Góp phần cải thiện cuộc sống người dân
Lai tạo giống lúa mới có năng suất cao, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân nâng cao thu nhập. Ảnh: MINH ĐĂNG
Nhờ ứng dụng công nghệ tiên tiến, xây dựng và chuyển giao nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ KH-CN vào sản xuất và xây dựng thương hiệu cho đặc sản địa phương, đã góp phần giúp người dân trên địa bàn tỉnh nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Tập trung những mục tiêu quan trọng
Thời gian qua, ngành KH-CN Phú Yên không ngừng nỗ lực tập trung đổi mới, cải tạo giống cây trồng, vật nuôi chủ lực, có lợi thế của địa phương, góp phần nâng cao chất lượng giống, tăng năng suất, chất lượng đã từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao chất lượng và giá trị các sản phẩm nông nghiệp.
Ngành KH-CN tỉnh đã nghiên cứu ứng dụng các thành tựu KH-CN ở hầu hết các khâu trong sản xuất nông nghiệp, từ công tác chọn tạo giống trên các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh như: cây lúa, sắn; tôm hùm, tôm thẻ, cá chình, bò vàng… đến hoàn thiện kỹ thuật canh tác trồng trọt, chăn nuôi, góp phần nâng cao giá trị chuỗi cung ứng.
Qua các đề tài, dự án, Sở KH-CN đã chọn tạo một số giống điển hình như: lúa lai F1 với năng suất bình quân tăng 8 tạ/ha; giống sắn KM419 có năng suất cao, hàm lượng bột cao dần thay thế giống KM94 đã thoái hóa và nhiễm bệnh; giống bò lai hướng thịt giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm ngành chăn nuôi.
Ngoài ra, Sở KH-CN cũng đã nghiên cứu tiếp nhận và ứng dụng công nghệ mới các mô hình: nuôi tôm hùm có xử lý chất thải; nuôi tôm hùm trong bể trên bờ; nuôi tôm hùm lồng xa bờ theo công nghệ Na Uy; nuôi tôm thẻ theo công nghệ biofloc; nuôi cá chình trong lồng; nuôi hàu Thái Bình Dương theo hướng công nghiệp...
Bà Lâm Vũ Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở KH-CN tỉnh cho biết, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, hoạt động KH-CN đã đạt được một số thành tựu nhất định. Cụ thể, sở đã tham mưu thực hiện 17 đề tài, dự án cấp quốc gia, 38 đề tài, dự án cấp tỉnh và 60 dự án cấp cơ sở về lĩnh vực nông nghiệp; với tổng kinh phí gần 350 tỉ đồng.
Trong đó, các dự án cấp quốc gia chủ yếu là các chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH-CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số và chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm nông nghiệp; các đề tài, dự án cấp tỉnh, cấp cơ sở tập trung vào việc xây dựng các mô hình sản xuất.
Đi vào thực tiễn sản xuất
Để làm tốt công tác chuyển giao tiến bộ KH-CN vào sản xuất, thời gian qua, Sở KH-CN đã chỉ đạo đơn vị chức năng tích cực phối hợp với địa phương chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật thông qua các mô hình thí điểm; đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi tư duy, qua đó tạo chuyển biến trong nếp nghĩ, cách làm của người dân.
Ngoài các cây trồng, vật nuôi chủ lực, những năm qua, ngành KH-CN tỉnh đã nghiên cứu xây dựng các mô hình nuôi trồng sau đó chuyển giao quy trình kỹ thuật cho nông dân một số đối tượng nuôi trồng mới như: Rong nho, sá sùng, nuôi cá chình trong bể; trồng các loại dược liệu: sa nhân tím, ba kích tím, nhân sâm Phú Yên... Các mô hình sản xuất trên khi đưa vào thực tiễn đã góp phần đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, đồng thời giúp nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích canh tác.
Bên cạnh đó, Sở KH-CN còn hướng dẫn, phối hợp với các đơn vị xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm như: Cá ngừ đại dương Phú Yên, nước mắm Phú Yên, muối Tuyết Diêm, rượu Quán Đế, bánh tráng Hòa Đa, bò một nắng Phú Yên, sò huyết Ô Loan, dứa Đồng Din, tiêu Sơn Thành… góp phần nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp cũng như mở ra nhiều cơ hội xuất các sản phẩm này ra thị trường ngoài tỉnh.
Ông Đặng Xuân Thanh (huyện Sơn Hòa), chủ cơ sở sản xuất bò một nắng Thanh Tuyền cho biết: Miền núi Phú Yên nổi tiếng với giống bò cỏ của địa phương. Tuy nhiên, trước đây vì mỗi cơ sở sản xuất bò một nắng đều phải tự xây dựng và phát triển thương hiệu của mình nên việc tìm kiếm thị trường rất khó khăn. Từ khi Sở KH-CN xây dựng nhãn hiệu chứng nhận Bò một nắng Phú Yên, uy tín của những cơ sở sản xuất được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận tăng lên rõ rệt. Nhờ đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm bò một nắng ngày càng rộng mở, các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng này cũng khởi sắc hơn.
Nói về những đóng góp của KH-CN trong thành tựu chung của ngành Nông nghiệp, ông Lê Đủ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho rằng hoạt động KH-CN trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt được những thành tựu nhất định với nhiều mô hình nuôi trồng tiên tiến được nhân rộng thành công, đóng góp vào sự phát triển của ngành Nông nghiệp nói riêng, sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung.
Trong số các mô hình được chuyển giao thành công, phải kể đến mô hình trồng dược liệu, nấm, chuối cấy mô, dưa lưới hay các mô hình nuôi trồng thủy sản tiên tiến... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số đề tài, dự án khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp dù được đánh giá cao nhưng do khó khăn về nguồn vốn và đầu ra sản phẩm nên việc nhân rộng trong thực tiễn còn hạn chế, chưa tạo sự đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/235071/gop-phan-cai-thien-cuoc-song-nguoi-dan.html