Góp phần hình thành hạ tầng chất lượng quốc gia tập trung, thống nhất, đồng bộ, hiện đại

Cho ý kiến với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, cần làm rõ Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia, để làm cơ sở định hướng hoạt động tiêu chuẩn hóa phục vụ việc hình thành và phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia theo hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ, hiện đại.

Làm rõ sự cần thiết ban hành Chiến lược quy chuẩn hóa quốc gia

Theo Tờ trình của Chính phủ, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật hiện hành chưa quy định về Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia. Hiện nay, hoạt động tiêu chuẩn chưa phát huy được tính dẫn dắt, chủ đạo trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội do phần lớn việc xây dựng tiêu chuẩn căn cứ theo nhu cầu thực tại. Việc chưa có Chiến lược tiêu chuẩn hóa là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hoạt động tiêu chuẩn hóa chưa thực sự được quan tâm và có cách hiểu đúng, chưa thu hút sự tham gia đóng góp của toàn xã hội. Hoạt động tiêu chuẩn hóa vì thế cũng chưa thể hiện được đúng vai trò dẫn dắt, định hướng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, vùng kinh tế trọng điểm và địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tờ trình cũng nêu rõ, Việt Nam cần xây dựng Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia là nền tảng mang tính chủ đạo, định hướng phát triển lĩnh vực tiêu chuẩn, bảo đảm hoạt động tiêu chuẩn thể hiện tầm nhìn, kế hoạch tổng thể rõ ràng, xuyên suốt, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tuân thủ cam kết hội nhập quốc tế, phù hợp xu thế phát triển tiêu chuẩn quốc tế và các nước tiên tiến trong khu vực.

Do vậy, để triển khai hiệu quả Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia, dự thảo Luật bổ sung quy định, nội dung, nhiệm vụ của Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia làm cơ sở để định hướng hoạt động tiêu chuẩn hóa, phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia theo hướng tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Đồng thời, góp phần nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, bảo đảm phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, vùng kinh tế trọng điểm và địa phương.

Theo khoản 3, Điều 1 dự thảo Luật (bổ sung Điều 8a), Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia gồm: quan điểm, tầm nhìn và mục tiêu; các nhiệm vụ; giải pháp thực hiện; chương trình, đề án, dự án trọng điểm; kế hoạch, nguồn lực thực hiện).

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Nêu rõ, Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia là nội dung mới quan trọng được đưa vào dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, Chiến lược về tiêu chuẩn hóa quốc tế có giá trị chiến lược trong chính sách kinh tế của mỗi quốc gia. Tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2018, Tiểu ban Tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp cũng đã khuyến khích các quốc gia thành viên xây dựng Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia. Do đó, trong dự thảo Luật cần làm rõ sự cần thiết ban hành Chiến lược này, song mặt khác cũng cần lý giải vì sao chưa đặt vấn đề ban hành Chiến lược quy chuẩn hóa quốc gia?

Theo Báo cáo tổng kết thi hành Luật hiện hành, thì hoạt động xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam thời gian qua chưa được hoạch định và thực hiện một cách tổng thể, đủ tầm chiến lược. Các bộ, ngành hiện nay xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam theo kiểu "thiếu đâu thì bù đó", hoặc nếu có yêu cầu của Chính phủ thì đưa vào kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam, dẫn đến tình trạng có một số bộ, ngành xây dựng kế hoạch tiêu chuẩn Việt Nam bổ sung còn nhiều hơn kế hoạch, tiêu chuẩn Việt Nam hàng năm, thậm chí đôi khi còn chồng chéo, trùng đối tượng tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn Việt Nam.

Hiện nay, ngoài Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng Kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam, thì chưa có bộ, ngành nào xây dựng kế hoạch này trong thời gian 5 năm, chưa nói đến kế hoạch dài hạn là 10 năm hoặc 20 năm. Xuất phát từ thực tế này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đặt câu hỏi: Tại sao dự thảo Luật mới chỉ có Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia mà chưa đề cập tới việc cần có Chiến lược quy chuẩn hóa quốc gia? Nội dung của Chiến lược tiêu chuẩn hóa chỉ đề cập đến tiêu chuẩn quốc gia, còn quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thì sao? Vì thế, cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ có cần thiết ban hành Chiến lược quy chuẩn hóa quốc gia hay không?

