Góp ý các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV
Các ý kiến đồng thuận với tính cấp thiết, khách quan cũng như nội dung của các dự án luật và kiến nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung một số quy định để luật phát huy vai trò trong thực tiễn đời sống xã hội.

Quang cảnh hội nghị.
Chiều 25/4, Công an tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội thảo tuyên truyền, lấy ý kiến đối với các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV năm 2025.
Dự hội nghị có đồng chí Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành có liên quan; đại diện lãnh đạo các trại giam thuộc Cục C10, Bộ Công an, cùng chỉ huy các phòng chức năng Công an tỉnh.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Đại tá Phùng Xuân Tiến, Phó Giám đốc Công an tỉnh đã thông tin khái quát tính cấp thiết, khách quan, cũng như nội dung cơ bản của 7 dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua trong những kỳ họp tới. Đồng thời khẳng định, những dự án luật này có ý nghĩa chính trị và pháp lý rất quan trọng, tạo cơ sở, nền tảng vững chắc giúp lực lượng Công an Nhân dân chủ động trong công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, chính sách về an ninh trật tự, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội...

Đại tá Phùng Xuân Tiến, Phó Giám đốc Công an tỉnh phát biểu đề dẫn hội thảo.
Đồng chí mong muốn các đại biểu tham dự hội thảo tập trung trí tuệ, thảo luận, đóng góp ý kiến thiết thực, nhằm xây dựng, hoàn thiện các dự án luật đáp ứng yêu cầu, chất lượng cao. Đồng thời tổ chức tuyên truyền dự thảo luận rộng rãi trong cơ quan đơn vị sau khi Luật được Quốc hội thông qua.
Tại hội thảo, Công an tỉnh đã trình bày nội dung 7 dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV tại các kỳ họp năm 2025, gồm: Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự sửa đổi; Bộ Luật Hình sự sửa đổi; Luật Dẫn độ; Luật Thi hành án hình sự sửa đổi; Luật Chuyển giao người chấp hành án phạt tù; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú sửa đổi.

Đại biểu thảo luận tại hội thảo.
Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu nhất trí về sự cần thiết, khách quan của việc xây dựng các dự án luật, nhất là yêu cầu từ Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và đòi hỏi thực tiễn sau sắp sếp tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Nêu lên một số vấn đề phát sinh từ thực tiễn công tác, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến vào từng dự án luật và đề xuất cơ quan soạn thảo chỉnh sửa một số nội dung đảm bảo phù hợp với thực tiễn thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật, cũng như công tác phối hợp với các sở, ngành liên quan...
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ lưỡng tính đồng bộ với các luật hiện hành, cũng như làm rõ một số quy định trong dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự sửa đổi.
Nhiều ý kiến cũng đề xuất, cơ quan soạn thảo cần chú trọng tính định lượng, cụ thể hóa trong quy định mức độ phạm tội ở một số tội danh, nhất là các tội danh về ma túy trong dự án Bộ Luật Hình sự sửa đổi.
Phát biểu tại hội thảo, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Mai Văn Hải đã thông tin sơ bộ về khối lượng công việc trong kỳ họp tới đây của Quốc hội khóa XV. Đồng thời đánh giá cao Công an tỉnh trong việc tổ chức hội thảo này.

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Mai Văn Hải phát biểu tại hội thảo.
Đánh giá cao các ý kiến thảo luận tại hội thảo, đồng chí Mai Văn Hải cho rằng, đó là những ý kiến xác đáng, khách quan, xuất phát từ thực tiễn công tác. Từ đó đại biểu đề xuất, kiến nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xây dựng luật sát với thực tiễn và phát huy vai trò trong đời sống xã hội.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cũng cho rằng, các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo rất chu đáo, kỹ lưỡng, đã thể chế hóa được các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, phù hợp với cơ cấu, tổ chức bộ máy mới của chính quyền 3 cấp và tên gọi sau khi thực hiện phương án sáp nhập...