Góp phần khẳng định vai trò của Công đoàn, biểu dương người lao động

Công nhân và Công đoàn là mảng đề tài lớn của văn chương, báo chí. Nhưng có thể trong một thời điểm nào đó, ở một vài nơi, mảng đề tài này vẫn chưa được phản ánh và khai thác tương xứng. Đối với những địa phương còn khó khăn, thị trường lao động chưa thật sự sôi động, thì các vấn đề của người lao động cũng ít được các phương tiện thông tin đại chúng chú trọng. Chính vì thế cuộc thi viết về Công nhân & Công đoàn Quảng Trị do Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị cùng Tạp chí Lao động & Công đoàn, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị đồng tổ chức là một dịp để bạn đọc hiểu hơn sự đóng góp của người lao động và tổ chức Công đoàn.

Khẳng định vai trò của Công đoàn

Hoạt động Công đoàn hầu như có mặt khắp các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp... Ở đâu có tập thể lao động thì ở đó có Công đoàn. Song, hoạt động của Công đoàn đôi khi còn bị chính những người lao động xem nhẹ. Phải đến khi gặp bất trắc, họ mới nhận ra vai trò lớn lao của Công đoàn như những “bà đỡ” đang âm thầm theo người lao động từng ngày.

Lễ trao giải Cuộc thi viết “Công nhân & Công đoàn Quảng Trị” và Video clip ca nhạc “Tự hào đoàn viên Công đoàn Quảng Trị” năm 2024 - Ảnh: H.C.D

Lễ trao giải Cuộc thi viết “Công nhân & Công đoàn Quảng Trị” và Video clip ca nhạc “Tự hào đoàn viên Công đoàn Quảng Trị” năm 2024 - Ảnh: H.C.D

Ta có thể nhận ra được điều này trong câu chuyện Những cuộc thương lượng tử tế (tác phẩm của Võ Khánh Linh) để biết thêm một loại văn bản độc đáo, do chính những người lao động tự lập nên, đó chính là “Bản thỏa ước lao động tập thể” - một công cụ quan trọng của tổ chức Công đoàn trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động, một cơ sở pháp lý đảm bảo mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, cùng nhau hợp tác vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Qua đó, tạo thêm lợi ích cho người lao động, giúp họ thêm tin tưởng, gắn bó với doanh nghiệp. Những bản “Thỏa ước lao động tập thể” ra đời đặt nền móng cho sự tử tế được dựng xây ngay chính trên sự tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau giữa doanh nghiệp và người lao động.

Bảo vệ quyền lợi của người lao động - một vấn đề không mới, thậm chí có từ trong xuất phát lịch sử của tổ chức Công đoàn. Thế nhưng, đó cũng là vấn đề chưa bao giờ cũ, nhất là trong thời đại hiện nay, khi mà sự công bằng được đặt lên hàng đầu để có được môi trường làm việc văn minh, hiện đại. Đâu đó vẫn còn bỏ ngỏ những sự đãi ngộ cần thiết với những ngành nghề nguy hiểm, nhạy cảm.

Quảng Trị, một mảnh đất đã bị chiến tranh tàn phá và hậu quả đến hôm nay vẫn còn dai dẳng, âm ỉ. Sau nửa thế kỷ hòa bình vãn hồi, hiểm họa trong lòng đất vẫn còn rình rập. Một đội ngũ đông đảo với gần 1.000 người lao động ở các dự án phi chính phủ trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực rà phá, xử lý bom mìn, vật nổ sau chiến tranh đang hoạt động tích cực, bất chấp hiểm nguy để mang lại sự thanh bình cho Quảng Trị. Thế mà, chế độ cho những người lao động dễ tổn thương này mãi đến đầu năm 2024 mới có được. Sau bao chờ đợi, cuối cùng, nhiệm vụ hằng ngày của họ đã được bổ sung vào danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Từ đây, người lao động được hưởng nhiều quyền lợi về thời gian làm việc, nghỉ phép, chế độ hưu trí, ốm đau... Làm nghề này, phụ nữ mang thai có thể được chuyển sang một công việc nhẹ, an toàn hơn hoặc giảm bớt thời gian lao động hằng ngày. Chế độ đãi ngộ ấy có thể chưa tương thích với sự đánh đổi tính mạng của họ, nhưng ít ra, nó đã mang đến Làn gió lành đối với những người “săn thần chết” (như cách nói của tác giả Trương Quang Hiệp).

