Góp sức vì một thành phố xanh - sạch - đẹp
Khi phố xá lên đèn, dòng người tấp nập trở về nhà sau một ngày làm việc, cũng là lúc những người lao công lặng lẽ bắt đầu công việc của mình. Họ không ồn ào, không phô trương, nhưng chính bàn tay cần mẫn ấy đã góp phần làm cho phố phường thêm sạch đẹp. Nghề lao công – tuy giản dị nhưng lại mang một giá trị cao đẹp mà không phải ai cũng thấu hiểu.
4 giờ sáng, khi mọi người vẫn chìm sâu trong giấc ngủ, những người lao công cùng chiếc chổi tre và xe kéo vẫn miệt mài trên các nẻo đường. Công việc của họ tưởng chừng đơn giản nhưng lại vô cùng vất vả. Họ phải làm việc trong những khung giờ đặc biệt - khi đường phố đã lên đèn hoặc trong những buổi sớm tinh mơ; bất kể trời nắng gay gắt hay mưa giông rét buốt, họ vẫn miệt mài quét từng con đường, thu gom từng túi rác.
Tôi gặp chị Nguyễn Thị Nghĩa - tổ trưởng tổ 1, đội vệ sinh môi trường thành phố - Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Lai Châu trên tuyến đường Trần Phú. Trong cái lạnh tê tái của những ngày đầu năm mới, chị với cây chổi tre và chiếc xe kéo vẫn cặm cụi với công việc thường nhật. Đôi bàn tay thoăn thoắt vừa quét, vừa dọn những đống rác lớn nhỏ lên xe chị vừa kể cho tôi nghe, chị gắn bó với công việc này đã được 20 năm, ngày nào chị cũng bắt đầu công việc của mình từ lúc 4 giờ sáng và buổi tối từ 18 giờ cho đến khi dọn xong. Không chỉ đối mặt với điều kiện làm việc, thời tiết khắc nghiệt, chị còn phải tiếp xúc với rác thải, bụi bẩn và nhiều nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe. Có những khi, chỉ vì một chút bất cẩn của người dân, chị đã bị thương do những mảnh chai, kim tiêm hay vật sắc nhọn lẫn trong rác. Tuy vất vả là vậy, nhưng với những người công nhân vệ sinh môi trường như các chị thì mỗi con đường, mỗi tuyến phố đều gắn bó thân thương, đó cũng là động lực mỗi ngày để chị tiếp tục công việc và gắn bó với nghề.

Khi phố xá lên đèn, chị Nguyễn Thị Nghĩa - tổ trưởng tổ 1, đội vệ sinh môi trường thành phố - Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Lai Châu bắt đầu công việc của mình.
Trong tổ của chị còn có những nữ lao công từ khi bước vào nghề đến nay đã có hơn 10 năm, mong muốn một ngày được tự tay nấu và cùng gia đình người thân ăn một bữa cơm tất niên trọn vẹn mà vẫn chưa thực hiện được. Tránh làm sao khỏi những phút chạnh lòng do công việc đặc biệt. Thế nhưng để mọi người được đón ngày đầu tiên của năm mới với không khí thật trong lành, sạch sẽ, các chị đã sẵn sàng gác lại hạnh phúc bé nhỏ của bản thân để hoàn thành trách nhiệm của tổ, của Công ty giao. Các chị đã góp phần làm cho cuộc sống thêm sạch đẹp, văn minh. Và đằng sau những bước chân thầm lặng ấy là một công việc cao quý mà không phải ai cũng làm được.
Nghề lao công không hào nhoáng, không nổi bật, nhưng lại là một phần không thể thiếu của xã hội; bởi nếu không có họ, rác thải sẽ chất đống, môi trường ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Chính sự tận tụy của những người lao công đã góp phần mang lại không gian sống trong lành, tạo dựng hình ảnh đẹp cho đô thị và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Chị Nguyễn Thị Minh - công nhân Công ty TNHH số 10 Lai Châu chia sẻ: Mình đã gắn bó với nghề này đã 14 năm. Niềm hạnh phúc với mỗi người lao công như chúng mình là được cống hiến và góp phần làm cho thành phố xanh, sạch và đẹp hơn. Công việc cũng giúp mình có thu nhập để nuôi con nên mình chỉ mong có sức khỏe tốt để tiếp tục công việc. Tuy nhiên có nhiều lúc các chị thấy chạnh lòng bởi vẫn còn những ánh nhìn thiếu thiện cảm, những hành động thiếu ý thức như vứt rác bừa bãi, khi được nhắc nhở thì lại buông những lời nặng nề xúc phạm, thậm chí là những lời nói coi thường. Chính vì vậy, bằng những hành động đẹp, văn minh, mỗi người chúng ta cần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung, bỏ rác đúng nơi quy định và dành cho họ sự tôn trọng chân thành. Một lời chào, một nụ cười hay đơn giản là sự thấu hiểu cũng đủ để họ cảm thấy ấm lòng giữa những đêm dài lặng lẽ. Và hơn hết, xã hội cần có những chính sách hỗ trợ tốt hơn để đảm bảo đời sống và điều kiện làm việc cho những người lao công – những người đang âm thầm giữ gìn vẻ đẹp của thành phố mỗi ngày.
Chia tay chị Nghĩa, chị Minh khi tiếng chổi đêm vẫn xào xạc đều đặn trên những con đường vắng, trong tôi gợn lên một cảm giác khó tả. Dẫu biết rằng trong xã hội mỗi nghề nghiệp đều có sự hy sinh, cống hiến đáng quý và đáng trân trọng. Song, có lẽ nghề lao công lại là công việc thầm lặng nhất. Nhờ có họ mà thành phố luôn được tươi trẻ, trong lành và không có ô nhiễm. Để rồi sớm mai, khi vầng dương bừng sáng, người người tấp nập nhộn nhịp trên những con đường sạch sẽ, liệu rằng có ai nhớ đến tiếng chổi trong đêm?
Câu thơ đầy cảm thông, thấu hiểu của nhà thơ Tố Hữu về hình ảnh chị lao công bỗng ùa về: “Những đêm đông, khi cơn giông vừa tắt/ tôi đứng trông, trên đường lặng ngắt/ chị lao công như sắt như đồng/ chị lao công đêm đông quét rác…”. Chỉ mong rằng mỗi chúng ta, thêm một chút ý thức, thêm một chút tự giác để các cô, các chị vơi bớt những nhọc nhằn, vơi bớt những giọt mồ hôi, cùng góp sức cho không gian đô thị luôn sạch sẽ, tươi mát mỗi ngày.