Góp sức chi viện cho chiến trường
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, hàng vạn bộ đội, thanh niên xung phong (TNXP), dân công hỏa tuyến của tỉnh Bắc Giang đã tích cực tham gia chiến dịch, đóng góp sức người, sức của chi viện cho chiến trường lòng chảo.
Mùa Thu năm 1953, thời điểm chuẩn bị mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Bắc Giang đã thành lập hai đại đội TNXP là những nam thanh niên ở các xã đang giảm tô đợt 1 thuộc các huyện Tân Yên, Yên Thế, Lạng Giang và Hiệp Hòa. Đại đội trưởng là ông Lê Xuân Khoa (tức Giá) ở xã Lan Giới (Tân Yên); Đại đội phó là ông Nguyễn Phẩm, xã Tân Sỏi (Yên Thế). Cả hai ông đều là đảng ủy viên do đảng bộ các xã cử đi. Hai đơn vị này được vào thẳng ATK cùng với các lực lượng khác làm nhiệm vụ phục vụ, bảo vệ Thủ đô kháng chiến - nơi có các cơ quan đầu não của T.Ư và Bác Hồ làm việc.
Là lực lượng trẻ, tuổi đời từ 18 đến 25, lần đầu tiên xa gia đình đi theo cách mạng, ở nơi núi rừng xa xôi nhưng tất cả đội viên đều háo hức, hăng say lao động. Công việc hằng ngày là xẻ núi mở đường, làm cầu bắc qua sông, suối, làm nhà ở cho cán bộ. Mọi thông tin đều được các đội viên TNXP giữ bí mật tuyệt đối, ATK được bảo vệ an toàn cho đến ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Cụ Phạm Văn Bắc (SN 1931) ở tổ dân phố Nguyễn, thị trấn Tân An (Yên Dũng) tham gia TNXP từ năm 18 tuổi. Ngồi trò chuyện, cụ nhiều lần nén xúc động ngăn giọt nước mắt chực trào. Cụ kể: "Ban đầu chúng tôi được học điều lệ, nội quy, các bài viết của Bác Hồ về TNXP. Trên đường vào chiến trường, vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ, đèo cao, suối sâu, vực thẳm, lại phải đối phó với vắt, thú dữ, máy bay, biệt kích, đặc biệt là sốt rét, mệt đói… nhưng tinh thần "không có việc gì khó” như lời dạy của Bác đối với TNXP thì luôn thôi thúc. Để giữ bí mật, anh em đào hào vào ban đêm. Mỗi người được phát một cái cuốc hoặc xẻng, gặp phải chỗ đất mềm, yếu thì suôn sẻ; gặp chỗ đất rắn thì phải dùng hết sức lực thậm chí phải cởi trần đào, mồ hôi vã ra như tắm, đôi bàn tay dần chai sần, rớm máu. Vất vả là vậy nhưng ai cũng hừng hực khí thế. Tôi ngẫm ngợi, đời trai mà được tham gia góp sức cho giải phóng Điện Biên như mình quả là rất tự hào”.
Trong mưa bom bão đạn cùng với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt của núi rừng Tây Bắc, TNXP vẫn sáng tạo ra cách làm độc đáo để bảo đảm cho những chuyến xe an toàn. Cụ Hoàng Khắc Dưỡng, cựu TNXP trong Chiến dịch Điện Biên Phủ ở tổ dân phố số 3, phường Thọ Xương (TP Bắc Giang) từng kể: "Tre, nứa, bè, mảng được khai thác triệt để. Nhiều hôm trời mưa lớn, lũ tràn về, ô tô không thể qua ngầm, qua suối, vài chục người lội xuống nước, quây vào nhau, cùng đan tay, bấu chặt chân be người lại kết thành bức tường chặn dòng nước để cho xe ô tô chạy ào qua, không cho nước tràn vào làm ướt lương thực, thực phẩm, vũ khí. Có những đêm mưa rét, nhịn đói, dùng sức người đẩy ô tô chết máy qua đèo, ngâm mình giữa dòng nước lạnh buốt, địch bắn phá chẳng biết sống chết lúc nào. Có những lần đói lả phải ăn cả ngọn cây chuối, củ mài, măng. Phần ngon dành cho người ốm, còn phần xấu hơn dành cho những người khỏe mạnh”.
Địa điểm Đèo Cà, xã Đồng Hưu (Yên Thế) được ví như “Ngã ba Đồng Lộc” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trên đoạn đường Đèo Cà dài khoảng 20 km, hai đơn vị TNXP do Ty Giao thông Bắc Giang thành lập cùng với hàng nghìn dân công đã kiên cường, dũng cảm tháo bom nổ chậm, nhanh chóng sửa lại những quãng đường, cầu, phà, kho tàng, bến bãi bị hỏng cho người, xe qua lại, bảo đảm giao thông thông suốt.
Ở hậu phương, hàng vạn người dân từ những làng quê tự do đến các vùng còn bị địch tạm chiếm đã hăng hái xung phong đi dân công hỏa tuyến, vất vả ngày đêm mở ba con đường xuyên rừng dài 25 km cho xe qua; tích cực vận tải lương thực, vũ khí, tải thương cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Góp sức cho tiền tuyến, nhân dân trong tỉnh tích cực xây dựng hậu cần tại chỗ. Đặc biệt, Hội phụ nữ vận động thực hiện: “Lọ gạo kháng chiến”, “Đống rơm bộ đội”, “Chum tương bộ đội”, “Luống rau bộ đội”, “Ao cá bộ đội”... Bởi vậy, bộ đội hành quân đến đâu đều có đủ lương thực, thực phẩm do bàn tay của các bà, các chị chuẩn bị.
Theo thống kê, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Bắc Giang có 2.810 TNXP có mặt trên các tuyến đường chiến lược, cùng đó là hàng vạn dân công hỏa tuyến. Hôm nay, 70 năm sau ngày Chiến thắng Điện Biên, những TNXP, dân công hỏa tuyến thời kỳ ấy giờ đây đều đã cao tuổi. Theo quy luật của thời gian, rất nhiều người đã khuất núi, vắng bóng dần theo năm tháng; người còn sống thì nhớ nhớ, quên quên. Nhưng những kỷ niệm về Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 luôn là ký ức đẹp trong cuộc đời họ. Ai cũng tự hào vì đã cống hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, cho nhân dân, góp phần cùng cả dân tộc làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Tuấn Minh
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/gop-suc-chi-vien-cho-chien-truong-081603.bbg