Góp phần củng cố, nâng cao tri thức cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở
Thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn, từ năm 2009 - 2023, nhiều địa phương, đơn vị trong tỉnh được trang bị, bổ sung nhiều đầu sách với nội dung thiết thực, tương đối bám sát yêu cầu cơ sở, góp phần quan trọng trong việc cung cấp nguồn thông tin, tư liệu phục vụ nhu cầu tham khảo, tìm hiểu, nghiên cứu của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Chị Đinh Thị Trang, xóm Phạc Siến, xã Vân Trình (Thạch An) chia sẻ: Khi nào cần thông tin hay kiến thức về quy trình canh tác hay kỹ thuật chăn nuôi, tôi đến trụ sở UBND xã tìm sách để đọc. Tuy hiện nay điện thoại thông minh có thể tra cứu trên mạng Internet nhưng tôi thấy đọc sách vẫn dễ tra cứu và nhớ lâu hơn. Các cuốn sách được thiết kế nhỏ gọn, hình thức trình bày đẹp, biên soạn ngắn gọn, khoa học, súc tích, dễ hiểu và dễ làm theo.
Đồng chí Hoàng Thị Thúy, Phó Chủ tịch UBND xã Lý Bôn (Bảo Lâm) cho biết: Để phục vụ hiệu quả nhu cầu khai thác, nghiên cứu, học tập, sử dụng các loại sách thuộc Đề án sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn tới cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, xã phân công cán bộ tư pháp của xã trực tiếp quản lý tủ sách; bố trí, sắp xếp, phân loại, trưng bày sách theo danh mục để thuận lợi cho việc khai thác, sử dụng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Hằng ngày tổ chức phục vụ cán bộ và nhân dân có nhu cầu nghiên cứu theo giờ hành chính.
Sau 15 năm thực hiện Thông báo kết luận số 220-TB/TW, ngày 10/02/2009 và Thông báo kết luận số 396-TB/TW, ngày 23/11/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về triển khai Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn, cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Giai đoạn 2011 - 2023, các đơn vị trên địa bàn tỉnh tiếp nhận đúng, đủ số lượng các ấn phẩm theo danh mục cấp phát của Trung ương với 427 đầu sách và 9 đĩa CD Audio. Hầu hết các xã, phường, thị trấn đã có “Tủ sách ở cơ sở” phục vụ cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nghiên cứu với hàng trăm đầu sách. Khi tiếp nhận sách của đề án, các địa phương, đơn vị triển khai kịp thời kế hoạch quản lý, sử dụng và bảo quản theo quy định của Nhà nước về tài sản công. Hầu hết xã, phường, thị trấn đều xây dựng quy chế quản lý, sử dụng sách; lập sổ theo dõi, quản lý sách được cấp phát; phân công cán bộ theo dõi, quản lý sách nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm bảo quản, giữ gìn sách, hạn chế tình trạng làm mất, hỏng sách… Trong đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và ban tuyên giáo các huyện, Thành ủy mỗi đơn vị phân công 1 cán bộ theo dõi, quản lý sách (kiêm nhiệm). Tùy theo điều kiện thực tiễn của đơn vị, ở các xã, phường, thị trấn thường giao cho cán bộ tư pháp của xã quản lý sách đề án cùng với tủ sách pháp luật; một số cấp ủy giao cho cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã, cán bộ văn hóa xã quản lý; các đồn biên phòng phân công 1 cán bộ đội vận động quần chúng tiếp nhận, phân loại, sắp xếp, mở sổ theo dõi, quản lý, hướng dẫn việc đọc, mượn sách.
Các xã, phường, thị trấn, các đồn biên phòng đều tổ chức bố trí, sắp xếp, trưng bày sách theo danh mục và niêm yết danh mục sách tại trụ sở đơn vị hoặc đặt tủ sách tại điểm bưu điện văn hóa xã để thuận lợi cho việc khai thác, sử dụng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Lập danh mục niêm yết theo dõi đăng ký mượn và trả sách, thông báo đầu sách mới tới đông đảo nhân dân để cán bộ, đảng viên và nhân dân biết và tìm đọc. Hằng ngày, tổ chức phục vụ cán bộ và nhân dân có nhu cầu nghiên cứu theo giờ hành chính, thậm chí một số xã còn phục vụ nhu cầu khai thác vào các ngày thứ 7, chủ nhật nếu trùng vào các buổi chợ phiên địa phương. Một số địa phương có sáng kiến tổ chức luân chuyển sách xuống các chi bộ, xóm, tổ dân phố, các đoàn thể quần chúng; đồng thời tuyên truyền giới thiệu tại các hội nghị của xã, phường, thị trấn để phục vụ nhu cầu đọc của nhân dân.
Thư viện tỉnh lựa chọn các ấn phẩm của đề án cùng với nguồn sách của đơn vị để đưa đi luân chuyển tại các điểm bưu điện - văn hóa xã trên địa bàn tỉnh; tổ chức trưng bày, xếp sách nghệ thuật và phục vụ sách tại các buổi lễ kỷ niệm lớn, các sự kiện nổi bật của tỉnh, các ngành, các địa phương trong tỉnh và tại một số lễ hội lớn trên địa bàn tỉnh; tiến hành tặng sách, phối hợp xây dựng và hướng dẫn cách sắp xếp, bảo quản sách tại tủ sách nhà trường của một số trường học trên địa bàn tỉnh; xây dựng tủ sách cơ sở, tủ sách tư nhân phục vụ cộng đồng; sử dụng xe lưu động đưa sách đi phục vụ tại các trường học và phục vụ nhu cầu đọc của bà con tại Phố đi bộ Kim Đồng (Thành phố) vào tối thứ Sáu, thứ Bảy hằng tuần.
Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn là một chủ trương đúng đắn và thiết thực của Ban Bí thư, đã và đang tác động tích cực trong việc giúp cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân địa phương cập nhật được những kiến thức cần thiết, được nghiên cứu, học tập những mô hình tốt, những cách làm hay, được trao đổi thông tin và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác tổ chức quản lý, sử dụng sách của đề án có mặt còn hạn chế nhất định; số lượng sách gửi đến xã, phường, thị trấn còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu tìm hiểu của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân ở cơ sở. Hiện nay, sách của đề án chưa đến với các chi bộ trực thuộc, cán bộ xóm và đông đảo quần chúng nhân dân, nhất là tại các xã vùng sâu, vùng xa...
Trước thực trạng trên, để tiếp tục phát huy hiệu quả Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn, thiết nghĩ, các cấp ủy, chính quyền, địa phương, cơ quan, đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giới thiệu đến cán bộ, đảng viên và nhân dân biết, tiếp cận tủ sách ở cơ sở để nghiên cứu, khai thác thông tin có ích; kịp thời tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân liên quan đến việc quản lý, sử dụng sách; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí quản lý, trưng bày, khai thác, sử dụng sách; trong quá trình thực hiện, chú trọng kiểm tra, giám sát việc quản lý, khai thác và sử dụng sách của đề án.