Góp phần phát triển lớp doanh nhân kế cận
Lần đầu tại Việt Nam, một học viện đào tạo doanh nhân thế hệ F2 của các công ty gia đình đã được thành lập với mục đích đào tạo những người kế nghiệp, sẵn sàng cho việc chuyển giao trong tương lai.
Lần đầu tại Việt Nam, một học viện đào tạo doanh nhân thế hệ F2 của các công ty gia đình đã được thành lập với mục đích đào tạo những người kế nghiệp, sẵn sàng cho việc chuyển giao trong tương lai.
Đó là Học viện F2 Sao Đỏ. Khóa thử nghiệm đầu tiên của học viện gồm 20 học viên là thế hệ F2 của các doanh nhân nổi tiếng Việt Nam. Tham gia giảng dạy, truyền đạt kỹ năng tại học viện không chỉ có các giảng viên đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu trong cả nước mà còn có những người đứng đầu các tập đoàn lớn và cũng chính là thế hệ F1 của học viện. Khóa đào tạo dự kiến kéo dài hai năm theo hình thức EduNext Platfom, sau đó sẽ được nhân rộng.
Quá trình 35 năm đổi mới của đất nước đã hình thành nhiều thế hệ doanh nhân Việt Nam, nhất là kể từ khi Luật Doanh nghiệp (DN) được Quốc hội phê chuẩn năm 1999 và có hiệu lực từ năm 2000. Từ chỗ có chưa đến 40 nghìn DN tư nhân ở thời điểm năm 2000, đến nay, cả nước đã có hơn 850 nghìn DN, trong đó, có những tập đoàn tư nhân quy mô lớn, kinh doanh đa ngành, được chèo lái bởi những tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam. Để nối tiếp truyền thống gia đình và chuẩn bị cho tương lai, lớp doanh nhân sáng lập đã định hướng cho những người kế nghiệp vào môi trường đào tạo và làm việc tốt nhất, như du học ở các trường đại học nổi tiếng trên thế giới, sau đó vào làm việc tại các tập đoàn có tên tuổi hoặc làm việc trong chính tập đoàn gia đình…
Thế nhưng, chừng đó là chưa đủ cho nghề doanh nhân. Thống kê trên thế giới cho thấy, chỉ có không đến 3% số DN gia đình tồn tại đến thế hệ thứ tư. Điều này cho thấy, công ty gia đình thường phát huy tốt khi ở quy mô nhỏ và vừa và thách thức lớn đối với các công ty gia đình không chỉ ở việc nối dài đam mê, khát vọng kinh doanh mà còn ở năng lực quản trị DN. Bởi vậy, các tập đoàn lớn trên thế giới với tuổi đời hàng trăm năm đều có kế hoạch đào tạo lực lượng kế nghiệp ngay từ khi thế hệ F1 còn rất nhỏ. Với đặc thù bước vào kinh tế thị trường chưa đủ lâu, Việt Nam chưa có một mô hình, chương trình đào tạo bài bản, khoa học và chuyên biệt về lĩnh vực này khiến cho việc thiếu hụt lớp doanh nhân kế cận trở thành vấn đề đáng lo ngại. Những doanh nhân tạo dựng được cơ nghiệp nghìn tỷ luôn đau đáu về vấn đề này và đại dịch Covid-19 có thể xem như một hồi chuông thức tỉnh cho DN gia đình về tính cấp thiết trong việc đẩy nhanh quá trình hoàn thiện và kích hoạt kế hoạch chuyển giao cho hoạt động kinh doanh trong giai đoạn bình thường mới, bảo đảm DN ứng phó tốt với các tình huống bất ngờ, khó dự đoán trong tương lai.
Kinh doanh chưa bao giờ là việc dễ dàng, xây dựng DN lớn có thể trường tồn hàng trăm năm qua nhiều thế hệ doanh nhân không chỉ là bài toán khó đối với các gia tộc mà còn là thách thức đối với bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Bằng việc thành lập Học viện F2 Sao Đỏ, hy vọng khoảng trống về kế nghiệp sẽ được lấp đầy, góp phần bảo đảm tương lai phát triển của các DN.