Học viên lớp xóa mù chữ đều ở tuổi lao động, duy trì sĩ số là điều GV trăn trở

Thời gian tới, các địa phương tiếp tục xác định công tác xóa mù chữ là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài.

Tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý một số công việc cần làm ngay, trong đó nhấn mạnh là có giải pháp xóa hoàn toàn nạn mù chữ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Theo đó, nhiều địa phương đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm xóa nạn mù chữ. Đặc biệt, tại các tỉnh như như Bắc Kạn, Hậu Giang, các lớp xóa mù chữ luôn được tích cực duy trì, góp phần nâng cao dân trí cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa.

Nhiều nỗ lực trong thực hiện công tác xóa mù chữ

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trần Quốc Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Ngã Bảy, Hậu Giang chia sẻ, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ là một trong những nhiệm vụ quan trọng luôn được được quan tâm. Đây cũng là nhiệm vụ cấp thiết, không thể thiếu và phải được đặt lên hàng đầu của việc nâng cao dân trí, là một tiêu chí để xây dựng xã hội học tập.

Thời gian qua, thành phố Ngã Bảy phấn đấu duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2; đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Mục tiêu cụ thể là duy trì 100% xã, phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; 100% trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non.

Đối với phổ cập giáo dục tiểu học, duy trì 100% xã, phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1; từ 92% trở lên trẻ 11-14 tuổi hoàn thành chương trình Tiểu học.

Đối với phổ cập giáo dục trung học cơ sở, duy trì 2/6 xã, phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2; 4/6 xã, phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3; từ 92% trở lên thanh thiếu niên từ 15-18 tuổi tốt nghiệp chương trình Trung học cơ sở.

Đối với công tác xóa mù chữ, duy trì 100% xã, phường đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; từ 90% trở lên người từ 15-60 biết chữ.

Dựa trên các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện chương trình xóa mù chữ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang, Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Ngã Bảy đã xác định công tác xóa mù chữ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành.

Hằng năm, phòng giáo dục và đào tạo phối hợp với ban chỉ đạo phổ cập giáo dục tại các xã, thị trấn thực hiện điều tra, thống kê, cập nhật số liệu, nắm chắc đối tượng trong độ tuổi phải xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở thuộc phạm vi phụ trách.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện, phối hợp với các đoàn thể để công tác tuyên truyền, vận động tối đa trẻ trong độ tuổi phổ cập đến trường, hỗ trợ cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em gái, trẻ em dân tộc thiểu số để thực hiện hiệu quả mục tiêu xóa mù chữ.

Đồng thời, duy trì trung tâm học tập cộng đồng cũng như đẩy mạnh tham mưu xây dựng chế độ chính sách cho người học, người dạy góp phần tạo điều kiện dạy tốt - học tốt, duy trì kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xóa mù chữ vẫn còn khó khăn như công tác huy động, duy trì sĩ số. Một số học viên là những người trong độ tuổi tham gia lao động, đi làm ăn xa nên công tác vận động trở về đi học còn gặp nhiều thách thức.

Với những người dân lớn tuổi cũng phải huy động, vận động người dân đi học, đồng thời, phổ cấp, nâng cao nhận thức đúng về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của việc học xóa mù chữ.

 Ảnh minh họa. Báo Chính phủ

Ảnh minh họa. Báo Chính phủ

Cùng bàn về vấn đề này, thầy Văn Phúc Hòa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân La, Phó Giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng xã Xuân La, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn cho biết, xã Xuân La là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Tày, Dao, Nùng, Kinh.. phân bổ rải rác ở các vùng khác nhau.

Nhiều người dân trong độ tuổi lao động không biết chữ. Vì vậy, trung tâm học tập cộng đồng xã Xuân La đã chủ động thành lập tổ vận động người dân học lớp xóa mù chữ.

Năm 2024, xã đã vận động người dân chưa biết chữ tham gia các lớp xóa mù chữ vượt so với kế hoạch đề ra. 100% học viên các lớp xóa mù chữ tại xã Xuân La đều là bà con dân tộc thiểu số. Các lớp học xóa mù chữ giúp người dân được tiếp cận thông tin, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Tuy nhiên, học viên tham gia các lớp xóa mù chữ trên địa bàn có trình độ rất đa dạng, hầu hết học viên đều trong độ tuổi từ 15 đến 60 và là lực lượng lao động chính trong gia đình.

Do đó, thời gian học tập cho lớp xóa mù chữ thường được trung tâm sắp xếp vào buổi tối từ thứ 2 đến thứ 6, đôi khi sẽ tổ chức vào thứ 7 và chủ nhật nếu người dân bận.

Khó khăn lớn nhất trong việc triển khai lớp xóa mù chữ là phần lớn người học là lao động, phải làm việc việc vất vả cả ngày ở đồng ruộng và nương rẫy, nhất là vào những mùa gặt.

