Góp sức xây dựng xã hội học tập suốt đời
Thực hiện Đề án 'Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ' của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2014 đến nay, hệ thống thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa, nhà văn hóa và các câu lạc bộ trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động đa chiều, góp phần nâng cao trình độ dân trí, năng lực sáng tạo của nhân dân.
Góp sức xây dựng xã hội học tập
Xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng
Những chuyến xe “Ánh sáng tri thức” mang giá trị gieo mầm, giúp các em tiếp cận với sách của Thư viện tỉnh đang trở thành hình ảnh quen thuộc với học sinh các trường học trong tỉnh. Một không gian mở, thân thiện với nhiều loại sách từ khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, truyện, lịch sử và cả dàn máy tính được kết nối internet… giúp học sinh, đặc biệt là ở vùng điều kiện còn khó khăn có cơ hội tiếp cận và thụ hưởng những lợi ích về kinh tế, xã hội do công nghệ thông tin mang lại.
Tạo dựng thói quen đọc sách cho trẻ ngay từ nhỏ, đây là một cách để thực hiện việc học tập suốt đời. Bởi thế, Thư viện tỉnh đang tạo mọi điều kiện về không gian phòng phục vụ, hỗ trợ người đọc tìm kiếm và khai thác thông tin, rút ngắn thời gian cấp thẻ thư viện, số hóa tài liệu, sử dụng mạng xã hội giới thiệu sách, tổ chức các hoạt động công cộng đưa văn hóa về cơ sở… để kích thích bạn đọc tìm đến với sách nhiều hơn.
Đáng mừng là nhiều thư viện trường học đã xây dựng được các mô hình “Thư viện xanh” và tổ chức hội thi kể chuyện về Bác Hồ, cuộc thi đọc sách. Nhiều nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng ở các phường, xã, thôn xây dựng được các tủ sách và tủ sách pháp luật phục vụ nhu cầu tìm hiểu thông tin của người dân…
Học từ những giá trị truyền thống
Bên cạnh học qua sách báo, tạp chí, internet, chúng ta còn có thể học qua những hoạt động giáo dục truyền thống tại bảo tàng, di tích, thậm chí tham gia các chương trình văn hóa, nghệ thuật do địa phương tổ chức.
Toàn tỉnh hiện có 28 di tích quốc gia, 42 di tích cấp tỉnh. Hầu hết các di tích cấp quốc gia đã được đầu tư trùng tu, tôn tạo bằng nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia của Nhà nước và nguồn kinh phí xã hội hóa, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân và phục vụ phát triển du lịch. Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh cũng như Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận rất quan tâm đến hoạt động hướng dẫn tham quan; sưu tập bổ sung hiện vật, hình ảnh, tư liệu về lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán truyền thống để trưng bày, phục vụ du khách. Người xem được trực tiếp quan sát hiện vật, nghe cán bộ thuyết minh kể những câu chuyện lịch sử gắn liền với hiện vật gốc, với những nhân vật lịch sử. Đây chính là cầu nối giữa bảo tàng với du khách, qua đó khuyến khích mọi người chia sẻ những hiểu biết cũng như những suy nghĩ của bản thân về các vấn đề mình quan tâm.
Riêng Bảo tàng tỉnh hàng năm đều có kế hoạch hoạt động chuyên đề gửi các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và chương trình phối hợp tham quan, học tập, trải nghiệm tại bảo tàng. Trong đó nhiều trường học đã triển khai thành công các tiết học ngoại khóa ngay tại điểm di tích. Đơn cử như Trường THCS Nguyễn Thông, từ chương trình sinh hoạt tại chỗ dưới cờ, nhóm, nhà trường đã hướng dẫn các em đi thực tế tại lăng mộ Nguyễn Thông, tìm hiểu nghề truyền thống, văn hóa dân tộc Chăm tại tháp Pô Sah Inư… Nhờ vậy các em nắm được những nét cơ bản về tiểu sử của cụ Nguyễn Thông và công lao to lớn của ông đối với quê hương, dân tộc. Biết được vị trí, kiến trúc tháp Pô Sah Inư, tự tay làm sản phẩm gốm và hiểu hơn những nghi lễ, trò chơi, văn nghệ dân gian tổ chức tại lễ hội Ka Tê hàng năm. Từ đó có ý thức bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa và môi trường sống.
Cô Đặng Thị Thanh Vân – giáo viên Tổng phụ trách Đội nhà trường đánh giá: “Dạy và học lịch sử, di sản ở địa phương không chỉ giúp học sinh hiểu về mảnh đất và con người nơi mình sinh ra và lớn lên, hun đúc niềm tự hào, giáo dục truyền thống, trách nhiệm công dân mà còn là cách để học sinh nhận thức sâu sắc lịch sử dân tộc, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể bao gồm lối sống, lễ hội, nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực, trang phục truyền thống...”.
Ông Trần Văn Bé - Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Hàng năm thư viện đều bổ sung từ 4.000 - 6.000 bản sách, 60 - 80 loại báo, tạp chí, số hóa 3.000 tài liệu, 7 bộ sưu tập tài liệu số về lịch sử, di tích, danh thắng, về y học và sức khỏe. Đồng thời phối hợp luân chuyển 1.000 bản sách cho mỗi trại giam và tổ chức cuộc thi viết cảm nhận về sách cho phạm nhân; luân chuyển sách tới 11 bưu điện văn hóa xã, với 2.300 bản sách. Cử cán bộ đến các trường học, cơ sở đào tạo vận động sinh viên, học sinh đến thư viện đọc sách; miễn phí cấp thẻ, sử dụng các dịch vụ thư viện và truy cập internet cho người đọc; tổ chức các chương trình phục vụ thiếu nhi vào dịp hè.
Thục Anh