Góp phần để Lễ hội Hoa Lư diễn ra văn minh, ấn tượng, giàu bản sắc
Ngày 6/4/2025, Lễ hội Hoa Lư sẽ khai mạc. Phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Hoàng Ngọc Hòa, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoa Lư để đánh giá tiến độ công tác chuẩn bị cho lễ hội. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

Lễ Rước nước trên sông Hoàng Long tại Lễ hội Hoa Lư năm 2024. Ảnh: Minh Quang
Phóng viên (PV): Lễ hội Hoa Lư đang tới rất gần, thành phố Hoa Lư đã và đang làm gì để góp phần tạo nên một mùa lễ hội văn minh và giàu bản sắc?
Đồng chí (Đ/c) Hoàng Ngọc Hòa: Lễ hội là “cầu nối” giữa quá khứ và hiện tại, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào về nguồn cội cho thế hệ trẻ. Để mùa lễ hội thực sự trở thành nơi về nguồn ý nghĩa của con em quê hương, là trải nghiệm ấn tượng với du khách thập phương, UBND thành phố Hoa Lư đã ban hành các văn bản để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được UBND tỉnh giao.
Theo đó, UBND thành phố Hoa Lư đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành chuyên môn; UBND các xã, phường tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và Nhân dân trong việc nghiêm túc thực hiện các quy định về tổ chức lễ hội, nhất là thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, giữ gìn vệ sinh công cộng và bảo vệ môi trường trong hoạt động lễ hội phát huy các giá trị tốt đẹp của lễ hội.
Đa dạng hóa các hình thức truyền thông, đẩy mạnh sử dụng các hình thức truyền thông mới như: quảng bá, giới thiệu về di tích, lễ hội trên các website du lịch, website địa phương, mạng xã hội, các phần mềm tiện ích… để người dân, du khách dễ tiếp cận với các thông tin về Lễ hội.
Thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Tổ chức Lễ hội Hoa Lư chỉ đạo các ngành, chính quyền địa phương các cấp áp dụng các biện pháp đồng bộ bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống trộm cắp, bảo vệ di tích, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, văn minh du lịch, lễ hội.
Đề xuất các nội dung trong công tác bảo tồn, khôi phục, phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống của địa phương như đã khôi phục, bảo tồn Tế Lễ Cửu khúc, thi chèo thuyền khéo, Thi kéo chữ Thái Bình, Thi cờ lau tập trận tại Lễ hội Hoa Lư…
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các sai phạm trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa trong tổ chức lễ hội theo quy định của pháp luật. Kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; các hành vi mê tín dị đoan.
Đặc biệt, năm 2025, Lễ hội Hoa Lư được tổ chức gắn với Kỷ niệm 1057 năm Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế (968-2025), lập nên Nhà nước Đại Cồ Việt-Nhà nước Phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử Việt Nam; tưởng niệm 1020 năm ngày mất Lê Đại Hành Hoàng đế (1005-2025).
Năm 2025 cũng là năm có nhiều dấu mốc lịch sử khi tỉnh ta thực hiện sáp nhập huyện Hoa Lư với thành phố Ninh Bình và mang tên thành phố Hoa Lư. Với việc được mở rộng có thêm các đơn vị hành chính cấp xã, phường nên quy mô tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian của Lễ hội được mở rộng từ 11 đơn vị lên 20 đơn vị trên địa bàn thành phố…

Tuyên truyền trực quan về Lễ hội Hoa Lư năm 2025 tại khu vực cổng vào Cố đô Hoa Lư. Ảnh: Quang Vân
PV: Thực tế cho thấy, lượng khách du lịch tới vãn cảnh, trảy hội Hoa Lư khá đông. Theo đồng chí, điều gì đã tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho một trong những lễ hội có niên đại lịch sử lâu đời nhất Việt Nam?
Đ/c Hoàng Ngọc Hòa: Lễ hội Hoa Lư là lễ hội truyền thống, diễn ra vào tháng 3 âm lịch hàng năm tại xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (nay là thành phố Hoa Lư). Lễ hội được thực hiện trong không gian trang trọng, linh thiêng của hai đền thờ vua Đinh và vua Lê. Đây là khu vực quan trọng lưu giữ di sản văn hóa liên quan đến triều đại Đinh-Tiền Lê, là điều kiện tốt nhất để lễ hội có sức sống lâu bền cùng với thời gian.
Trải qua thời kỳ lịch sử khá dài, Lễ hội Hoa Lư đến nay vẫn mang những giá trị nổi bật về văn hóa, lịch sử với các nghi lễ, nghi thức truyền thống độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa, tín ngưỡng của Nhân dân địa phương.
Lễ hội Hoa Lư là nơi lưu giữ những yếu tố văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc, hấp dẫn, trở thành nét sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân Cố đô nói riêng và Nhân dân cả nước nói chung. Nét đặc sắc trong lễ hội Cố đô Hoa Lư đó là sự kết hợp hài hòa giữa ba yếu tố lịch sử-văn hóa-tâm linh.
