Góp phần phục hồi chủng loại cá có nguy cơ tuyệt chủng
Cá diếc nuôi trong ao đáy bùn của gia đình bà Lê Thị Sim (xã An Mỹ, huyện Tuy An) phát triển tốt. Ảnh: THÁI HÀ
Nhờ chịu khó học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật, ông Trần Văn Tí và bà Lê Thị Sim (thôn Giai Sơn, xã An Mỹ, huyện Tuy An) đã thành công với mô hình nuôi các loại cá nước ngọt. Mới đây, hai hộ này được chọn triển khai mô hình nuôi cá diếc an toàn, góp phần phục hồi chủng loại cá nhiều giá trị, nhưng có nguy cơ tuyệt chủng.
Kết quả ban đầu của mô hình nuôi cá diếc trong bể xi măng đáy bùn, cá phát triển tốt, tỉ lệ sống cao, hiệu quả kinh tế.
Thành công bước đầu
Tham gia thực hiện mô hình nuôi cá diếc, thuộc đề tài “Nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm cá diếc sạch, an toàn thực phẩm tại Phú Yên” do Viện Nghiên cứu và Nuôi trồng thủy sản III triển khai từ năm 2020, đến nay, ông Trần Văn Tí đã bước đầu thành công và là một trong ba hộ nuôi có tỉ lệ cá sống cao, phát triển tốt, đảm bảo các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm.
Theo ông Phạm Trường Giang, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu và Nuôi trồng thủy sản III, trong các loại cá nước ngọt, cá diếc là loài cá bản địa có giá trị dinh dưỡng cao, thịt thơm ngon, ngọt, mát, không tanh như các loại cá khác nên thường được chế biến thành nhiều món ăn ngon và là vị thuốc chữa một số bệnh. Tuy tốc độ sinh trưởng chậm và kích thước tối đa nhỏ nhưng cá diếc ăn tạp, sức sinh sản cao, khả năng khôi phục quần đàn lớn, sức chịu đựng với môi trường khắc nghiệt tốt nên thuận lợi khi nuôi thương phẩm trong ao quy mô hộ gia đình. “Sau khi triển khai ba mô hình nuôi thực tế, cả ba đều cho kết quả tỉ lệ sống cao, từ 73-87%, cá phát triển tốt”, ông Giang cho biết.
Xuất phát điểm từ việc nuôi cá lóc, sau đó bà Lê Thị Sim mở rộng hồ để nuôi thêm cá trê, cá chình và mới đây là nuôi cá diếc thử nghiệm theo mô hình thuộc đề tài khoa học. Bà Sim cho biết, hiện gia đình nuôi cá theo hình thức cao sản, vì vậy đòi hỏi phải có dòng nước chảy trong ao; phải nuôi bằng thức ăn phù hợp với mỗi loại cá và quy trình quản lý khoa học. “Ngoài kỹ thuật nuôi cá, người nuôi còn cần có điều kiện tốt về mặt bằng, nguồn nước, theo dõi thường xuyên và bỏ nhiều công sức mới có thể thành công. Tham gia thực hiện mô hình, tôi được hỗ trợ con giống, thức ăn và quy trình kỹ thuật. Nhờ vậy, tôi tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm để nuôi cá tốt hơn, nuôi được nhiều loại hơn”, bà Sim nói.
Đi lên từ nghề nuôi cá
Gia đình thuần nông, khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, đến nay, sau hơn 15 năm làm nghề nuôi cá, ông Trần Văn Tí và bà Lê Thị Sim đã trở thành hộ khá giả.
Theo ông Tí, nuôi cá trong bể xi măng tuy cá không lớn nhanh như nuôi dưới ao hồ, nhưng có thể chủ động nguồn nước, kiểm soát tốt được dịch bệnh và tốn ít công khi thu hoạch. Sau nhiều năm nghiên cứu, mày mò tìm tòi và tích lũy kinh nghiệm nuôi cá nước ngọt, hiện gia đình ông cải tạo đất vườn thành 10 ao nuôi. Nhờ chất lượng và uy tín xây dựng nhiều năm, lượng cá thương phẩm của hộ ông Tí được các thương lái “săn đón” nên không phải lo về đầu ra.
Ông Tí cho biết, trước đây, việc tiêu thụ cá rất dễ dàng. Gia đình ông hầu như chỉ bán sỉ khi các mối thu mua đưa xe tải nhỏ vào tận nhà để lấy hàng. Đến khi đợt dịch COVID-19 lần thứtư bùng phát, nhu cầu giảm hẳn. Hiện giá cá lóc từ 80.000-85.000/kg, cá trê 50.000/kg, cá chình 450.000 đồng/kg. Riêng cá diếc là đối tượng nuôi mới nên ông đang cân nhắc giá bán cho hợp lý. “Trừ các chi phí đầu tư, mỗi tháng gia đình tôi thu về khoảng 30 triệu đồng. Nhờ đó, chúng tôi có thể hỗ trợ con cái xây nhà cửa, cho con ăn học”, ông Tí cho biết.
Theo ông Biện Ngọc Min, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Mỹ, trước đây, ở địa phương có khá nhiều hộ dân thử sức với các mô hình nuôi cá, chình nhưng không hiệu quả. Hiện trên địa bàn xã vẫn còn một số hộ nuôi riêng từng đối tượng. Chỉ có 2 gia đình ông Tí, bà Sim là nuôi đa dạng từ cá trê, cá lóc, chình và đang thử nghiệm nuôi cá diếc. Nhờ nuôi cá, từ một hộ nghèo ở địa phương, bà Lê Thị Sim đã vươn lên làm giàu. Mô hình nuôi cá nước ngọt của gia đình bà Sim cũng được nhiều người ở các nơi đến tham quan, học tập.
Mô hình nuôi cá diếc triển khai tại xã An Mỹ bước đầu đã giúp bảo tồn loài cá này. Thời gian tới, muốn phát triển nuôi thương phẩm cần có sự phối hợp giữa các hộ nuôi, đơn vị chuyển giao kỹ thuật và cung cấp con giống.