Góp phần thay đổi diện mạo nông thôn
Phụ nữ xây dựng nông thôn mới (NTM) đã trở thành phong trào lan tỏa mạnh mẽ, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên tham gia. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, 10 năm qua, các cấp Hội phụ nữ TP Hà Nội góp phần làm khởi sắc diện mạo nông thôn, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
Tạo điều kiện cho hội viên phát triển
Giảm nghèo, tăng thu nhập, cải thiện điều kiện sống cho gia đình hội viên, phụ nữ được xem là tiêu chí căn bản trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Do vậy, hằng năm các cấp Hội phụ nữ thành phố rà soát và hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo, gia đình khó khăn bằng nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực, như: Giới thiệu việc làm; tổ chức tập huấn kiến thức, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay; duy trì và nâng cao chất lượng các mô hình phát triển kinh tế cho năng suất chất lượng cao…
Vừa là Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất), vừa là Tổ trưởng Tổ liên kết chăn nuôi gà thả đồi, chị Bùi Thị Ngọc chia sẻ: “Tổ liên kết của chúng tôi hiện có 15 chị em tham gia. Mỗi nhà nuôi từ 500 con gà trở lên. Riêng gia đình tôi hiện nuôi 6.000 con gà, trừ chi phí cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Từ ngày thành lập Tổ liên kết, được sự quan tâm của các cấp Hội trong việc kiểm định chất lượng và giới thiệu sản phẩm, lượng hàng của tổ được tiêu thụ mạnh, tăng thu nhập, cải thiện đời sống đáng kể”. Còn gia đình chị Nguyễn Thị Tình, hội viên Hội LHPN xã Văn Khê (huyện Mê Linh), sáu năm trước là đối tượng hộ nghèo trong xã. Đến nay, gia đình chị đã từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Chị Tình chia sẻ: “Nhờ sự hỗ trợ, động viên của Hội LHPN xã, tôi vay được 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội, sau đó học kỹ thuật trồng hoa hồng chất lượng cao, tham gia nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học về trồng và chăm sóc các loại hoa, các cây rau màu khác. Từ đó, đời sống kinh tế của gia đình trở nên tương đối ổn định”.
“Trong 10 năm qua, toàn thành phố đã có hơn 25 nghìn hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo, hơn 13 nghìn hộ cận nghèo và hộ khó khăn phát triển kinh tế, nâng cao mức sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo. Cùng với đó, Hội phụ nữ đã mở 105 lớp dạy nghề, truyền nghề ngắn hạn cho 3.360 lao động nữ nông thôn; tư vấn và giới thiệu việc làm cho 9.568 lao động nữ nông thôn”, chị Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng ban Kinh tế (Hội LHPN thành phố Hà Nội) cho biết.
Phát huy nội lực
Sáng chủ nhật, các em thiếu nhi thôn Hà Lỗ, xã Liên Hà (huyện Đông Anh) hào hứng rủ nhau ra điểm sinh hoạt cộng đồng tại Nhà văn hóa thôn để vui chơi trên những chiếc xích đu bằng gỗ, bập bênh nhiều mầu sắc làm từ lốp xe ô-tô cũ. Đó là sân chơi thứ 18 được Hội LHPN huyện Đông Anh thực hiện tại cộng đồng dân cư. Chủ tịch Hội LHPN huyện Đông Anh Nguyễn Thị Thanh Tâm cho biết, trong quá trình tham gia xây dựng NTM, huyện Hội chú ý tới các thiết chế văn hóa tại cộng đồng, nhất là sân chơi cho trẻ em với tiêu chí an toàn, thân thiện môi trường. Đến nay, Hội LHPN huyện đã huy động nguồn xã hội hóa và phối hợp một số đơn vị, doanh nghiệp đầu tư, trao tặng 20 bộ dụng cụ thể thao cho sân chơi tại các điểm sinh hoạt cộng đồng, trường học.
Trong quá trình xây dựng NTM, chị em phụ nữ còn là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền vận động các hộ hiến đất, kinh phí làm đường giao thông. Thời gian qua, các hội viên, phụ nữ đã hiến hơn 16.000 m2 đất và tháo dỡ hơn 2.500 m2 tường bao, đóng góp hơn 7.000 ngày công, trang bị đèn đường chiếu sáng, giữ gìn vệ sinh môi trường đường làng, ngõ, xóm; xây dựng gần 5.000 đoạn đường, tuyến đường nở hoa.
Điển hình là xã Liên Ninh (huyện Thanh Trì) nhận thức rõ tầm quan trọng của việc mở rộng đường giao thông trong phát triển kinh tế, các cấp Hội đã phối hợp các đoàn thể chung tay góp sức trong công tác “dân vận khéo” vận động cán bộ, hội viên phụ nữ hiến đất mở đường xây dựng NTM. Nhờ đó, chỉ sau tám tháng đoạn đường gom ven sông Tô Lịch đoạn qua thôn Thọ Am và Nội Am đã thay đổi diện mạo, nhờ sự đóng góp xã hội hóa hàng trăm ngày công để nạo vét rác thải, khơi thông dòng chảy và ủng hộ tiền để san đất, bê-tông hóa. Chị Nguyễn Thị Thuần, Chủ tịch Hội LHPN xã Liên Ninh chia sẻ: “Cảnh quan thôn, xóm thay đổi là nhờ sự vào cuộc tích cực của phụ nữ xã trong tuyên truyền và trực tiếp thực hiện. Với hình thức “mưa dầm thấm lâu”, cán bộ, hội viên, phụ nữ kiên trì tiếp cận gia đình diện thu hồi đất để tuyên truyền mục đích ý nghĩa mục tiêu xây dựng NTM; đảng viên, cán bộ, phụ nữ về vận động gia đình, người thân ký cam kết thực hiện việc hiến đất để giải phóng mặt bằng”.
Từ cách làm sáng tạo của Hội phụ nữ các cấp, phong trào xây dựng NTM đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Chị Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội cho biết, thời gian tới, các cấp Hội phụ nữ tiếp tục đổi mới về nội dung, phương thức vận động phụ nữ tham gia xây dựng NTM theo hướng bám sát nhu cầu của hội viên; tích cực khai thác các nguồn vốn và đứng ra tín chấp hỗ trợ cho chị em vay vốn cải thiện đời sống, vươn lên làm giàu chính đáng.