Để có được một chế độ đãi ngộ nghề nghiệp, không phải chuyện ngày một ngày hai, cũng không phải đến từ một mong muốn của đôi ba cá nhân, mà rõ ràng đó là cả quá trình với sự tham gia tích cực, quan trọng của Công đoàn. Công đoàn luôn đứng đằng sau người lao động, ủng hộ và góp tiếng nói quan trọng để giúp người lao động bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Một cô giáo dạy trẻ khuyết tật phát biểu những tâm tư nguyện vọng trong cuộc tiếp xúc với lãnh đạo tỉnh rất tự tin, bởi đồng hành với cô còn có một tổ chức. Cô chia sẻ: "Mình giảng dạy học sinh bao nhiêu năm, nhưng khi đứng ở hội trường có rất đông người lao động và lãnh đạo tỉnh tham dự, cũng có run run. Nhưng nhớ lời dặn của anh chị em cán bộ Công đoàn, là cứ yên tâm, có cán bộ Công đoàn luôn sát cánh, nên mình đã nêu lên kiến nghị". Công đoàn đã cùng người lao động gióng lên một hồi chuông để Đánh thức chế độ cho người lao động sau nhiều năm... ngủ quên (tác phẩm của Thiên Sơn - Trần Diễm - Ly Na).

Lấp lánh vẻ đẹp người lao động

Tuy là một cuộc thi mang tính báo chí, nhìn đề tài có vẻ “khô”, nhưng những câu chuyện từ các cây bút chuyên và không chuyên mang đến lại giúp bạn đọc nhìn thấy vẻ đẹp lấp lánh của người lao động. Họ không chỉ làm việc như một nhu cầu mưu sinh, mà bên cạnh đó còn có cả sự sáng tạo để đóng góp tốt nhất cho đơn vị, cho ngành nghề, cho địa phương còn nhiều khó khăn.

Ở ngành y tế, ta gặp một Bùi Thị Vân Anh - nữ bác sĩ chữa lành cửa sổ tâm hồn (tác phẩm của Bội Nhiên). Trong điều kiện ngành y tế tỉnh nhà còn nhiều khó khăn, vị bác sĩ đã nghiên cứu và tiến hành các kỹ thuật hiện đại, giúp ích cho bà con rất nhiều.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Trị Nguyễn Thế Lập (ngoài cùng bên phải) và TBT Tạp chí Lao động & Công đoàn Trần Duy Phương (ngoài cùng bên trái) trao 2 giải Nhất cuộc thi viết về Công nhân & Công đoàn Quảng Trị. - Ảnh: H.C.D

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Trị Nguyễn Thế Lập (ngoài cùng bên phải) và TBT Tạp chí Lao động & Công đoàn Trần Duy Phương (ngoài cùng bên trái) trao 2 giải Nhất cuộc thi viết về Công nhân & Công đoàn Quảng Trị. - Ảnh: H.C.D

Cũng trong môi trường bệnh viện, người kỹ sư chứng kiến các kỹ thuật viên, y bác sĩ và bệnh nhân phải mất rất nhiều thời gian chờ đợi bởi máy móc, thiết bị y tế bị hư hỏng do sử dụng quá tải, hoặc một số thiết bị vận hành còn mang tính thủ công, chưa tận dụng được tối đa công năng. Và thế là anh kỹ sư đã đã ngày đêm nghiên cứu, đưa ra các giải pháp, sáng kiến tốt nhất giúp người bệnh được cứu chữa kịp thời và làm lợi hàng tỉ đồng cho bệnh viện (Cán bộ y tế say mê sáng tạo vì sức khỏe nhân dân, tác phẩm của Hoài Nam).

