Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ hội viên thay đổi tư duy sản xuất, phát huy vị thế làm chủ trong phát triển nông nghiệp hàng hóa. Qua đó, từng bước xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, nông dân giàu có, nông thôn văn minh.
Nông dân xã Phú Thành (Lạc Thủy) phát triển mô hình chăn nuôi bò sữa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhằm tạo sự liên kết, hỗ trợ hội viên nông dân (HVND) tiếp cận KHKT, vốn vay và học hỏi kinh nghiệm trong thực tế sản xuất, thời gian qua, HND xã Yên Trị (Yên Thủy) tích cực hướng dẫn, vận động hội viên tham gia hoạt động trong các HTX, chi, tổ hội nghề nghiệp. Như nông dân Ngô Văn Hưng, xóm Tân Thành, nhờ được HND xã hướng dẫn, tích cực hỗ trợ, gia đình anh đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang xây dựng mô hình trang trại trồng trọt kết hợp chăn nuôi. Anh cho biết: Nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của gia đình là muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng hiệu quả kinh tế, HND xã đã tạo điều kiện cho tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT. Thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa, năm 2016, gia đình chuyển đổi 1.500 m2 đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bưởi Diễn kết hợp chăn nuôi gà và cá. Đến nay, gia đình có thu nhập khá từ 200 gốc bưởi Diễn, đàn gà khoảng 1.000 - 2.000 con/lứa, ao nuôi cá trắm 1.000 m2. Hiệu quả kinh tế từ trồng bưởi cao gấp 10 lần so với trồng lúa. Trung bình mỗi năm, tổng thu nhập của gia đình đạt khoảng 400 triệu đồng. Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/HNDTW, ngày 27/7/2020 của T.Ư HND Việt Nam về "HND Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020 - 2025", các cấp Hội đã tập trung vận động, hướng dẫn nông dân hưởng ứng tham gia. Đồng thời triển khai các chương trình, dự án xây dựng mô hình điểm về phát triển kinh tế. Đặc biệt, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi luôn được các cấp HND quan tâm, được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các loại cây, con mới như: nuôi cá lồng, nuôi bò 3B, bò sữa, trồng dưa trong nhà kính, trồng rừng gỗ lớn, cây dược liệu dưới tán rừng... góp phần đa dạng hóa sản xuất, phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới trong kinh tế nông thôn. Từ phong trào cũng thúc đẩy việc thành lập các loại hình trang trại, gia trại hiệu quả, kinh tế cao. Nhiều nhóm hộ nông dân SXKD giỏi đã thành lập các tổ hợp tác, HTX nhằm liên kết, mở rộng quy mô, tăng hiệu quả kinh tế; tham gia tích cực củng cố, phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn. Trong 9 tháng qua, các cấp Hội đã hướng dẫn thành lập mới 8 HTX về nông nghiệp, dịch vụ, trồng cây ăn quả, chế biến thuốc, 27 tổ hợp tác, 10 chi hội nông dân nghề nghiệp và 106 tổ HND nghề nghiệp với trên 1.330 thành viên. Các dịch vụ tư vấn hỗ trợ nông dân, xây dựng các mô hình điểm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải tạo, khích lệ HVND đổi mới cách nghĩ, cách làm, vươn lên làm giàu cũng được quan tâm. Trong 9 tháng, các cấp Hội phối hợp tổ chức 159 lớp tập huấn chuyển giao KHKT về kiến thức chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi gà thả vườn, phòng chống dịch bệnh cho trâu, bò… cho trên 8.300 HVND. Phối hợp Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh đánh giá quy trình sản xuất rau củ quả theo tiêu chuẩn VietGAP, với khoảng 15 ha trồng bí xanh, dưa chuột, mướp đắng trên địa bàn huyện Tân Lạc. Vận động trên 114.000 hộ hội viên SXKD nông sản đăng ký cam kết đảm bảo vệ sinh thực phẩm (đạt 100,5% chỉ tiêu giao). Đồng chí Lê Văn Thạch, Chủ tịch HND tỉnh cho biết: Góp phần hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, phát triển kinh tế hiệu quả, Hội luôn đặt nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất nông nghiệp của HNVD. Nông dân đã dần chuyển đổi tư duy từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất lớn; định hướng từ sản xuất hộ sang sản xuất theo chuỗi giá trị, mở rộng liên kết; từ sản xuất chú trọng năng suất chuyển hướng sang chú trọng giá trị gia tăng; đồng thời tăng cường áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh có trên 100 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, các chuỗi hoạt động hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp; tạo sự liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và doanh nghiệp để sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Thu Hằng