Bên cạnh đó, khoảng cách địa lý giữa nhà dân và lớp học khá xa, vào mùa mưa, đường xá, giao thông còn khó khăn khiến việc khiến quá trình đi lại tương đối vất vả.

Vì đối tượng học viên đa dạng nên không thể áp dụng một phương pháp dạy học chung. Với những người lớn tuổi, trung tâm sẽ sử dụng linh hoạt các cách dạy khác nhau như thông qua các hình ảnh, trò chơi, ca hát để giúp người dân tiếp cận kiến thức một cách sinh động, trực quan.

Đồng thời, khi sử dụng các chương trình, tài liệu cũng phải dùng ngôn ngữ sao cho gần gũi, dễ hiểu với bà con.

“Nhiều học viên 1-2 tuần đầu không theo kịp có ý định bỏ học, thầy, cô trong trung tâm đều kịp thời động viên, chia sẻ, phổ biến tầm quan trọng của việc biết chữ.

Bằng những nỗ lực trên, bỏ qua tâm lý ngại ngùng, đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương cố gắng đồng thanh đánh vần từng con chữ. Dù giọng nói tiếng phổ thông còn chưa tròn vành, rõ chữ, nhưng tất cả mạnh dạn đọc to, đọc đều dưới sự hướng dẫn của thầy cô giáo”, thầy Hòa chia sẻ.

Còn theo cô giáo Lê Thị Mai - giáo viên dạy xóa mù chữ tại xã Ya Ly (Kon Tum), khi nhận nhiệm vụ đứng lớp giảng dạy cho học viên xóa mù chữ, phần nào đó cô cũng bị áp lực bởi cường độ công việc. Để khắc phục khó khăn, cô đã vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm bản thân tích lũy được trong thời gian công tác để nghiên cứu phương pháp dạy hiệu quả nhất.

Cô Mai cho biết, trăn trở nhất của những người giáo viên đứng lớp xóa mù chữ có lẽ là duy trì được sĩ số lớp. Đa phần học viên ban ngày đi làm rẫy, nên phải tạo động lực để mọi người cố gắng tới lớp đầy đủ. Bản thân giáo viên cũng cố gắng sắp xếp thời gian, cân bằng công việc ở nhà để tới lớp dạy mỗi tối.

Bên cạnh đó, có nhiều học viên phát âm tiếng phổ thông chưa chuẩn nên khi giao tiếp với giáo viên còn rụt rè. Vì vậy, một số học viên thường xuyên gặp khó khăn trong tiếp thu kiến thức.

Công tác xóa mù chữ là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài

Công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục ở các địa phương đã triển khai tích cực trong thời gian qua nhằm góp phần nâng cao dân trí vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tuy nhiên để tiếp tục nâng cao, góp phần xóa hoàn toàn nạn mù chữ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, thầy Tuấn đề ra một số giải pháp, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới về giáo dục đào tạo.

Đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở; tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ các cấp.

Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, phát huy các nguồn lực của toàn xã hội nhằm tăng cường cơ sở vật chất, giúp đỡ học sinh có khó khăn trong học tập, tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thực hiện các mục tiêu phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Tiếp tục phát huy vai trò, hiệu quả của các tổ chức trong và ngoài nhà trường để hỗ trợ cho học sinh hoàn cảnh khó khăn nhằm ngăn chặn tình trạng các em bỏ học giữa chừng; xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, thu hút học sinh.

 Ảnh: LD

Ảnh: LD

Còn theo Phó Giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng xã Xuân La, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn, thời gian tới đơn vị tiếp tục chỉ đạo giáo viên phối hợp với các ban ngành đoàn thể tại thôn vận động học viên ra lớp thông qua nhiều hình thức. Từ đó giúp họ hiểu được lợi ích của việc học, việc đọc chữ, biết chữ trong đời sống.

Bên cạnh đó, cần có thêm các chính sách hỗ trợ cho học viên tham gia các lớp xóa mù chữ. Đầu tư kinh phí để nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là trong công tác xóa mù chữ.

“Việc mở lớp học xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số mang lại ý nghĩa to lớn và thiết thực trong cuộc sống, giúp bà con nắm vững tiếng phổ thông, từ đó thuận lợi hơn trong giao tiếp và tự tin tham gia vào các hoạt động của thôn xóm và cộng đồng.

Điều này giúp họ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, từng bước cải thiện thu nhập, hợp tác làm ăn để cùng nhau phát triển kinh tế gia đình, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của cả nước”, thầy Hòa chia sẻ.

Thu Trang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/hoc-vien-lop-xoa-mu-chu-deu-o-tuoi-lao-dong-duy-tri-si-so-la-dieu-gv-tran-tro-post247783.gd