Những “cây sáng kiến” đã mọc lên trên nhiều mảnh đất, nhiều lĩnh vực. Một thạc sĩ - Cây sáng kiến không mệt mỏi ở Điện lực Quảng Trị (tác phẩm của Nguyễn Luận - Trường Sơn) - với những sáng tạo đột phá, áp dụng trí tuệ nhân tạo vào công việc đã làm lợi hàng chục tỉ đồng. “Sáng kiến không chỉ là đam mê mà còn là trách nhiệm”, từ suy nghĩ ấy, một Cây sáng kiến của ngư dân Quảng Trị (tác phẩm của Trúc Phương) đã có nhiều sáng tạo hữu ích để tăng năng suất khai thác thủy sản. Không dừng lại ở đó, anh còn chủ động nghiên cứu và ứng dụng có hiệu quả máy thông tin liên lạc trên tàu cá xa bờ tỉnh Quảng Trị để thuyền trưởng nắm bắt thông tin chính xác về thời tiết, cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới, thông tin cứu hộ cứu nạn. Anh còn xây dựng hệ thống giám sát hành trình tàu cá nhằm theo dõi, ngăn chặn tàu cá hoạt động vi phạm vùng biển nước ngoài.

Thật đúng là “cái khó ló cái khôn” như thành ngữ dân gian vẫn nói. Và thêm nữa, trong khó khăn con người còn phát lộ thêm bản chất thiện lương vốn sẵn, một thứ mà ngày nay đôi khi bị chúng ta lãng quên. Sự thiện lương ấy có thể là từ một người lao động nghèo trên đường đi làm về nhặt được túi vàng rồi tìm cách trả lại cho người đánh rơi. Nhân vật chị Tuyên người thật việc thật ấy trong Chuyện ghi ở Tổng công ty Thương mại Quảng Trị (tác phẩm của Phạm Xuân Dũng) khiến ta xúc động. Câu chuyện này cũng có hậu, bởi ngay sau hành động đẹp ấy thì Công ty Thương mại Quảng Trị, nơi chị Tuyên làm việc đã hỗ trợ xây dựng cho chị căn nhà Mái ấm Công đoàn. Ấy là một tưởng thưởng xứng đáng, một nghĩa cử trọn vẹn để củng cố niềm tin cho bạn đọc, rằng xung quanh ta người tốt vẫn còn nhiều.

Mỗi người tốt là một bông hoa đẹp, một bông hoa đẹp sẽ lan tỏa sắc hương cho vườn hoa cuộc đời. Mỗi người góp một chút tình yêu thì cuộc đời tự nhiên đẹp thêm. Mỗi người chia sẻ một chút tình thương thì cộng đồng bớt đi những tổn thương. Câu chuyện của cô giáo Nguyễn Thị Tình - Người mang lớp học “đặc biệt” đến với trẻ tự kỷ (tác phẩm của Sông Quê) có thể gói gọn trong một câu nói của chính cô, rằng: “Mang lại niềm vui và hạnh phúc cho trẻ là mục tiêu mà tôi đã đặt ra khi trở thành một nhà giáo”.

