Góp sức bảo vệ môi trường

Sau hơn 3 năm Hội Nông dân (HND) tỉnh Bắc Giang triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 27/2/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (gọi tắt là Chỉ thị số 17) về việc huy động toàn dân tập trung thu gom, xử lý triệt để rác thải ra môi trường, đến nay đã thu được nhiều kết quả. Qua đó, góp phần thay đổi nhận thức của hội viên, nông dân trong xử lý rác thải, xây dựng môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp.

Thay đổi nhận thức, tích cực tham gia vệ sinh chung

Đã thành nếp, mỗi tháng 2 lần vào sáng Chủ nhật, các hội viên nông dân bản Làng 3, xã Hồng Kỳ (Yên Thế) lại hăng hái cùng nhau quét dọn đường làng, thu gom rác thải và sửa sang đường hoa.

Ông Long Văn Thu, Trưởng bản, kiêm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân bản Làng 3 cho biết, trước đây, người dân hay vứt rác thải sinh hoạt ra vườn, bãi,… kệ cho tự phân hủy nên rất mất vệ sinh. Năm 2020, các hộ trong bản được HND xã hỗ trợ xây dựng lò đốt rác thải mi ni (60 nghìn đồng/lò). Từ khi có lò đốt, các hộ đều tự giác thu gom rác thải của gia đình và tiêu hủy ngay tại vườn nên cảnh quan môi trường trong bản luôn sạch đẹp, góp phần để Làng 3 về đích thôn kiểu mẫu cuối năm nay.

Hội viên nông dân bản Làng 3, xã Hồng Kỳ (Yên Thế) tham gia vệ sinh và trồng hoa trang trí đường giao thông nông thôn.

Hội viên nông dân bản Làng 3, xã Hồng Kỳ (Yên Thế) tham gia vệ sinh và trồng hoa trang trí đường giao thông nông thôn.

Cũng làm sạch môi trường nông thôn như các hội viên, nông dân bản Làng 3 nhưng 30 hộ dân ở thôn Dinh Thẳm, xã Cao Xá (Tân Yên) lại có cách làm khác. Năm 2020, 30 hộ này được chọn tham gia mô hình điểm “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón bằng chế phẩm sinh học tại gia đình”.

Bà Đỗ Thị Bắc, thôn Dinh Thẳm cho biết, tham gia mô hình, mỗi hộ được hỗ trợ 2 thùng phuy nhựa (dung tích 130 lít), 10 gói chế phẩm vi sinh (E Mic); được hướng dẫn cách phân loại rác hữu cơ, vô cơ và cách xử lý, ngâm ủ rác thải hữu cơ (rau thừa, hoa quả hỏng, lá cây, rơm, chấu…) với chế phẩm E Mic thành phân để bón cho cây trồng. Sau khoảng 30-45 ngày, mỗi hộ thu được từ 50-100 kg phân hữu cơ. Cách làm này vừa sạch môi trường lại tận dụng được nguồn phân tự nhiên, hữu ích cho cây trồng.

Năm 2021, HND tỉnh thực hiện mô hình xây dựng hệ thống bờ bao bãi thu gom và xử lý rác thải tập trung bảo vệ môi trường nông thôn tại thôn Chiền, xã Đan Hội (Lục Nam); 2 mô hình điểm “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón bằng chế phẩm sinh học tại gia đình” ở thôn Dinh Thẳm, xã Cao Xá (Tân Yên) và thôn Núi, xã Quỳnh Sơn (Yên Dũng).

Tổng kinh phí thực hiện 3 mô hình hơn 300 triệu đồng (trong đó có hơn 110 triệu đồng do người dân đóng góp). Dù nguồn kinh phí không nhiều nhưng các mô hình đã góp phần làm thay đổi nhận thức và hành động của hội viên, nông dân ở các nơi xây dựng mô hình. Bà Trần Thị Bảy, thôn Chiền, xã Đan Hội cho hay: “Từ ngày thôn Chiền có bãi rác tập trung, người dân chúng tôi không vứt rác bừa bãi nữa. Nhờ đó, đường làng sạch đẹp hơn nhiều so với trước”.

