ thực hiện các khoản đầu tư vào nước này.

“Chúng tôi sẽ làm điều này thông qua sự kết hợp giữa đầu tư vốn cổ phần, quan hệ đối tác và đầu tư hoạt động, cơ sở hạ tầng và hệ sinh thái. Đây là sự phản ánh niềm tin của chúng tôi vào tương lai của Ấn Độ và nền kinh tế kỹ thuật số nơi đây”, ông Sundar Pichai nói tại sự kiện thường niên của Google ở Ấn Độ

Theo đó, việc đầu tư sẽ tập trung vào bốn lĩnh vực:

Thứ nhất, cho phép mọi người Ấn Độ truy cập thông tin internet với giá cả phải chăng bằng ngôn ngữ của họ, dù đó là riếng Hindi, tiếng Tamil, tiếng Ba Tư hay bất kỳ ngôn ngữ nào khác.

Thứ hai, xây dựng các sản phẩm và dịch vụ mới phù hợp hơn với nhu cầu độc đáo của Ấn Độ.

Thứ ba, trao quyền cho các doanh nghiệp khi để họ tiếp tục hoặc bắt tay vào chuyển đổi kỹ thuật số.

Thứ tư, tận dụng công nghệ và AI (trí tuệ nhân tạo) vì lợi ích xã hội, trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục và nông nghiệp.

Ấn Độ là thị trường nước ngoài quan trọng với Google, nơi một loạt các sản phẩm và dịch vụ của họ gồm Search (Tìm kiếm), YouTube và Android đã đến với phần lớn người dùng trực tuyến.

Hơn 500 triệu người Ấn Độ (quốc gia đông dân thứ hai thế giới sau Trung Quốc với hơn 1,38 tỉ người) đang trực tuyến hiện nay và hơn 450 triệu smartphone đang được sử dụng tại nước này.

Sundar Pichai - Giám đốc điều hành của Google

Sundar Pichai - Giám đốc điều hành của Google

Sundar Pichai nói Google vẫn còn nhiều việc phải làm để mang đến internet có giá cả phải chăng và hữu ích cho hơn 1,38 tỉ người Ấn Độ, từ cải thiện đầu vào bằng giọng nói và điện toán cho tất cả ngôn ngữ nước này, đến việc truyền cảm hứng và hỗ trợ cho cả một thế hệ doanh nhân mới.

Tương tự những đại gia công nghệ Mỹ khác, Google chỉ kiếm được một phần doanh thu từ Ấn Độ. Dù vậy, các công ty công nghệ lớn của Mỹ hay Trung Quốc vẫn đang tìm kiếm hàng trăm triệu người dùng tiếp theo của họ tại các thị trường đang phát triển, nổi bật là Ấn Độ.

Vào tháng 4.2020, Facebook đã đầu tư 5,7 tỉ USD vào Jio Platforms, nhà khai thác viễn thông hàng đầu Ấn Độ về doanh thu và thuê bao, để số hóa hàng chục triệu cửa hàng gia đình. Là đối thủ của Google và Amazon ở Ấn Độ, Facebook chi 5,7 tỉ USD để nắm 9,99% cổ phần trong Jio Platforms.

Ấn Độ được xem là một trong các thị trường tăng trưởng lớn nhất của Facebook, trong đó ứng dụng WhatsApp có 400 triệu người dùng.

Jio Platforms, một trong những công ty con của Tập đoàn Reliance Industries có giá trị nhất Ấn Độ, đã huy động được hơn 15,7 tỉ USD kể từ nửa cuối tháng 4.2020 từ 12 nhà đầu tư cao cấp.

Trong chuyến thăm Ấn Độ đầu năm nay, CEO Jeff Bezos cho biết Amazon có kế hoạch đầu tư thêm 1 tỉ USD vào Ấn Độ, với tổng cam kết cho đến nay là 6,5 tỉ USD.

Việc Ấn Độ cấm cửa các công ty Trung Quốc như TikTok giúp Google, Facebook, Amazon đối mặt với ít cạnh tranh hơn.

Việc Ấn Độ cấm cửa các công ty Trung Quốc như TikTok giúp Google, Facebook, Amazon đối mặt với ít cạnh tranh hơn.

Thông báo Google hôm nay đến vào thời điểm Ấn Độ dường như đóng cửa với các công ty Trung Quốc.

Ngày 29.6, Bộ Công nghệ Thông tin Ấn Độ ban hành lệnh cấm 59 ứng dụng của Trung Quốc vì lý do an ninh, trong đó có TikTok thuộc sở hữu của Công ty ByteDance, UC Browser của Tập đoàn Alibaba, WeChat của Tập đoàn Tencent.

Chuyên gia tin rằng lệnh cấm này sẽ giúp các đại gia công nghệ Mỹ mở rộng sự hiện diện trên khắp Ấn Độ vì đối mặt với ít cạnh tranh hơn.

Tháng 4.2020, Chính phủ Ấn Ðộ áp dụng biện pháp chính sách nghiêm ngặt hơn về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhằm hạn chế nguy cơ các doanh nghiệp địa phương bị nước ngoài thâu tóm trong bối cảnh dịch COVID-19 gây thiệt hại nghiêm trọng. Theo quy định sửa đổi, việc chuyển quyền sở hữu các công ty Ấn Ðộ bắt nguồn từ hoạt động FDI từ tất cả các nước láng giềng Ấn Ðộ đều phải được chính quyền New Delhi phê duyệt.

Với hàng chục công ty khởi nghiệp (startup) ở Ấn Độ, trong đó có Zomato, Swiggy và Paytm, coi các nhà đầu tư Trung Quốc là một trong những người đầu tư lớn nhất, động thái trên có thể dẫn đến những khó khăn nhất định trong việc tăng vốn trong tương lai.

Đến nay, Google đã hỗ trợ vài công ty khởi nghiệp ở Ấn Độ. Vào tháng 5, Financial Times thông báo rằng Google đang đàm phán với Vodafone Idea, nhà khai thác viễn thông lớn thứ hai ở Ấn Độ, để mua 5% cổ phần.

Hôm nay, Sanjay Gupta, người đứng đầu Google ở Ấn Độ, cho biết công ty cam kết đầu tư thêm 10 tỉ USD cho nước này để định hình tương lai của nhiều sản phẩm và dịch vụ của họ nơi đây.

“Chúng tôi sẽ hợp tác sâu và hỗ trợ Ấn Độ trở thành quốc gia kỹ thuật số thực sự”, Sanjay Gupta nói.

Một trong những cách Google mở rộng phạm vi hoạt động ở Ấn Độ là thông qua quan hệ đối tác với các nhà cung cấp smartphone địa phương để sản xuất thiết bị giá rẻ, nhận được cập nhật kịp thời và thường xuyên hơn.

Không tiết lộ chi tiết nhưng nhiều quan chức Google hôm nay thông báo họ sẽ tập trung vào việc sản xuất nhiều smartphone giá rẻ, chất lượng cao hơn cho người dùng.

Nhân Hoàng

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-180/the-gioi-so-c-191/google-dau-tu-10-ti-usd-vao-an-do-dau-facebook-va-amazon-nguoi-dan-duoc-gi-140916.html