Góp sức người, sức của đánh đuổi giặc Tống
Thế kỷ X là 'thế kỷ bản lề', kết thúc một thời kỳ đấu tranh hơn 1.000 năm chống Bắc thuộc, chuyển sang một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên Đại Việt. Lịch sử ghi nhận: Sau 6 năm cầm quyền, Ngô Quyền qua đời vào năm 944, triều đình có biến, vương triều Ngô suy yếu. Đinh Bộ Lĩnh sau khi dẹp yên 12 sứ quân, lên ngôi Hoàng Đế, đặt Quốc hiệu Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư, chia nước thành 10 đạo.
Thế kỷ X là “thế kỷ bản lề”, kết thúc một thời kỳ đấu tranh hơn 1.000 năm chống Bắc thuộc, chuyển sang một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên Đại Việt. Lịch sử ghi nhận: Sau 6 năm cầm quyền, Ngô Quyền qua đời vào năm 944, triều đình có biến, vương triều Ngô suy yếu. Đinh Bộ Lĩnh sau khi dẹp yên 12 sứ quân, lên ngôi Hoàng Đế, đặt Quốc hiệu Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư, chia nước thành 10 đạo.
Thời kỳ này, Thái Nguyên thuộc châu Vũ Nga, độc lập dưới chế độ tù trưởng. Sau sự kiện Đỗ Thích giết hại Đinh Tiên Hoàng cùng con trưởng Đinh Liễn, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn đã được đông đảo tướng lĩnh trong triều Đinh ủng hộ và được Thái hậu Dương Vân Nga trao cho ngôi báu.
Năm 980, khi vừa lên nắm quyền, Lê Hoàn đã phải đương đầu với những thử thách cam go. Phía Bắc quân xâm lược triều Tống đe dọa bờ cõi, phía Nam, quân Chiêm Thành rắp tâm đánh phá. Năm 981, Lê Hoàn đã lãnh đạo quân ta đập tan cuộc xâm lược của triều Tống và dập tắt âm mưu quấy rối của Chiêm Thành.
Vương triều Tiền Lê với chiến công phá Tống, bình Chiêm cùng với những thành tựu chính trị, kinh tế - văn hóa đã đóng góp to lớn vào việc củng cố và giữ vững nền độc lập thống nhất của Đại Cồ Việt ở thế kỷ X. Trong đó, nhân dân Thái Nguyên đã góp phần tạo nên chiến thắng đánh đuổi quân xâm lược Tống ra khỏi bờ cõi năm 981.
Qua ghi chép trên văn bia và ký ức dân gian, các nhà nghiên cứu đã tái hiện chặng đường truy kích tàn quân giặc Tống của quân đội do Lê Hoàn chỉ huy: Từ Tây Kết, Lê Hoàn đưa quân vượt sông, truy kích tàn quân Tống, đến chân núi Vệ Linh, Vua cho quân nghỉ ngơi rồi tiếp tục hành quân. Từ Vệ Linh quân của triều Tiền Lê băng qua nhiều đồi núi. Những nơi binh lính hành quân qua, rất nhiều trai đinh sinh sống trên bản làng của đất Thái Nguyên (khi đó có tên gọi châu Vũ Nga) đã tự nguyện dẫn đường và tham gia truy đuổi giặc Tống. Các già làng của nhiều dân tộc thiểu số đã mang cơm ra ủng hộ đoàn quân.
Sau một chặng đường dài hành quân, Vua cho quân nghỉ tạm ở Đà Giang Dịch (nay gần cầu Gia Bẩy TP. Thái Nguyên). Tìm hiểu trong dân chúng, Vua biết gần bờ sông có ngôi miếu thờ Công chúa Vĩnh Hoa, nữ tướng của Hai Bà Trưng, Vua đến đền dâng hương cầu thắng giặc. Quả nhiên, trong thời gian ngắn, Lê Hoàn cùng quân lính đánh tan quân Tống, bắt sống tướng Quách Quân Biện dưới chân núi Vũ Nhai, kết thúc cuộc kháng chiến chống Tống năm 981.
Mặc dù chiến thắng của Lê Hoàn tại đất Thái Nguyên có cả chính sử và huyền sử, nhưng điều đó khẳng định rằng quân dân vùng đất Thái Nguyên đã góp sức người và sức của vào chiến công đánh đuổi giặc Tống của triều Tiền Lê ra khỏi bờ cõi nước ta thế kỳ X.