Góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững

Chăn nuôi ngày càng giữ vị trí quan trọng và đóng góp chủ lực cho tăng trưởng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên do điều kiện thời tiết, khí hậu thất thường, cộng với mật độ chăn nuôi cao, quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ là chính dẫn đến dịch bệnh trên đàn vật nuôi ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp. Do vậy, việc nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi sẽ tạo điều kiện quan trọng để thúc đẩy chăn nuôi phát triển bền vững.

Cán bộ Trạm Chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị bệnh động vật phân tích mẫu bệnh phẩm

Cán bộ Trạm Chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị bệnh động vật phân tích mẫu bệnh phẩm

Được thành lập hơn 10 năm trước với cơ sở vật chất, trang thiết bị còn nhiều khó khăn, các chỉ tiêu phân tích, thử nghiệm, chẩn đoán hạn chế, đến nay được sự quan tâm đầu tư của tỉnh, Trạm Chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật (Chi cục Chăn nuôi và Thú y) đã không ngừng lớn mạnh, xây dựng được phòng thí nghiệm hiện đại, đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017.

Hiện, phòng thí nghiệm đã được Cục Thú y chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm với 11 chỉ tiêu trên động vật.

Trong đó có thể kể đến một số chỉ tiêu như phát hiện virus cúm A/H5N1, Newcatle, Dịch tả lợn Châu Phi, Salmonella gây bạch lỵ và thương hàn, Cúm gia cầm H5N6 bằng phương pháp PCR; định danh vi khuẩn E.Coli và thử kháng sinh đồ bằng Vitek 2; định lượng kháng thể Cúm, Newcastle bằng phương pháp HI; phát hiện kháng thể virus Dịch tả lợn Châu Phi, LMLM, dịch tả lợn bằng phương pháp Elisa…

Từ năm 2015 đến nay, Trạm đã thu thập, phân tích, giám sát hàng chục nghìn mẫu trên động vật. Chỉ tính riêng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Trạm đã thu thập, phân tích, giám sát gần 1.500 mẫu.

Việc đầu tư, nâng cấp và vận hành hiệu quả hoạt động của Trạm Chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật là bước tiến quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh. Bởi những kết quả được phân tích sẽ giúp các cơ quan chuyên môn, các địa phương nhận định được xu hướng phát sinh dịch bệnh, cũng như phát hiện kịp thời và nhanh chóng triển khai các biện pháp khoanh vùng, dập dịch ngay từ ban đầu, không để lây lan trên diện rộng.

Cùng với việc đầu tư, nâng cấp, hiện đại hóa Trạm Chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật, trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh, ngành nông nghiệp chủ động, tích cực phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong phòng chống dịch bệnh với người chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh các sản phẩm động vật.

Tham mưu cho tỉnh xây dựng, ban hành kế hoạch tiêm vắc xin phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi hằng năm đảm bảo sát với thực tế, phù hợp với tập quán chăn nuôi, cũng như xu hướng gia tăng, diễn biến của dịch bệnh.

Trong năm 2021, đã triển khai hai đợt tiêm phòng chính và các đợt tiêm bổ sung hằng tháng vắc xin phòng cúm gia cầm cho hơn 7 triệu lượt con gà, ngan, vịt; vắc xin LMLM nhị giá type O, A và tụ huyết trùng trên 215 nghìn lượt con trâu, bò; vắc xin tai xanh, dịch tả, LMLM type O cho gần 250 nghìn lượt con lợn nái, lợn đực giống và tiêm vắc xin phòng dại cho gần 40 nghìn con chó, mèo.

Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thường xuyên tự thực hiện phun khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi và tổ chức các đợt phun khử trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi tập trung trên quy mô toàn tỉnh. Năm 2021 đã thực hiện phun cho trên 220 nghìn lượt hộ chăn nuôi.

Song song với đó, tập trung thực hiện tốt công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, đảm bảo kiểm tra tận gốc tại cơ sở chăn nuôi, cơ sở thu gom và địa điểm cách ly kiểm dịch theo quy định.

Năm 2021, ngành Nông nghiệp đã kiểm tra, cấp hơn 13 nghìn giấy chứng nhận kiểm dịch động vật; 4.000 giấy chứng nhận sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ trên 65 nghìn con trâu, bò, lợn, gia cầm; cấp 3 giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y và 2 giấy chứng nhận cơ sở giết mổ, chế biến thịt gia súc, gia cầm đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, tập trung nghiên cứu, xây dựng, triển khai các mô hình điểm chăn nuôi an toàn dịch bệnh, chăn nuôi hữu cơ an toàn sinh học gắn với bao tiêu sản phẩm, mở rộng thị trường để tuyên truyền và nhân rộng ra các địa phương trong tỉnh, từ đó thúc đẩy người chăn nuôi thay đổi tập quán, thói quen cũ, chuyển dần sang phương thức chăn nuôi mới an toàn, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ vậy, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh vẫn đạt kết quả tăng trưởng tốt, đóng góp tích cực cho tăng trưởng ngành Nông nghiệp.

Hầu hết các sản phẩm chăn nuôi năm 2021 đều tăng khá so với năm trước, trong đó, sữa bò tăng trên 20%; thịt lợn tăng trên 10%; trứng gia cầm tăng gần 8%; thịt gia cầm tăng gần 5%. Tổng giá trị sản xuất chăn nuôi đạt gần 6.000 tỷ đồng, tăng gần 7% so với năm 2020.

Bài, ảnh: Nguyễn Khánh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/74138/gop-phan-thuc-day-phat-trien-chan-nuoi-ben-vung.html