Góp sức trẻ vì một tương lai an toàn trước thiên tai

Vượt qua nhiều dự án ấn tượng của những bạn trẻ đến từ các nước trong khu vực Đông Nam Á, sản phẩm do NGUYỄN MINH ĐÌNH THIÊN và NGUYỄN THỊ HOÀI AN, học sinh Trường THPT Đông Hà mang đến cuộc thi 'ASEAN Youth and Digital Innovation for Early Warning and Anticipatory Action' (Thanh niên ASEAN và đổi mới kỹ thuật số trong việc cảnh báo sớm và hành động dự đoán) được ban tổ chức xếp giải Nhì. Nhân dịp này, phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với Minh Thiên và Hoài An về thành tích mà các em đạt được.

Phần thưởng ý nghĩa

- Được biết, Đình Thiên và Hoài An vừa trở về từ Thái Lan sau lễ tổng kết cuộc thi do Tổ chức FAO và ASEAN phối hợp tổ chức. Hai em có thể chia sẻ về trải nghiệm ý nghĩa này của mình?

- Đình Thiên: Đây là lần đầu tiên em tham gia một cuộc thi mang tầm quốc tế. Em rất vui và hào hứng. Khi đăng ký tham gia, em chỉ nghĩ đến để học hỏi, tích lũy kiến thức mới về cảnh báo sớm và hành động dự đoán rủi ro thiên tai. Vì thế, lúc hay tin bài thi đoạt giải, em và bạn Hoài An đều rất bất ngờ. Em chưa bao giờ nghĩ mình có thể đoạt giải tại một cuộc thi quy mô lớn đến vậy.

- Hoài An: Nhờ cuộc thi, chúng em có dịp đến đất nước Thái Lan. Tại đây, chúng em đã nhận được sự hỗ trợ rất chu đáo, toàn diện và kịp thời đến từ ban tổ chức - FAO và ASEAN. Không những thế, chúng em còn được trải nghiệm, kết bạn và giao lưu với đại diện đến từ các quốc gia ở Đông Nam Á khác như: Thái Lan, Indonesia, Philippines...

- Cơ duyên nào đưa các em đến với cuộc thi này?

- Hoài An: Trong lúc đang ôn thi học sinh giỏi tỉnh, chúng em được cô hiệu trưởng thông tin về cuộc thi. Ban đầu, cả hai còn phân vân về việc có tham gia hay không. Thế nhưng, nhờ sự cổ vũ của cô hiệu trưởng cùng một cựu học sinh Trường THPT Đông Hà, cũng là cố vấn trong việc xây dựng sản phẩm, chúng em thử liều một phen.

- Đình Thiên: Khi biết tin chúng em sẽ tham dự cuộc thi này, nhiều người lo lắng, sợ em và Hoài An sẽ rơi vào thế “xôi hỏng, bỏng không”. Hạn nộp bài tham gia cuộc thi do FAO, ASEAN tổ chức và kỳ thi học sinh giỏi khá sát nhau. Nghĩ cuộc thi là một cơ hội tuyệt vời nên chúng em mới mạnh dạn tham gia. Rất may mắn, cơ duyên đó đã đưa cả hai đến với kết quả trên mong đợi.

- Đề nghị các em chia sẻ đôi nét về sản phẩm mà mình mang đến cuộc thi?

- Đình Thiên: Trước thềm cuộc thi, em vẫn còn mơ hồ với khái niệm cảnh báo sớm và hành động dự đoán. Vì thế, đây cũng là một nguồn cảm hứng để chúng em làm video, là một đoạn phóng sự tuyên truyền tất tần tật, từ khái niệm, cách vận hành, một số giải pháp, thậm chí là kiến nghị, đề xuất... về hành động sớm. Trong quá trình thực hiện, chúng em gặp nhiều khó khăn. Bởi, mình chưa hiểu rõ bản chất thì khó thực hiện tốt. Vì vậy, cả hai đã dành nguyên một tuần để có thể hiểu hết vấn đề, tham khảo ý kiến của một số chuyên gia, từ đây xây dựng sườn kịch bản hoàn thiện nhất.

Đình Thiên và Hoài An (đứng thứ 6 và 7, từ phải sang) chụp ảnh với các thí sinh khu vực Đông Nam Á đoạt giải tại cuộc thi do Tổ chức FAO và ASEAN phối hợp tổ chức - Ảnh: NVCC

Đình Thiên và Hoài An (đứng thứ 6 và 7, từ phải sang) chụp ảnh với các thí sinh khu vực Đông Nam Á đoạt giải tại cuộc thi do Tổ chức FAO và ASEAN phối hợp tổ chức - Ảnh: NVCC

- Hoài An: Điều quan trọng nhất là chúng em đã quan sát thực trạng đáng lo ngại do thiên tai gây ra ngay tại địa phương để có thể nhìn nhận được điểm tồn tại, hạn chế về phương pháp phòng tránh thiên tai truyền thống, cũng như quan sát những tác động tích cực của hành động sớm trong cơn bão Noru vào tháng 9/2022 để xây dựng nội dung cho video.

- Nỗ lực ấy đã mang lại kết quả đáng mừng như thế nào?

- Hoài An: Lúc đầu, chúng em cũng không đặt quá nhiều kỳ vọng. Ngoài trải nghiệm, mục đích của chúng em có thêm kiến thức về việc phòng, chống thiên tai như một cách để góp phần xây dựng quê hương dưới vai trò là một người trẻ.

