Góp phần đưa diện mạo nông thôn ngày càng tươi đẹp, trù phú
Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (MTQG XDNTM) trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, có đóng góp không nhỏ của ngành ngân hàng. Các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt các chương trình tín dụng vốn và tích cực tham gia tài trợ xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho nhiều người dân, đưa diện mạo nông thôn ngày càng tươi đẹp, trù phú.
Nhiều hộ dân xã Giao An (Lang Chánh) được vay vốn ngân hàng đầu tư phát triển các mô hình nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thực hiện chương trình XDNTM, trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa (NHNN Thanh Hóa) đã tập trung chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động cân đối nguồn vốn, xây dựng kế hoạch huy động vốn, đầu tư cho vay chương trình XDNTM, trong đó, tập trung cho vay xây dựng cơ sở hạ tầng, các chương trình cho vay của Chính phủ như: Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; khuyến khích các tổ chức tín dụng phát triển mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch, mạng lưới ATM/POS đến vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, nông thôn...
Ngoài ra, đồng hành cùng Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các ngân hàng đã tập trung nguồn vốn cho vay lĩnh vực ưu tiên, doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất phục vụ phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở từng địa phương theo chuỗi giá trị, góp phần hoàn thành mục tiêu của Chương trình OCOP.
Đến nay, toàn tỉnh có 12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ XDNTM; 352/465 xã, 1.042 thôn, bản (trong đó có 700 thôn, bản miền núi) đạt chuẩn NTM; 75 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 12 xã, 302 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; bình quân toàn tỉnh đạt gần 18 tiêu chí/xã; có 317 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Đóng góp vào thành quả chung đó, nguồn vốn cho vay của ngân hàng giữ một vai trò quan trọng, là nguồn lực thúc đẩy XDNTM trên địa bàn nông thôn trong tỉnh. Đến hết ngày 15-3, dư nợ cho vay XDNTM của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đạt hơn 30.000 tỷ đồng. Chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn trong thời gian qua đã tạo điều kiện và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và XDNTM, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời, đầu tư tín dụng đối với khu vực nông thôn được điều chỉnh hợp lý, hiệu quả và an toàn hơn, tín dụng được tập trung vào cho vay theo mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao phục vụ xuất khẩu. Tại những xã có sử dụng vốn vay ngân hàng lớn, có thể thấy rõ kinh tế từng bước được cải thiện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực hơn, cơ sở hạ tầng phát triển, thu nhập bình quân đầu người tăng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm...
Cùng với nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ NHNN, nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã tạo điều kiện khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương; các tổ chức và cá nhân tại khu vực nông thôn phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững.
Thời gian tới, NHNN Thanh Hóa sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng đổi mới, áp dụng quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt phiền hà cho khách hàng vay vốn, nhưng vẫn bảo đảm an toàn vốn vay, nâng cao khả năng thẩm định, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn ngân hàng. Đồng thời, tập trung hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Ngành ngân hàng trong tỉnh cũng chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; kiểm soát cấp tín dụng ưu tiên cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo hướng khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động.