Góp ý đối với dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, qua 12 năm đi vào hoạt động đã góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mang lại những giá trị thiết thực khuyến khích sản xuất và tiêu dùng. Tuy nhiên, đến nay, Luật cũng bộc lộ nhiều hạn chế cả về nội dung và kết quả thực hiện.
Ngày 26/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị góp ý vào dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội chủ trì hội nghị.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, qua 12 năm, đã góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mang lại những giá trị thiết thực khuyến khích sản xuất và tiêu dùng. Tuy nhiên, đến nay, Luật cũng bộc lộ nhiều hạn chế cả về nội dung và kết quả thực hiện. Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) có 7 Chương, 79 Điều, quy định khá chi tiết, toàn diện, nêu đầy đủ các khía cạnh có liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, từ đối tượng người được hưởng thụ, quyền lợi của người tiêu dùng, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thương mại, đến giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh, cũng như trách nhiệm của Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội…
Góp ý vào Dự thảo Luật, ông Phạm Ngọc Thảo, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ- Pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cho rằng: Dự thảo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu, kế thừa những nội dung quan trọng của Luật trước đây, đồng thời, bổ sung nhiều nội dung quan trọng như quy định những điều cơ bản về nguyên tắc, phạm vi đối tượng, quyền của người tiêu dùng được pháp luật bảo vệ…Về cơ bản, ông Phạm Ngọc Thảo đồng tình với nội dung dự thảo Luật, đồng thời, bổ sung một số nội dung về: nghĩa vụ của người tiêu dùng, hành vi bị cấm; đảm bảo an toàn, đo lường chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng; cung cấp thông tin về sản phẩm; trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật…
Còn theo Tiến sỹ Đinh Hạnh, Chủ nhiệm hội đồng tư vấn Kinh tế, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, đây là một lĩnh vực phức tạp, khó khăn, có liên quan đến đời sống kinh tế-xã hội của tất cả các tầng lớp nhân dân. Dự thảo Luật (sửa đổi) đã được soạn thảo khá đầy đủ, toàn diện, thể hiện được sự công bằng, rõ ràng, minh bạch giữa lợi ích, quyền lợi của người tiêu dùng với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trước pháp luật. Tuy nhiên, Chương IV, Điều 48 có quy định trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, nhưng quy định này còn chưa rõ, quá đơn giản, chưa đầy đủ với chức năng của Mặt trận, do đó, phải bổ sung Điều 48 cụ thể và rõ ràng hơn. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của MTTQ Việt Nam về 4 nội dung: xây dựng chủ trương, chính sách, luật pháp; Phản biện xã hội; Giám sát; Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ được pháp luật quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ông Bạch Thành Định, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn tôn giáo, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội lại cho rằng, trong điều 2, khoản 2: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh” cần bổ sung thành “Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh” vì không chỉ người kinh doanh có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà trước tiên, người sản xuất phải là người đầu tiên có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Vì vậy, cần bổ sung vào các điều trên đây cũng là “đối tượng áp dụng”. Ngay từ “đối tượng áp dụng” cũng nên thay bằng từ “đối tượng thi hành”.
Phát biểu kết luận hội nghị, bà Nguyễn Thị Kim Anh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, những chuyên gia đã từng công tác trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đã nghiên cứu kỹ dự thảo Luật.
Bà Nguyễn Thị Kim Anh cho biết, đến thời điểm này, Dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã được đánh giá chuẩn bị công phu, cơ bản đáp ứng theo nhu cầu hiện nay. Các ý kiến tại hội nghị sẽ được tiếp thu, hoàn thiện hơn nữa để đảm bảo vừa phù hợp thông lệ quốc tế và nhu cầu xã hội ngày càng phát triển giúp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. MTTQ Việt Nam với chức năng giám sát, phản biện sẽ góp phần đồng hành cùng Quốc hội để thoàn thiện thể chế, trực tiếp là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho phù hợp thực tiễn và đi vào cuộc sống.