- Đình Thiên: Và thực sự, kết quả rất bất ngờ. Bởi, không chỉ học hỏi được thêm về một mảng trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, chúng em còn đoạt giải cao. Theo như em được biết, cuộc thi có 271 tác phẩm dự thi, trong đó có 48 sản phẩm cùng lĩnh vực (phim và đa phương tiện). Vậy mà bài dự thi của chúng em được xếp ở vị trí số hai. Đây đúng một kết quả vượt mong đợi.

Trách nhiệm trên vai những người trẻ

- Thời gian qua, thiên tai đã gây ra nhiều thiệt hại, nỗi đau cho con người. Tuy nhiên, không nhiều bạn trẻ quan tâm, tìm giải pháp phòng, chống thiên tai. Tại sao các em lại quan tâm đến vấn đề này?

- Đình Thiên: Em sinh ra và lớn lên tại Quảng Trị, một vùng đất chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai. Gần như năm nào gia đình em và người dân trong tỉnh cũng phải gồng gánh, chống chọi với mưa bão. Em vẫn còn nhớ, trong đợt mưa lũ năm 2020, gia đình em thiếu nước nguyên 1 tuần. Trong thời gian đó, em cảm thấy rất vất vả, huống gì các gia đình mất điện, mất nước lâu hơn. Vì thế, em rất quan tâm về vấn đề này. Em mong muốn không ai phải chịu thiệt thòi trước ảnh hưởng của thiên tai.

- Hoài An: Khi xem bản tin, những thước phim và từng tận mắt chứng kiến sức tàn phá khủng khiếp của thiên tai, em tự đặt cho mình câu hỏi: Liệu bản thân có thể góp phần nào vào công cuộc phòng chống thiên tai hay không? Câu hỏi đó luôn tồn tại trong tâm trí em. Cuộc thi do FAO và ASEAN tổ chức đã cho em cơ hội góp phần nâng cao nhận thức của mọi người về việc phòng, chống thiên tai. Dù không phải là việc gì quá lớn lao nhưng đối với em, đó là một vinh dự.

- Từ thực tiễn đã trải nghiệm và sản phẩm mình mang đến cuộc thi, hai em nhận thấy việc cảnh báo sớm và hành động dự báo về thiên tai có ý nghĩa như thế nào?

- Hoài An: Cảnh báo sớm và hành động dự đoán về thiên tai là giải pháp vô cùng cần thiết cho mọi quốc gia, đặc biệt là các nước Đông Nam Á - khu vực dễ xảy ra thiên tai. Chúng ta đã quá quen với việc chống bão lũ nhưng chưa biết làm thế nào cho khoa học và đạt hiệu quả để giảm thiểu rủi ro cũng như thiệt hại xuống mức thấp nhất. Cảnh báo sớm và hành động dự báo sẽ giúp giảm thiểu tối đa mất mát do thiên tai gây ra.

- Đình Thiên: Cảnh báo sớm và hành động dự báo cũng giống như một “lần tập duyệt” vậy. Việc có những yếu tố này cũng sẽ góp phần nâng cao nhận thức, sự cảnh giác của người dân trong phòng chống thiên tai. Hơn nữa, chính phủ các nước cũng sẽ giảm được một khoản tiền lớn vốn được dùng để khắc phục hậu quả sau thiên tai.

- Sản phẩm mà hai em mang đến cuộc thi vừa qua có thể mang lại điều gì ý nghĩa?

- Đình Thiên: Qua sản phẩm này, chúng em có thể truyền tải được khái niệm cảnh báo sớm và hành động dự đoán - một khái niệm còn rất mơ hồ - đến với người dân Quảng Trị nói riêng và Việt Nam, ASEAN nói chung, góp phần nâng cao nhận thức của mọi người trong việc phòng chống thiên tai. Đây là cơ sở để một ngày không xa, chúng ta sẽ không còn nhìn thấy cảnh đau thương do thiên tai gây ra.

- Hoài An: Mong rằng sản phẩm của chúng em sẽ là nguồn cảm hứng, thôi thúc các bạn trẻ cống hiến khả năng, sức sáng tạo và sự nhanh nhạy của mình trong công cuộc phát triển đất nước nói chung và phòng chống thiên tai nói riêng. Hy vọng những người trẻ sẽ cùng đồng lòng, góp sức vì một tương lai tươi sáng hơn cho không chỉ Việt Nam, ASEAN mà còn toàn nhân loại.

- Trở về từ cuộc thi, các em có thông điệp gì gửi đến bạn bè đồng trang lứa?

- Hoài An: Có lợi thế được tiếp cận công nghệ từ rất sớm và có sức sáng tạo vô tận, chúng ta - những người trẻ nên đặt nhiều nỗ lực hơn, dám nghĩ, dám làm, tự tin sáng tạo để góp phần vào việc phát triển quê hương, đất nước nói chung và phòng chống thiên tai nói riêng. Đó là thông điệp mà em muốn gử i gắm đến các bạn.

- Đình Thiên: Em mong mọi người nhớ câu khẩu hiệu của Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai năm 2024: “Trao quyền cho thế hệ trẻ vì một tương lai an toàn trước thiên tai”. Em nghĩ đã đến lúc người trẻ cần lên tiếng, góp phần xây dựng một cộng đồng an toàn trước thiên tai. Hãy chủ động ứng phó còn hơn là thụ động giải quyết hậu quả.

- Cảm ơn Đình Thiên và Hoài An!

Tây Long (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/gop-suc-tre-vi-mot-tuong-lai-an-toan-truoc-thien-tai-190392.htm