Nhân rộng mô hình

Phát huy vai trò “trung tâm nòng cốt” trong bảo vệ môi trường nông thôn gắn với các phong trào thi đua của tổ chức Hội, từ số ít mô hình ban đầu, đến nay, các cấp HND trong tỉnh đã xây dựng và duy trì 382 mô hình bảo vệ môi trường nông thôn với tên gọi như: "Đoạn đường tự quản sáng - xanh - sạch - đẹp", "Chi hội nông dân thu gom rác thải", “Sạch từ nhà ra ngõ”, “Sạch từ ngõ vào nhà”, “Cánh đồng không rác thải”,... với hơn 8,9 nghìn hội viên, nông dân tham gia…

Trong đó, có 10 mô hình điểm “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón bằng chế phẩm sinh học tại gia đình” với 290 hộ hội viên tham gia, tại 4 huyện: Lạng Giang, Tân Yên, Yên Thế, Hiệp Hòa. Đến nay, các mô hình đều phát huy hiệu quả và tiếp tục lan tỏa.

Toàn tỉnh có 382 mô hình bảo vệ môi trường nông thôn do các cấp HND xây dựng, với hơn 8,9 nghìn hội viên, nông dân tham gia. Từ năm 2020 đến nay, đã có hơn 175,6 nghìn lượt hội viên tham gia tu sửa, bảo dưỡng và vệ sinh hơn 3,97 nghìn km đường giao thông nông thôn; khơi thông hơn 2,87 nghìn km cống rãnh, mương thoát nước thải.

Cùng với thực hiện các mô hình nêu trên, 3 năm qua, HND tỉnh đã chỉ đạo mỗi chi HND đảm nhiệm duy tu, bảo dưỡng, vệ sinh ít nhất 1 km đường giao thông nông thôn.

Kết quả, đã có hơn 175,6 nghìn lượt hội viên tham gia phát quang bụi rậm, tu sửa, bảo dưỡng và vệ sinh hơn 3,97 nghìn km đường giao thông nông thôn; khơi thông hơn 2,87 nghìn km cống rãnh, mương thoát nước thải; phát động cán bộ, hội viên ra quân “Ngày Chủ nhật xanh”; ngày 14 hằng tháng tổ chức dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, thu gom, chôn lấp và xử lý hơn 1 nghìn tấn rác thải tồn lưu nơi công cộng…, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp. Điển hình làm tốt như HND các huyện Tân Yên, Yên Thế, Việt Yên, TP Bắc Giang.

Theo HND tỉnh, để có được kết quả trên, ngay sau khi Chỉ thị số 17 ra đời và Kết luận số 99 - KL/TU ngày 18/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tập trung đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 17, HND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo triển khai đến 10/10 huyện, TP. Trên cơ sở đó, HND các huyện, TP xây dựng kế hoạch chỉ đạo, tuyên truyền và triển khai tới 100% HND cơ sở và cán bộ, hội viên nông dân.

Hằng năm, giao chỉ tiêu thi đua về thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường nông thôn đến các cấp hội; chỉ đạo mỗi cơ sở hội, chi hội HND xây dựng ít nhất một mô hình HND tham gia bảo vệ môi trường nông thôn; lựa chọn tiêu chí môi trường làm tiêu chí các cấp HND trực tiếp tham gia thực hiện trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hằng năm, Ban Thường vụ HND tỉnh chỉ đạo các cấp Hội tổ chức kiểm tra việc thực hiện Kết luận số 99 - KL/TU gắn với kiểm tra thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân làm căn cứ để chấm điểm thi đua và đánh giá xếp loại cuối năm…

Ông Nguyễn Văn Nguồn, Phó Chủ tịch HND tỉnh cho biết, thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17, Kết luận số 99 - KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; tăng cường phối hợp với cơ quan báo chí, chính quyền các cấp để tuyên truyền rộng rãi nhằm nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong cán bộ, hội viên và nông dân; thành lập các hợp tác xã, chi hội, tổ vệ sinh môi trường thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn nông thôn hợp vệ sinh; ngăn chặn tình trạng xả rác xuống kênh mương, ao hồ.

HND tỉnh tăng cường phối hợp với các ngành chức năng để giám sát, xử lý triệt để những vi phạm gây ô nhiễm môi trường; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ môi trường.

Bài, ảnh: Đại La

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/408969/gop-suc-bao-ve-moi-truong.html