Góp phần khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số
Sau một thời gian tích cực triển khai thực hiện Dự án 6 về 'Bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch' thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, đến nay, dự án đã góp phần khơi dậy tình yêu giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.
Trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các huyện đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Dự án 6 trên địa bàn toàn tỉnh phù hợp với tình hình thực tế, được thực hiện theo quan điểm phân cấp và giao quyền tối đa cho địa phương. Đối với những nội dung cơ sở thực hiện được thì giao 100% cho cơ sở, những nội dung mới, mang tính chất liên vùng, liên ngành thì do tỉnh thực hiện.
Với mục tiêu, ý nghĩa thiết thực là góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc, dự án nhận được sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương và sự đồng tình, hưởng ứng cao của Nhân dân. Từ đó, nhiều hoạt động về sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống được thực hiện. Các thiết chế văn hóa vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa được đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa theo hướng chuẩn hóa, trang thiết bị bên trong nhà văn hóa được trang cấp, tổ chức hoạt động bước đầu đã có sự đổi mới, phát huy được hiệu quả.
Công tác đào tạo đội ngũ những người hoạt động văn hóa, nghệ thuật vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa được chú trọng. Một số di sản văn hóa của vùng đồng bào các DTTS được tôn vinh. Các đội văn nghệ truyền thống tại các thôn vùng đồng bào DTTS&MN được thành lập và được tổ chức hoạt động sôi nổi vào các dịp lễ hội, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội của các địa phương. Các làng nghề thủ công truyền thống của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô được khôi phục, gìn giữ... góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, xúc tiến phát triển du lịch tại địa phương.
Với vai trò đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện Dự án 6, để nâng cao kiến thức, kỹ năng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cho nghệ nhân, hạt nhân văn hóa truyền thống, từ năm 2021-2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức 4 lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ tại các địa phương vùng đồng bào DTTS với 120 học viên tham gia. Hỗ trợ hoạt động cho 2 đội văn nghệ truyền thống của xã A Bung, xã Tà Rụt, huyện Đakrông với tổng kinh phí 150 triệu đồng.
Xây dựng nội dung, xuất bản 2 phim tư liệu về văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS với nội dung: Hành trình cây lúa nước của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Tham gia Ngày hội Giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ III tại tỉnh Điện Biên, Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung tại tỉnh Bình Định năm 2023 với sự tham gia của 30 nghệ nhân, diễn viên quần chúng người đồng bào DTTS.
Thực hiện hỗ trợ trang thiết bị tại 7 thôn của xã Tà Rụt với tổng kinh phí 210 triệu đồng. Hỗ trợ xây dựng 25 tủ sách cộng đồng cho các xã tại vùng đồng bào DTTS. Thực hiện việc kiểm kê, khảo sát các giá trị văn hóa DTTS tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Hiện sở đang triển khai thực hiện hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá rộng rãi văn hóa truyền thống tiêu biểu của các DTTS, chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch; xây dựng 2 pano tuyên truyền quảng bá du lịch miền núi, đồng bào DTTS tại huyện Hướng Hóa và huyện ĐaKrông. Bên cạnh đó, phối hợp với UBND huyện Hướng Hóa, Đakrông tổ chức hội thi thể thao các DTTS tỉnh Quảng Trị lần thứ I và thứ II. Hoàn thành 1 chuyên mục ký sự về du lịch miền núi.
Ở các địa phương có đồng bào DTTS sinh sống như: Hướng Hóa, Đakrông, Vĩnh Linh, Gio Linh và Cam Lộ, việc triển khai thực hiện Dự án 6 cũng đã mang lại nhiều kết quả đáng kể. Điển hình như ở Hướng Hóa, địa phương tổ chức phục dựng lễ hội Mừng lúa mới của đồng bào Vân Kiều tại thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng và lễ hội Mừng lúa mới của đồng bào Pa Kô tại xã Lìa; xây dựng được 6 câu lạc bộ văn hóa dân gian; hoàn thành việc kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa dân ca, dân vũ và dân nhạc của các DTTS...
Các địa phương có những cách làm hay, sáng tạo như: quan tâm tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể; tuyên truyền quảng bá du lịch và bản sắc văn hóa các dân tộc; hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị cho các thôn bản vùng đồng bào DTTS&MN.
Tổ chức ngày hội, giao lưu, liên hoan về các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống của đồng bào DTTS. Hỗ trợ đồng bào DTTS thành lập những mô hình hoạt động thiết thực như các câu lạc bộ (CLB) cồng chiêng, CLB văn nghệ dân gian..., hỗ trợ trang phục, nhạc cụ phục vụ khôi phục bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống. Hỗ trợ tủ sách cộng đồng phục vụ nhu cầu đọc sách cho người dân vùng đồng bào DTTS...Thông qua các hoạt động nói trên, công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hóa của các DTTS ở Quảng Trị đã có bước phát triển mới về quy mô cũng như chiều sâu.
Mặc dù quá trình triển khai thực hiện còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc nhưng với sự nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, địa phương và sự tham gia tích cực của người dân vùng dự án, Dự án 6 đã góp thúc đẩy phát triển phong trào gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc ở vùng đồng bào DTTS&MN. Đồng thời, góp phần quảng bá các loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của các địa phương, tạo đà cho du lịch của Quảng Trị phát triển bền vững.