Góp phần tăng cường tính dân chủ, chuyên nghiệp cho Quốc hội

Đánh giá cao quá trình sửa đổi Nội quy Kỳ họp Quốc hội được tiến hành bài bản, kỹ lưỡng, khoa học, tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhiều đại biểu Quốc hội kỳ vọng, những sửa đổi, bổ sung này sẽ góp phần tăng cường tính dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp cho hoạt động của Quốc hội.

Chiều 2.11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tư, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Bám sát định hướng đổi mới hoạt động của Quốc hội

Các đại biểu Quốc hội đều đánh giá, dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) đã thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo là bảo đảm tính đầy đủ của các quy trình, thủ tục để tiến hành kỳ họp Quốc hội, mở rộng dân chủ, tăng tính pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, công khai, minh bạch, khoa học hợp lý, hiệu quả và thích ứng linh hoạt với tình hình thực tế. Đồng thời, phân định rõ ràng, trách nhiệm cơ chế phối hợp của các cơ quan hữu quan tham gia vào kỳ họp.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Việc thiết kế nội dung các điều khoản trong dự thảo Nội quy đã bảo đảm bám sát định hướng, đổi mới phương thức tổ chức và hoạt động của Quốc hội, nhất là về mở rộng quyền nâng cao trách nhiệm của đại biểu Quốc hội. Cải tiến cách thức điều hành tiếp tục chuyển biến hoạt động của Quốc hội từ tham luận sang thảo luận và tranh luận, áp dụng công nghệ thông tin xây dựng một Quốc hội điện tử trong tương lai.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Đánh giá cao quá trình sửa đổi Nội quy Kỳ họp được tiến hành bài bản, kỹ lưỡng, khoa học, tham khảo ý kiến các chuyên gia, tiếp thu đầy đủ ý kiến đại biểu tại Tổ, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cơ bản tán thành các nội dung của dự thảo Nghị quyết, đồng thời bày tỏ hy vọng những sửa đổi bổ sung này sẽ góp phần tăng cường tính dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp cho hoạt động của Quốc hội.

Tham gia đóng góp ý kiến về thành phần mời tham dự Kỳ họp Quốc hội, đại biểu cho biết, dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) chỉ quy định thành phần được mời tham dự trong trường hợp Kỳ họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp, chưa quy định thành phần mời tham dự trong trường hợp Kỳ họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Trong khi đó, chúng ta đã tổ chức các Kỳ họp theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, giao các Đoàn ĐBQH địa phương mời đại diện sở, ngành địa phương tham dự. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng, cần bổ sung quy định về thành phần mời tham dự trong trường hợp Kỳ họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến, giao Trưởng Đoàn ĐBQH các tỉnh quyết định thành phần mời tham dự để phù hợp nội dung phiên họp.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Cho ý kiến về tài liệu phục vụ kỳ họp, các ĐBQH Nguyễn Thị Thủy, Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông)... tán thành với quy định về những tài liệu lưu hành tại Kỳ họp ở Điều 7 của dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy lưu ý, trên thực tế có những tài liệu gửi cho Quốc hội có nhiều thông tin phong phú song nếu ở trong đó chỉ có vài con số, thông tin thuộc bí mật Nhà nước, nhưng lại đóng dấu mật toàn bộ tài liệu sẽ gây khó khăn nhất định cho các đại biểu trong quá trình nghiên cứu, khai thác, sử dụng. Do vậy, đại biểu kiến nghị, cần bổ sung một khoản trong Điều 7 quy định giao Tổng Thư ký Quốc hội chủ trì phối hợp các cơ quan rà soát, trong trường hợp tài liệu chỉ có một vài thông tin mật, đề nghị tách riêng các thông tin này để lưu hành theo chế độ tài liệu mật mật, không đóng dấu toàn bộ văn bản, để tạo điều kiện thuận lợi cho đại biểu nghiên cứu, khai thác, sử dụng.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Về tài liệu phục vụ kỳ họp, nhiều ĐBQH đề nghị, cần có quy định cụ thể về thời gian, chế tài cụ thể, mạnh mẽ hơn để tài liệu phải được gửi đến đại biểu Quốc hội đúng thời hạn. Trừ các trường hợp đặc biệt, cấp bách, kiên quyết không tiến hành thẩm tra dự án, dự thảo khi chưa đủ các tài liệu trong hồ sơ hoặc hồ sơ gửi không đúng thời hạn; không bố trí vào chương trình phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kỳ họp Quốc hội với những dự án, dự thảo được đề nghị bổ sung sát phiên họp, kỳ họp. Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng đồng tình với phương án cần có chế tài nhắc nhở đối với trường hợp gửi văn bản chậm cho đại biểu nghiên cứu như các cơ quan, đơn vị thuộc Chính phủ, Ủy ban thẩm tra của Quốc hội.

Cần tiếp tục lấy ý kiến ĐBQH về các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau

ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam) lưu ý, việc tổ chức lấy ý kiến ĐBQH bằng phiếu xin ý kiến là một nội dung quan trọng của mỗi kỳ họp, thể hiện tính dân chủ khi xem xét, quyết định theo ý kiến đa số. Thực tế, nhiều nội dung cụ thể được lấy ý kiến của ĐBQH qua xin ý kiến rất hiệu quả, tạo sự đồng thuận cao trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua toàn thể dự thảo luật, nghị quyết. Quy định như dự thảo Nội quy bảo đảm tính công khai, dân chủ, Quốc hội cần tiếp tục phát huy phương thức này khi xuất hiện nhiều vấn đề còn ý kiến khác nhau. Vấn đề là xác định vấn đề nào còn ý kiến khác nhau, cần lấy ý kiến của ĐBQH, tránh tùy tiện, quá sa vào vấn đề quá chi tiết, làm mất thời gian không cần thiết.

Đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước (Quảng Nam) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước (Quảng Nam) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Tại khoản 1, Điều 10 quy định “Khi cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tự mình hoặc theo đề nghị của ít nhất 20% tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân trình dự án, báo cáo, Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội chủ trì thẩm tra xem xét, quyết định việc lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội về nội dung của kỳ họp bằng phiếu xin ý kiến. Con số 20% tổng số đại biểu đề nghị thì tiến hành xin ý kiến bằng phiếu có vẻ hợp lý nhưng thực tế không khả thi. Con số này lấy ở đâu, khi nào, lúc nào, phương thức thực hiện chưa có quy định cụ thể, nên đại biểu đề nghị, tiếp tục giữ hoạt động này của Quốc hội, song cần nghiên cứu hoàn thiện quy định liên quan tại dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã giải trình làm rõ các vấn đề ĐBQH đưa ra; khẳng định, sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, giải trình kỹ càng về một số vấn đề chưa đồng tình với phương án được đại biểu đề xuất.

Lê Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/gop-phan-tang-cuong-tinh-dan-chu-chuyen-nghiep-cho-quoc-hoi-i305662/