Góp ý bản thảo Sách 'Lịch sử truyền thống ngành Kiểm tra Đảng tỉnh Gia Lai'
Sáng 18-8, tại Trụ sở Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo biên soạn Sách Lịch sử truyền thống ngành Kiểm tra Đảng tỉnh tổ chức Hội thảo góp ý bản thảo Sách 'Lịch sử truyền thống ngành Kiểm tra Đảng tỉnh Gia Lai'.
Đồng chí Thái Thanh Bình-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo biên soạn Sách; Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân-nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh, Phó Chủ nhiệm nhiệm vụ biên soạn Sách đồng chủ trì hội thảo. Tham dự Hội thảo có các thành viên Ban Chỉ đạo Biên soạn Sách và các đồng chí nguyên lãnh đạo ngành Kiểm tra Đảng tỉnh qua các thời kỳ.
Báo cáo đề dẫn hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân nêu rõ: Bản thảo lần thứ nhất cuốn sách “Lịch sử truyền thống ngành Kiểm tra Đảng tỉnh Gia Lai” giai đoạn 1945-2020 có 214 trang, gồm 6 chương và kết luận. Cụ thể, Chương 1-tỉnh Gia Lai và công tác kiểm tra Đảng từ khi thành lập Đảng bộ tỉnh đến năm 1954; Chương 2-công tác kiểm tra của Tỉnh ủy Gia Lai trong kháng chiến chống Mỹ và những ngày đầu giải phóng (1954-1975); Chương 3-công tác kiểm tra của Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum (1975-1991); Chương 4-đổi mới công tác kiểm tra, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng (1991-2000); Chương 5-công tác kiểm tra của Tỉnh ủy Gia Lai (2000-2010); Chương 6-công tác kiểm tra của Tỉnh ủy Gia Lai (2011-2020).
Trong đó, 2 chương đầu tập trung làm rõ các nội dung về điều kiện tự nhiên-xã hội và những thuận lợi, khó khăn trong công tác kiểm tra Đảng; công tác kiểm tra Đảng tỉnh Gia Lai từ khi thành lập Đảng bộ tỉnh đến năm 1954; công tác kiểm tra của Tỉnh ủy Gia Lai từ năm 1954-1970; Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai ra đời và công tác kiểm tra của Tỉnh ủy Gia Lai từ tháng 6-1070 đến tháng 11-1975. Các chương còn lại tập trung làm rõ các nội dung: Tổ chức bộ máy; hoạt động của Ủy ban kiểm tra các cấp; công tác xây dựng ngành tương ứng với từng giai đoạn. Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân cũng thông tin, quá trình biên soạn cuốn sách, Ban Biên soạn cũng gặp phải một số khó khăn nhất định, vì thời gian có hạn, tài liệu lưu trữ về ngành còn ít, nhiều nhân chứng quan trọng trong thời kỳ kháng chiến không còn,...
Tại hội thảo, các đại biểu bày tỏ vui mừng khi tỉnh quyết định biên soạn, xuất bản cuốn sách và nỗ lực của các thành viên Ban Biên soạn. Các đại biểu cơ bản thống nhất với kết cấu, bố cục bản thảo. Đồng thời tham gia ý kiến cho rằng, nội dung, tiêu đề của từng chương cần bám sát từng giai đoạn cách mạng lịch sử của Đảng bộ tỉnh; ở mỗi giai đoạn cần rút ra bài học kinh nghiệm để làm rõ những đóng góp của ngành trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; con người, sự kiện, thời gian phải rõ ràng, chính xác, dễ hiểu và giữa các chương, mục cần đảm bảo tính logic;...
Phát biểu tại hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thái Thanh Bình nhấn mạnh: Việc biên soạn Sách “Lịch sử truyền thống ngành Kiểm tra Đảng tỉnh Gia Lai” có ý nghĩa lịch sử, nhân văn sâu sắc; thể hiện tình cảm, trách nhiệm và sự tri ân của thế hệ cán bộ, công chức ngành Kiểm tra Đảng tỉnh hôm nay với các thế hệ đi trước. Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy trân trọng cảm ơn các ý kiến đóng góp quý báu của các đồng chí nguyên lãnh đạo ngành Kiểm tra Đảng tỉnh qua các thời kỳ và khẳng định Ban Biên soạn sẽ tiếp thu đầy đủ, nghiên cứu, bổ sung, biên soạn để hoàn thiện cuốn sách một cách hoàn chỉnh nhất, logic nhất. Dự kiến cuốn sách “Lịch sử truyền thống ngành Kiểm tra Đảng tỉnh Gia Lai” sẽ xuất bản vào cuối năm 2023.