Google Doodle vinh danh GS. Tôn Thất Tùng - người làm rạng danh y học Việt
Ngày hôm nay, 10/5, Google Doodle đã đăng tải hình ảnh Giáo sư Tôn Thất Tùng nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông.
Ngày 10/5, hình ảnh của GS. Tôn Thất Tùng đã xuất hiện trên trang chủ của Google Doodle. Hình ảnh do nghệ sĩ Chau Luong thực hiện này là sự tôn vinh GS. Tôn Thất Tùng – người bác sĩ đã làm rạng danh y học Việt Nam nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 110 của ông.
Google Doodle ngày 10/5/2022 kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Giáo sư Tôn Thất Tùng.
GS. Tôn Thất Tùng sinh ngày 10/5/1912 tại Thanh Hóa và lớn lên ở Huế. Ông nổi danh trong lĩnh vực nghiên cứu về gan. Ông là người đầu tiên nghiên cứu thành công phương pháp "Cắt gan có kế hoạch", hay còn được gọi là "phương pháp cắt gan khô", "phương pháp Tôn Thất Tùng".
Bác sĩ Tôn Thất Tùng đang nghiên cứu trên bệnh phẩm (gan khô) (năm 1962).
GS. Tôn Thất Tùng theo học tại trường Y-Dược vào năm 1932, là thành viên của Đại học Đông Dương. Năm 1935, ông được nhận vào làm việc tại khoa ngoại của trường Y-Dượ (Bệnh viện Việt - Đức hiện nay).
Từ năm 1935 đến năm 1939, bác sĩ Tôn Thất Tùng đã phẫu tích hơn 200 lá gan của các tử thi để nghiên cứu về các mạch máu và sau đó vẽ lại thành các sơ đồ, đối chiếu với nhau để tìm ra những nét chung.
Trên cơ sở đó, ở tuổi 28, ông đã viết và bảo vệ thành công luận án tốt nghiệp với nhan đề "Cách phân chia mạch máu của gan” gây tiếng vang lớn. Với bản luận án này, ông đã được Trường Đại học Tổng hợp Paris tặng huy chương Bạc.
Và bản luận án này cũng trở thành tiền đề cho những công trình khoa học nổi tiếng của ông sau này.
GS. Tôn Thất Tùng là người đã nghiên cứu thành công phương pháp "cắt gan có kế hoạch".
Trước đó, các nhà phẫu thuật Đức, Anh, Nga... đã cắt gan tổng cộng 87 trường hợp. Tuy nhiên, do chưa có mô tả chính xác các mạch máu trong gan nên việc cắt gan không theo một quy phạm nào. GS. Tôn Thất Tùng cho rằng, nếu cắt không đúng mạch, bệnh nhân có thể chết do chảy máu hoặc do hoại tử gan sau phẫu thuật. Điều đó rất nguy hiểm.
GS. Tôn Thất Tùng hướng dẫn học trò trong một giờ giảng giải phẫu. Nguồn ảnh: bacsinoitru.
Với “phương pháp Tôn Thất Tùng” này, ca mổ gan đã rút ngắn thời gian xuống còn từ 4-8 phút (thay vì cần từ 3-6 giờ như phương pháp truyền thống). Và với việc giúp giảm chảy máu bằng cách thắt chặt những tĩnh mạch gan trước ca mổ, "phương pháp Tôn Thất Tùng" đã cứu sống vô số sinh mạng bệnh nhân, được các bác sĩ phẫu thuật trên toàn thế giới sử dụng.
Có thể nói, cả cuộc đời GS. Tôn Thất Tùng đã dành để cống hiến cho y học, cho người bệnh.
Giáo sư Tôn Thất Tùng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, là viện sĩ Viện hàn lâm Y học Liên Xô, hội viên Hội quốc gia những nhà phẫu thuật Cộng hòa dân chủ Đức, viện sĩ Viện hàn lâm Phẫu thuật Paris, hội viên Hội các nhà phẫu thuật Lyon (Pháp), thành viên Hội Quốc gia các nhà phẫu thuật.
Năm 1982, GS. Tôn Thất Tùng qua đời đột ngột qua đời do một cơn nhồi máu cơ tim. Bác sĩ Jean-Michel Krivine, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Trung tâm Bệnh viện Émile Roux, Paris trong bức thư gửi đến Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã bày tỏ sự thương tiếc và kính trọng trước một tài năng lỗi lạc: "Việc GS. Tôn Thất Tùng qua đời làm cho tôi cũng như nhiều bạn bè của giáo sư choáng váng (...). Không ai có thể thay thế GS. Tôn Thất Tùng. Không một nhà phẫu thuật nào có tầm cỡ như giáo sư trong thế hệ hiện nay. Nhưng giáo sư vẫn sống với trường phái do ông sáng lập...".
Với những cống hiến lớn lao cho đất nước, GS. Tôn Thất Tùng đã được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Năm 2002, nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của giáo sư, Bộ Y tế đã thành lập hội đồng xét tặng giải thưởng mang tên ông - Giải thưởng Tôn Thất Tùng.