Góp phần phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới
Hội Làm vườn (HLV) các cấp trong tỉnh không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế (vườn - ao - chuồng) VAC quy mô hộ gia đình và trang trại, vận động hội viên ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế VAC hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP, góp phần phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM).
Xác định phong trào phát triển kinh tế VAC góp phần thực hiện mục tiêu xóa nghèo và làm giàu cho nông dân trong xây dựng NTM, đặc biệt là hoàn thành các tiêu chí về vườn mẫu NTM, vườn mẫu nâng cao, HLV các cấp xây dựng các mô hình VAC, câu lạc bộ chuyên ngành, hình thành vùng nông sản hàng hóa chất lượng cao, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Hội phối hợp triển khai các hoạt động đào tạo chuyển giao tiến bộ kỹ thuật xây dựng phát triển kinh tế VAC (vườn rừng, vườn quả, vườn cây công nghiệp, vườn rau, hoa, củ quả)… trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao và có lợi thế để sản xuất các sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Mở lớp tập huấn, từ “lớp học hội trường” chuyển sang “lớp học hiện trường” lấy hội viên làm trung tâm, phát huy tốt khả năng tương tác giữa các hội viên với chủ trang trại, gia trại, chủ mô hình; giao lưu, trao đổi giữa các hội viên với các báo cáo viên về các lĩnh vực giống cây, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, bảo quản, chế biến, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Năm 2023, HLV tỉnh tổ chức 10 lớp tập huấn về nuôi ong mật, nuôi dê Boer, tạo tán chăm sóc cây ăn quả, nuôi ốc bươu đen và cá da trơn, cải tạo vườn tạp phục tráng cây mận máu, nhân giống ăn quả và các biện pháp phòng bệnh cho trâu, bò. Phối hợp với Văn phòng điều phối xây dựng NTM tuyên truyền xây dựng NTM, kết hợp tập huấn kỹ thuật phát triển kinh tế tại xã Bảo Toàn (Bảo Lạc), Lý Quốc (Hạ Lang), Bạch Đằng (Hòa An); tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm sản xuất VAC hữu cơ, VAC tuần hoàn tại HLV tỉnh Nghệ An; tham quan mô hình trồng, chăm sóc và thu hoạch cây gai xanh, tại tập đoàn An Phước, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Các cấp HLV phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức 47 lớp tập huấn ứng dụng các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất với 2.018 lượt người tham gia.
HLV cung cấp cho hội viên, nông dân nhiều tài liệu, tạp chí làm kinh tế vườn, cung cấp thông tin về nhu cầu giống cây, con giống cho các cơ sở dịch vụ, xây dựng kế hoạch sản xuất và cung ứng cây con giống phục vụ sản xuất cho hội viên, nhân dân, hướng dẫn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả, cây lâm nghiệp, chăn nuôi thú y, kỹ thuật làm vườn trên đất dốc... Năm 2023, các cấp Hội cung ứng 39.690 cây giống ăn quả các loại, 590.700 cây lâm nghiệp. Cung ứng các loại vật tư kỹ thuật phục vụ phong trào VAC của địa phương như: túi bọc quả, túi bầu, thuốc dấm quả, thuốc kích thích ra rễ, dao ghép, kéo cắt cành…; hỗ trợ duy trì củng cố các vườn ươm hộ gia đình về giống cây ăn quả, cây lâm nghiệp, góp phần đáp ứng nhu cầu cây giống cho sản xuất.
Các cấp HLV vận động các hộ gia đình hội viên, nhân dân có đủ điều kiện, lập dự án vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội đầu tư các mô hình VAC, xây dựng thành mô hình điểm ở các vùng sinh thái, như: HLV huyện Quảng Hòa xây dựng mô hình cây mắc ca diện tích 4 ha, cây trám đen ghép 10 ha; HLV huyện Hà Quảng xây dựng mô hình cây lê Đài Loan, vịt siêu trứng Đại xuyên quy mô 1.100 con, gà hướng trứng an toàn quy mô 1.200 con; mô hình nuôi dê Boe, giống Nam Phi, hình thức gia trại của hội viên Hoàng Tiến Quân, phường Sông Bằng (Thành phố); mô hình nuôi ốc bươu đen và cá da trơn của hội viên Mã Văn Chung, xã Đại Tiến (Hòa An).
Cùng với vận động hội viên thay đổi thói quen, tập quán trong thâm canh cải tạo vườn tạp, ao hoang, chuồng cũ thành hệ thống VAC theo mô hình chuyên canh bảo đảm khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới, có năng suất cao, giá trị thu nhập lớn vào sản xuất, Hội còn vận động hội viên tổ chức sản xuất theo tổ, nhóm và các câu lạc bộ chuyên ngành, tập trung ở các chủ trang trại, những nông dân có chung ngành nghề sản xuất, cùng mục tiêu. Điển hình như Câu lạc bộ nuôi ong mật Đề Thám (Thành phố) được thành lập từ năm 2013, ban đầu chỉ có 5 hội viên, đến nay có 22 hội viên. Người biết nhiều truyền kinh nghiệm cho người biết ít, đến gia đình “cầm tay chỉ việc” nên dần dần các hội viên đều có kiến thức cơ bản để nuôi ong. Mỗi hội viên hiện nuôi từ 10 - 40 đàn ong, mỗi năm câu lạc bộ thu từ 2.000 - 4.000 lít mật. Nhiều câu lạc bộ trang trại chuyên ngành hoạt động hiệu quả như mô hình VAC của gia đình ông Ma Văn Lê, xã Minh Tâm (Nguyên Bình), trồng cây ăn quả, nuôi lợn nái kết hợp với nuôi cá. Mỗi năm ông nuôi từ 4 - 5 con lợn nái, đàn lợn con được nuôi làm lợn thịt, bình quân mỗi năm cung cấp cho thị trường 1 tấn lợn hơi. Ngoài nuôi lợn, ông nuôi 2.000 con cá rô, chép trên diện tích 1.000 m2 mặt nước; trồng trên 500 gốc thanh long, 12 cây nhãn, 200 cây cam, quýt, bưởi và 110 trụ thanh long… Bình quân mỗi năm, thu nhập sau khi trừ chi phí của gia đình đạt trên 200 triệu đồng.
Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, nhân rộng các mô hình VAC cho hiệu quả kinh tế cao là hướng đi tích cực của Hội, từ đó thu hút nhiều nông dân tham gia sinh hoạt, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Từ hiệu quả hoạt động, các hội viên tích cực tham gia sinh hoạt hội, hưởng ứng các phong trào thi đua do hội phát động, đóng góp đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước và xã hội, ngày càng tin tưởng, gắn bó với tổ chức Hội. Đến nay, toàn tỉnh có 75 xã, phường, thị trấn có tổ chức Hội và 279 chi hội với 4.460 hội viên, trong đó có 7 chi hội trực thuộc Tỉnh hội.
Theo Chủ tịch HLV tỉnh Nguyễn Sinh Cung, để khai thác tiềm năng của địa phương trong phát triển kinh tế theo mô hình VAC, Hội tiếp tục triển khai các lớp tập huấn theo phương thức “lớp học hiện trường”; tổ chức các đợt tham quan các tỉnh bạn có nhà máy chế biến nông sản; phối hợp với các hội đoàn thể đẩy mạnh phong trào làm kinh tế VAC, kinh tế trang trại, gia trại ở cơ sở. Tham mưu phát triển kinh tế VAC gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng NTM, xây dựng Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”…