Góp phần chăm lo tốt người có công
Trong căn phòng nhỏ tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh), cầm trên tay món quà do đoàn công tác Ban Công đoàn Quốc phòng tặng, thương binh nặng Lê Hữu Chỉnh ở xã Tân Châu (Khoái Châu, Hưng Yên) rất vui.
Sức khỏe yếu, lại vừa trải qua ca phẫu thuật do vết thương cũ tái phát, việc giao tiếp của ông Chỉnh còn khó khăn, nhưng khi cán bộ Ban Công đoàn Quốc phòng động viên, hỏi thăm sức khỏe, ánh mắt, gương mặt ông Chỉnh lộ rõ niềm vui. Ký ức những ngày tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử lại ùa về trong ông với những câu chuyện, con người, trận đánh khó quên.
Sáng 30-4-1975, khi đang trong đội hình Tiểu đoàn 5 (Trung đoàn 24, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2) tiến vào giải phóng Sài Gòn, Lê Hữu Chỉnh bị thương, đạn xuyên qua bụng vào cột sống. Do vết thương quá nặng nên ông không thể tiếp tục chiến đấu và phải chuyển về tuyến sau điều trị. Câu chuyện ông kể thỉnh thoảng bị ngắt quãng bởi những giọt nước mắt, khi ông nhớ đến những đồng đội hy sinh ngay trước khi Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Tiếp lời chồng, vợ ông Chỉnh kể cho chúng tôi nghe về những tháng ngày gian nan cùng ông chống chọi với di chứng của chiến tranh. Vết thương khiến ông bị liệt nửa người, dẫn đến cứng cơ, mất cảm giác vận động, mất tự chủ trong sinh hoạt cá nhân. Mỗi khi trái gió trở trời, vết thương tái phát gây ra những cơn đau thấu xương, khiến ông nhiều lúc bi quan, chán nản. Điều trị, chăm sóc ở trung tâm đã nhiều năm, ông được vợ và các cán bộ, nhân viên tận tình chăm sóc, lo cho ông từng bữa ăn, giấc ngủ, giúp ông lạc quan hơn.
Đón nhận sự quan tâm chia sẻ, tri ân của cán bộ, chiến sĩ Ban Công đoàn Quốc phòng, vợ chồng ông Chỉnh cũng như nhiều thương binh ở trung tâm rất cảm động. Đại tá Nguyễn Văn Đề, Phó trưởng ban Công đoàn Quốc phòng xúc động nói: "Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nhiều gia đình vẫn phải chịu đựng hậu quả của nó. Cảm thông với nỗi đau mà các thương binh, bệnh binh nặng phải chịu đựng, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Ban Công đoàn Quốc phòng xác định thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa để cuộc sống vật chất, tinh thần của người có công đầy đủ, ấm áp hơn. Đó không chỉ là sự vẹn tròn trách nhiệm, mà còn thể hiện tình cảm, lòng biết ơn, động viên các đồng chí thương binh, bệnh binh nặng tiếp tục phát huy ý chí, nghị lực của Bộ đội Cụ Hồ, vươn lên khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, góp sức xây dựng quê hương, đất nước và nêu gương sáng cho thế hệ con cháu".
Cũng theo Đại tá Nguyễn Văn Đề, những năm qua, Ban Công đoàn Quốc phòng triển khai nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa thiết thực, góp phần chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng như: Thăm, tặng quà các trung tâm điều dưỡng thương binh, các đối tượng chính sách ở địa phương, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, hỗ trợ xây tặng nhà "Mái ấm công đoàn-nghĩa tình đồng đội"… với tổng trị giá hàng tỷ đồng.