Nhân lên những việc làm tử tế

Rất nhiều những câu chuyện về tình yêu thương đã được kể trong cuộc thi lần này. Điều đó cho thấy sự tử tế được đề cao, coi trọng. Dù một số bài có thể cách viết chưa thật chuyên nghiệp, nhưng chính sự nghiệp dư lại mang đến cảm xúc chân thật. Tác giả Nguyễn Đức Thông gửi đến một tác phẩm với tiêu đề giản dị là Công đoàn xã Vĩnh Ô giúp gia đình dân tộc thiểu số thoát nghèo. Thoạt lướt qua, ta tưởng chuyện chỉ có thế, gói gọn trong một câu tít bài đã xong xuôi hết nội dung. Nhưng hãy đọc câu chuyện này, bởi chuyện được viết như một... truyện ngắn có thật và có hậu. Bắt đầu từ một vụ cháy nhà của người đồng bào dân tộc thiểu số, khó khăn chồng chất khó khăn. Người cán bộ Công đoàn ngay lập tức đã có mặt và kêu gọi mọi người cùng xây dựng lại căn nhà cho đồng bào. Chưa hết, cán bộ Công đoàn lại giúp gia đình kia có công ăn việc làm ổn định để thoát nghèo. Thật đúng như dân mình nói “thương thì thương cho trót”, giúp người tới nơi tới chốn như vậy quả đáng quý biết bao.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Trị Nguyễn Thế Lập trao giải cho 3 tập thể có nhiều bài thi chất lượng và nhạc sĩ Trần Minh Hải - người sáng tác ca khúc mới về Công đoàn - Ảnh: H.C.D

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Trị Nguyễn Thế Lập trao giải cho 3 tập thể có nhiều bài thi chất lượng và nhạc sĩ Trần Minh Hải - người sáng tác ca khúc mới về Công đoàn - Ảnh: H.C.D

Một người phụ nữ hoàn cảnh khó khăn, chồng đau ốm liên miên phải đi bệnh viện hằng tháng, nhưng chị đã được công ty tạo điều kiện làm việc và hỗ trợ nhiều chế độ. Đấy chính là ánh lân tinh Lấp lánh yêu thương dưới “mái nhà Gỗ Nguyên Phong” (tác phẩm của Trường Sơn - Nguyễn Luận). Hay một câu chuyện khác, những người tham gia sản xuất trên miền cao phố núi Lao Bảo được công ty đài thọ nơi ăn ở, ổn định cuộc sống, mang đến Niềm vui của người lao động dưới “mái ấm Super horse” (Yên Mã Sơn).

Rõ ràng bên cạnh người lao động là đồng nghiệp luôn sẻ chia, phía sau người lao động là tập thể luôn sẵn sàng hỗ trợ. Giữa tận cùng khốn khó và bi đát, một thầy giáo nghèo đã không bỏ cuộc bởi được tiếp sức trên hành trình gian nan chiến đấu với bệnh tật, tiếp tục nuôi hy vọng sống và cống hiến trong sự nghiệp gieo chữ, trồng người. Phía sau hành trình ấy là lấp lánh suối nguồn thương yêu, thấu hiểu từ nhà trường và toàn thể đồng nghiệp trong Công đoàn. Thầy giáo ấy Không đơn độc trong “bão giông” (tác phẩm của Bảo Hà).

Nhiều tác phẩm dự thi đã kết hợp báo chí đa phương tiện với hình ảnh phong phú, video clip sinh động. Đơn vị tổ chức là tạp chí Lao động & Công đoàn cũng đã kỳ công thực hiện các bài điện tử dạng E-magazine, Longform để hấp dẫn người đọc, người xem. Những điểm mới này của cuộc thi phù hợp với tình hình báo chí hiện đại và xu thế bạn đọc thời 4.0.

Một cuộc thi thời gian ngắn thì số lượng có thể bị hạn chế, nhưng không vì thế mà chất lượng giảm. Ít nhiều qua cuộc thi này, ta có thể thấy những vấn đề khẩn thiết nhất của người lao động trên địa bàn Quảng Trị đã được đặt ra, được giải quyết và có hiệu quả. Qua đó, cuộc thi đã góp phần đánh thức sự quan tâm đến hoạt động Công đoàn, biểu dương người lao động.

Hoàng Công Danh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/gop-phan-khang-dinh-vai-tro-cua-cong-doan-bieu-duong-nguoi-lao-dong-187585.htm