Với 2 phần Lễ và Hội cùng nhiều nghi lễ độc đáo, nội dung phong phú, Lễ hội Hoa Lư đem đến cho khách tham quan nhiều hoạt động mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc.
Phần Lễ được tổ chức trang nghiêm, với 10 nghi lễ truyền thống, tôn vinh, tri ân công đức các bậc Tiên đế, tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước, thể hiện ước nguyện của Nhân dân cầu Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu được thể hiện qua các nghi thức: Lễ mở cửa đền, dâng hương, rước nước, rước kiệu, Lễ Cửu khúc, Lễ tiến phẩm, Lễ mộc dục, Lễ cầu quốc thái dân an và lễ hội hoa đăng.
Trong đó, Lễ rước nước được xem là hoạt động quan trọng và ý nghĩa nhất gợi nhớ đến tích Rồng vàng xuất hiện trên sông, đưa Đinh Bộ Lĩnh qua sông, cứu Vua thuở thiếu thời. Sau khi lên ngôi Hoàng đế, nhớ ân nghĩa Rồng vàng, hàng năm Vua Đinh cho lập đàn tràng tế Thần Long và xin nước của dòng sông linh thiêng về tế ở Thái miếu, cầu quốc thái-dân an, mùa màng bội thu, no ấm. Sau khi Vua Đinh băng hà, tục lệ rước nước được duy trì về tế ở linh từ Hoàng Đế. Phần lễ này thường thu hút rất nhiều du khách phương xa và cả người địa phương cùng tham dự.
Phần Hội gồm các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian như: Thi chèo thuyền khéo, cờ người, chọi gà, biểu diễn trống hội, tổ chức các giải thể thao… đặc biệt trò chơi dân gian thi kéo chữ “Thái bình”, diễn tích “Cờ lau tập trận” tái hiện lại cuộc đời sự nghiệp của đức vua Đinh Tiên Hoàng, từ thuở thiếu thời nuôi chí lớn cờ lau tập trận đến khi dựng cờ khởi nghĩa bình thập nhị sứ quân, xưng Đế gây nền độc lập, đặt nền móng xây dựng chế độ phong kiến Trung ương tập quyền đã góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa của vùng đất Cố đô đến du khách, góp phần bảo tồn và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
PV: Như chia sẻ của đồng chí, Lễ hội Hoa Lư có ý nghĩa đặc biệt đối với Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thành phố Hoa Lư nói riêng, tỉnh Ninh Bình nói chung. Vậy thành phố Hoa Lư đã và sẽ làm những gì để lưu giữ và kể câu chuyện lịch sử cho hậu thế thông qua sự kiện văn hóa đặc biệt này?
Đ/c Hoàng Ngọc Hòa: Lễ hội Hoa Lư luôn có vị trí, ý nghĩa, giá trị lịch sử, văn hóa lớn đối với Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Hoa Lư (nay là thành phố Hoa Lư). Lễ hội Hoa Lư được tổ chức theo quy mô cấp tỉnh với vị thế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia; nhằm tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của các bậc Tiên đế, tiền nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và tinh thần đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế, đặc biệt tôn vinh vị anh hùng dân tộc Đinh Bộ Lĩnh đã xây dựng kinh đô Hoa Lư, lập ra nhà nước Đại Cồ Việt và mở đầu thời kỳ độc lập, thống nhất lâu dài của người Việt suốt các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý...
Lễ hội Hoa Lư cũng là nơi diễn ra sinh hoạt văn hóa chung của cả cộng đồng, là dịp để mỗi người gửi gắm ước mong, tâm nguyện cầu cho quốc thái, dân an, mưa thuận gió hòa, gia đình, làng xóm, quê hương an vui, hạnh phúc.
Thông qua hoạt động của lễ hội cũng để nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, thương nòi, lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho các thế hệ người dân thành phố Hoa Lư nói riêng, tỉnh Ninh Bình nói chung, để từ đó đoàn kết một lòng viết tiếp những trang sử vẻ vang của dân tộc trong thời đại ngày nay.
Hiện nay, xu hướng du lịch sinh thái gắn với du lịch tín ngưỡng tâm linh đang được thịnh hành. Thông qua các hoạt động du lịch tâm linh, hoạt động văn hóa lễ hội góp phần nâng cao nhận thức của du khách và cộng động về việc gìn giữ, bảo vệ và phát triển các di sản văn hóa của dân tộc. Với sứ mệnh là “cây cầu nối” lịch sử giữa quá khứ với hiện tại và trong tương lai, UBND thành phố Hoa Lư đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, các đơn vị, các tổ chức hoàn thiện Dự án “Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Đó chính là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp chính quyền triển khai thực hiện các dự án, chương trình nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy hợp lý, có hiệu quả giá trị của khu di tích.
Quy hoạch không gian thiêng hành lễ; không gian hội; không gian du lịch sinh thái; xây dựng các khu vui chơi giải trí hợp lý cũng là những biện pháp quan trọng trong công tác bảo tồn di tích và hoạt động lễ hội.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!