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Qua theo dõi thực tế, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, cộng đồng doanh nghiệp phản ánh, các quy định hiện hành về quy chuẩn kỹ thuật còn những nội dung thiếu thống nhất và cách hiểu chưa rõ ràng. Điều này dẫn đến trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện có những vướng mắc nhất định. Đơn cử như quy chuẩn an toàn về phòng, chống cháy nổ của các công trình, hay quy chuẩn, điều kiện đầu tư kinh doanh về thóc, gạo…

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phản ánh tình trạng “giật cục” trong quá trình điều chỉnh các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; có những điều chỉnh "nhanh quá, sốc quá" mà không có lộ trình thực hiện hoặc không có quy định chuyển tiếp, gây khó khăn cho doanh nghiệp, làm tăng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh hàng hóa của các doanh nghiệp.

Từ thực tế nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị, dự thảo Luật lần này cần sửa đổi, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn.

Nghiên cứu bổ sung quy định về Cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia

Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Hiệp định TBT) yêu cầu các quốc gia thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình thông qua hoạt động của Cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia. Đây là cơ quan đại diện quốc gia thực hiện các hoạt động về tiêu chuẩn hóa cả trong và ngoài nước (theo quy định Chương 4, Phụ lục 3 Hiệp định TBT). Trong Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật hiện hành không quy định về cơ quan này. Tuy nhiên, việc thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan này được giao cho Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.

Thẩm tra nội dung này, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, việc quy định về Cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia trong Luật nhằm giúp cơ quan quản lý nhà nước thống nhất đầu mối trong kết nối hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; phối hợp liên bộ, liên ngành và địa phương trong hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và là đại diện, đầu mối quốc gia tham gia sâu vào các hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc tế là yêu cầu cấp thiết.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Quy định như vậy cũng phù hợp với 6 nhóm chính sách mới trong sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật lần này; kịp thời thể chế hóa Chỉ thị số 38-CT/TW là: “Tiếp tục kiện toàn tổ chức hoạt động cơ quan tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng theo hướng chỉ một đầu mối cấp quốc gia để quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng thống nhất từ Trung ương đến địa phương”. Đồng thời, không làm phát sinh bộ máy, biên chế, vì các nhiệm vụ của Cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia đang được giao cho Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ (nay được đổi tên thành Ủy ban Tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia), đáp ứng yêu cầu về tính chính danh cho cơ quan này trong phối hợp hoạt động với các bộ, ngành, địa phương cũng như tham gia hoạt động tiêu chuẩn hóa trong khu vực và quốc tế.

Pháp luật của các nước có nền sản xuất phát triển đều quy định về Cơ quan tiêu chuẩn hóa trong Luật, ví dụ một số nước như Indonesia, Hàn Quốc..., cơ quan này thuộc Chính phủ; ở Trung Quốc, cơ quan này cũng từng thuộc Chính phủ nhưng từ năm 2017, khi sửa đổi Luật Tiêu chuẩn hóa, cơ quan này thuộc Quốc hội.

Từ kinh nghiệm quốc tế nêu trên, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về cơ quan này trong dự thảo Luật, bảo đảm việc tuân thủ yêu cầu của Hiệp định TBT và thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của các quốc gia thành viên khi tham gia các hiệp định thương mại tự do.

Tán thành với ý kiến của cơ quan thẩm tra về các quy định liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thành đồng tình với việc quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về lĩnh vực quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật. Điều này có nghĩa, "chắc chắn Bộ Khoa học và Công nghệ phải là cơ quan làm đầu mối giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về việc này". Nhấn mạnh như vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, vai trò, trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng phải quy định rõ ràng, "gần như là cơ quan chủ trì, còn các bộ, ngành khác có thể ban hành những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành riêng.

Nhật An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/gop-phan-hinh-thanh-ha-tang-chat-luong-quoc-gia-tap-trung-thong-nhat-dong-bo-hien-dai-i384765/