Góp phần nâng cao giá trị nông sản địa phương

Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) được ngành chức năng và các huyện, thành phố trong tỉnh tích cực triển khai đã có thành công bước đầu, từng bước khai thác được tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương và góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.

Với điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, giống lúa Séng cù gieo cấy ở xã Mường Vi (Bát Xát) có chất lượng khá ngon, được người dân bảo tồn và phát triển với diện tích khoảng 160 ha. Tuy nhiên, do phương thức canh tác lạc hậu, cách bảo quản, chế biến sau thu hoạch hạn chế nên chất lượng sản phẩm và giá trị hàng hóa thấp, chưa tạo thành vùng nguyên liệu ổn định, sản phẩm thường bị tư thương ép giá.

Gạo Séng cù Mường Vi được truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Gạo Séng cù Mường Vi được truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Nắm được nhu cầu thị trường, năm 2014, Hợp tác xã Tiên Phong Mường Vi được thành lập đã đẩy mạnh liên kết với các hộ để sản xuất, tạo thành vùng nguyên liệu ổn định, đồng thời liên kết với các chuỗi phân phối sản phẩm tại các tỉnh, thành phố lớn để đưa gạo Séng cù đến với nhiều người tiêu dùng. Khi triển khai Chương trình OCOP, Hợp tác xã Tiên Phong Mường Vi cùng nông dân xây dựng thành công mô hình chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gạo Séng cù an toàn. Nhờ đó, năng suất lúa luôn đảm bảo, chất lượng gạo thơm ngon và sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc theo Chương trình OCOP khi xuất bán, từng bước khẳng định được thương hiệu, tạo niềm tin cho người tiêu dùng...

Trao đổi với phóng viên, ông Cao Xuân Diễn, Giám đốc Hợp tác xã Tiên Phong Mường Vi cho biết: Các sản phẩm gạo của hợp tác xã đều tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm. Tất cả lượng thóc sau thu hoạch tại xã Mường Vi được đơn vị đứng ra thu mua kịp thời theo giá thị trường nên không còn hiện tượng bị tư thương ép giá như trước đây. Trung bình mỗi năm, Hợp tác xã cung ứng ra thị trường hơn 300 tấn gạo Séng cù các loại, trong đó gần 70% sản lượng tiêu thụ ngoài tỉnh.

Chị Trần Thị Xuân, ở thôn Lâm Tiến, xã Mường Vi (Bát Xát) cho biết: Từ khi thực hiện liên kết sản xuất 13 sào giống lúa Séng cù với Hợp tác xã Tiên Phong Mường Vi, gia đình tôi được cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc lúa, sử dụng phân bón và phòng, trừ sâu bệnh, đồng thời được ký hợp đồng thu mua, bao tiêu sản phẩm. Nhờ đó, năng suất lúa của gia đình cao hơn trước đây, giá bán tăng và ổn định.

Năm 2013, 150 hộ ở các tổ dân phố 12, 13, 14, thị trấn Sa Pa (Sa Pa) cũng liên kết với nhau, thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Hoa Ðào để sản xuất quả su su chất lượng cao, mang thương hiệu Sa Pa. Các hộ tham gia tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Mỗi năm, hợp tác xã cung ứng cho thị trường Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hải Phòng… khoảng 7.000 tấn quả su su tươi. Từ khi tham gia Chương trình OCOP và được xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu sản phẩm quả su su Sa Pa, nông sản này tăng giá và trung bình đạt 2.000 đồng/kg, giúp nông dân thu lợi khoảng 14 tỷ đồng/năm. Bà Đỗ Thị Liên, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Hoa Đào cho biết: Quả su su Sa Pa đã có thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh nên việc tiêu thụ thuận lợi và giá tương đối ổn định.

Cây bưởi Múc cũng được xác định là một trong những loại cây ăn quả chủ lực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển kinh tế nông hộ ở xã Thái Niên (Bảo Thắng). Khi được hỗ trợ về giống, kỹ thuật từ các cơ quan chuyên môn của huyện, từ năm 2015 đến nay, nhiều hộ trong xã đã cải tạo vườn tạp, đưa cây bưởi Múc vào trồng thay thế cây ăn quả hiệu quả kinh tế thấp (nhãn, vải) và mở rộng diện tích trên nương, đồi trước đây trồng ngô, sắn. Ông Vũ Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Niên cho biết: Sản phẩm quả bưởi Múc trồng tại địa phương được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến bởi năm 2017, bưởi Múc đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp nhãn hiệu tập thể độc quyền. Đặc biệt, người dân đã cơ bản làm chủ khoa học - kỹ thuật trong chăm sóc, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Mới đây, UBND tỉnh phê duyệt sản phẩm bưởi Múc của Hợp tác xã bưởi Múc Thái Niên (Bảo Thắng) đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh. Đây là cơ hội cho bưởi Múc tiếp tục “con đường” chinh phục thực khách gần xa và nâng cao giá trị kinh tế. Hiện tại, trong tổng số 234 ha cây ăn quả của xã Thái Niên, có gần 198 ha bưởi Múc, còn lại là na và một số cây ăn quả khác. Giá trị thu nhập từ cây ăn quả đạt trên 14 tỷ đồng/năm, trong đó cây bưởi Múc đạt gần 10 tỷ đồng.

Bưởi Múc luôn được người tiêu dùng ưa chuộng.

Bưởi Múc luôn được người tiêu dùng ưa chuộng.

Sau một thời gian triển khai thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Lào Cai giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2030”, đến nay, tỉnh đã phê duyệt 27 sản phẩm thuộc 2 nhóm ngành là thực phẩm và đồ uống đạt từ 3 sao cấp tỉnh trở lên. Ngoài ra, các huyện, thành phố đã tổ chức đánh giá với gần 70 sản phẩm cấp huyện.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: Thực hiện Chương trình OCOP, các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã đã tích cực vào cuộc, khai thác tiềm năng, lợi thế để sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng, có giá trị kinh tế cao, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới và thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Giai đoạn tiếp theo của Chương trình OCOP, tỉnh xác định tiếp tục khơi dậy sự sáng tạo của người dân để có nhiều sản phẩm thế mạnh tham gia OCOP và tiếp tục xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại, đào tạo nhân lực... Mục tiêu đưa OCOP thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng để phát triển tập trung, quy mô lớn trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa nông nghiệp, phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn và khu vực đô thị; phát triển các hình thức tổ chức, kinh doanh, ưu tiên hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ du lịch có lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế; thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020... Theo đó, giai đoạn 2018 - 2020, Lào Cai nâng cấp, phát triển 60 sản phẩm thế mạnh hiện có của các địa phương, phát triển mới 30 sản phẩm, củng cố 30 tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm thế mạnh của địa phương, phát triển 15 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP; giai đoạn 2021 - 2030, phát triển mới ít nhất 200 sản phẩm OCOP và 85 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP, tạo ra 100 tổ chức kinh tế OCOP...

Viết Vinh

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/gop-phan-nang-cao-gia-tri-nong-san-dia-phuong-z3n20190912083603892.htm