Góp phần hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ mới của trường đại học
Đây là nhận định của các diễn giả tại buổi Hội thảo 'Mô hình đại học khởi nghiệp và xu thế phát triển trong cách mạng công nghiệp 4.0', được tổ chức sáng ngày 25/7, thu hút hơn 100 khách mời.
Hội thảo được tổ chức bởi Công ty CP đầu tư Học viện khởi nghiệp Thành công (ISS), phối hợp với Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên, với sự tham gia của các khách mời là lãnh đạo trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh, các giảng viên, lãnh đạo các doanh nghiệp (DN), hiệp hội doanh nghiệp, hội, câu lạc bộ, hợp tác xã nghề nghiệp...
GS-TS. Nguyễn Thế Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường cho rằng, hiện nay, các trường đều hướng đến sự đổi mới để thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cũng như đổi mới để đào tạo ra nguồn nhân lực có thể đáp ứng nhu cầu của DN trong bối cảnh kinh doanh mới. Nhưng thay đổi như thế nào thì cần xem xét cho phù hợp với đặc trưng của từng trường.
Với vai trò là một trường đại học kỹ thuật, đào tạo bậc đại học và sau đại học các ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, quản lý tài nguyên, môi trường và phát triển nông thôn cho cả nước đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam, lãnh đạo Trường Đại học Nông Lâm luôn tìm kiếm những mô hình mới, sáng tạo nhằm tham khảo, chọn lọc để áp dụng thực tiễn cho phù hợp với định hướng phát triển của Trường. Mô hình đại học khởi nghiệp là một trong số đó.
Ông Đặng Đức Thành - Ủy viên Ban chấp hành Liên đoàn Thương mại và Công nghệ Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Câu lạc bộ Các nhà kinh tế (VEC), đánh giá, tỉnh Thái Nguyên có hơn 9.900 DN (Tính đến hết năm 2023), với quy hoạch 12 khu công nghiệp, 41 cụm công nghiệp... đây đang là nguồn lực chính đóng góp vào khoản thu ngân sách mỗi năm khoảng 20 ngàn tỷ đồng.
Nếu đẩy mạnh sự tăng trưởng cả về số lượng cũng như chất lượng DN trên địa bàn, sẽ tạo đột phá lớn trong sự phát triển kinh tế của địa phương. "Muốn làm được vậy, các trường đại học trên địa bàn Tỉnh không thể tách mình ra khỏi xu hướng đại học khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (ĐMST), đang phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới. Theo mô hình này, ngoài nhiệm vụ cơ bản là đào tạo và nghiên cứu, trường đại học còn phải góp phần hình thành các DN khởi nghiệp, ĐMST", ông Thành nói.
Trường đại học có lợi thế là hội tụ được nhiều nguồn lực, có khả năng kết nối nhiều thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST. Tận dụng được lợi thế này, trường đại học sẽ tạo ra được các DN khởi nghiệp có tỷ lệ thành công cao. Từ đó, các bên đều được hưởng lợi từ mô hình này.
TS. Ngô Đắc Thuần - Chủ tịch HĐQT Công ty CP IP Group cho rằng, khi phát triển mô hình đại học khởi nghiệp thành công, hoạt động sở hữu trí tuệ tại Việt Nam sẽ thay đổi rất nhiều. "Đại học khởi nghiệp là cái nôi để phát triển tài sản trí tuệ và từ đó tạo ra nhiều DN khởi nghiệp", ông nhấn mạnh.
Bà Phan Quý Trúc - Phó trưởng phòng Quản lý công nghệ và thị trường công nghệ - Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nhấn mạnh: “Mặc dù đã qua gần 7 năm phát triển nhưng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung đều có những hạn chế cần phải khắc phục và một trong những giải pháp đó chính là phát triển mô hình đại học khởi nghiệp”.
Bà cũng đã cung cấp thêm các kinh nghiệm của TP.HCM trong việc tận dụng những cơ hội từ Nghị quyết 98/2023/QH15 liên quan đến hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, ĐMST để tỉnh có thể tham khảo, cũng như những hoạt động đang triển khai để thúc đẩy mô hình đại học khởi nghiệp. Đặc biệt, bà nhấn mạnh rằng, sự hỗ trợ từ Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM hiện nay đang hướng tới cả các dự án, ý tưởng ở các địa phương, tỉnh thành khác, miễn là sau khi được đầu tư, các dự án này phải thành lập DN đặt tại TP.HCM và có tiến hành gọi vốn.
Ngoài ra, tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ nhiều thông tin về đại học khởi nghiệp như các thành phần trong một hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST; Mô hình Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội; Các chính sách hỗ trợ thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, ĐMST từ Nhà nước... Lắng nghe ý kiến của các đại diện DN về mô hình trường đại học khởi nghiệp.
Đại học khởi nghiệp là mô hình kết hợp giữa giáo dục đại học với khởi nghiệp và kinh doanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, phát triển công nghệ hoặc mô hình kinh doanh mới nhằm tạo ra một môi trường học tập có định hướng, đổi mới sáng tạo và ứng dụng thực tiễn cho sinh viên. Đây là một mô hình mới mà TP.HCM muốn hướng đến áp dụng cho các trường đại học.