Góp ý Dự án Luật Đất đai (sửa đổi): Sâu sắc và xác đáng
Thời gian qua, rất nhiều ý kiến góp ý đóng góp, đề xuất cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là một dự án luật nhận được sự quan tâm rộng rãi của toàn xã hội. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cũng đã vào cuộc một cách bài bản, khoa học; tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, cụ thể của các tầng lớp nhân dân.
Vai trò nổi bật của MTTQ Việt Nam
Ngày 15/9/2022, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến phản biện xã hội đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi); nhằm góp phần hoàn thiện Dự án luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp lần thứ 4 Quốc hội khóa XV. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học, thành viên Hội đồng Tư vấn UBTƯ MTTQ Việt Nam và gần 3.500 đại biểu tại điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, MTTQ Việt Nam rất quan tâm tới việc xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) bởi dự án Luật này tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, chính trị, môi trường, quốc phòng - an ninh, tác động đến mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Luật Đất đai sửa đổi sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân, góp phần giải quyết các vụ việc khiếu kiện hiện nay liên quan đến đất đai.
Tiếp đó, ngày 21/2/2023, UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị.
Tới nay, UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng như MTTQ các địa phương đã tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Gần đây nhất, ngày 6/3/2023, Hội đồng Tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Hội nghị do Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Phùng Khánh Tài chủ trì.
Tại Hội nghị, đa số các đại biểu đều cho rằng Luật Đất đai là một trong số các luật có tác động to lớn đến sự phát triển của đất nước về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng cũng như đối với đời sống của người dân. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã kế thừa Luật Đất đai trước đây, đồng thời có giảm bớt và bổ sung một số điều khoản quan trọng, phù hợp với điều kiện thực tế.
PGS.TS Phạm Hữu Tiến - Ủy viên Hội đồng Tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường cho rằng, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Điều này đã được thừa nhận từ lâu, trong khi Chương V của dự thảo Luật ghi rõ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Chương VI cũng ghi rõ về việc thu hồi đất vì mục đích quốc phòng an ninh và để phát triển kinh tế - xã hội. “Những quy định đó là cần thiết nhưng vì sao vẫn còn tình trạng dân khiếu kiện và xuất hiện tham nhũng trong những công việc nói trên” - ông Tiến đặt vấn đề.
Còn GS Trần Đình Long - Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường cho rằng, trong vấn đề thu hồi đất nông nghiệp, người nông dân luôn là đối tượng “cực khổ” nhất. “Hiện nay, nhiều nhà ở như tại khu An Khánh (Hà Nội) vẫn còn bỏ hoang. Bất cập là vậy nhưng lúc đền bù đất nông nghiệp, nông dân chỉ nhận được mức đền bù rất thấp. Tôi đề nghị quy định trong dự thảo Luật Đất đai lưu ý thêm quy định về thu hồi đất nông nghiệp, làm sao để người nông dân không phải chịu thiệt thòi”- ông Long kiến nghị.
Trong tư cách những người gần dân, nghe được tâm tư nguyện vọng của người dân, vì thế thành viên các Hội đồng tư vấn của UBTƯ MTTQ Việt Nam luôn có những ý kiến đóng góp, đề xuất, kiến nghị sâu sắc và xác đáng.
Những “nút thắt” cần tháo gỡ
Thời gian qua, đã có nhiều ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó nhiều vấn đề được coi là rất thiết thực với người dân nhưng bất cập, là “nút thắt” cần được tháo gỡ.
Trước hết, là giá đất. Nhiều ý kiến cho rằng thời gian qua cơ chế xác định giá đất còn nhiều bất cập mà nguyên nhân chủ yếu do việc xác định giá đất thấp hơn so với giá thị trường, quyền sử dụng đất chưa minh bạch gây thất thu ngân sách nhà nước, cùng đó là nhiều tiêu cực, tham nhũng.
Đại biểu Quốc hội Trần Đình Văn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng) cho rằng, Dự án Luật Đất đai sửa đổi chưa có quy định cụ thể về phương pháp định giá đất, trong khi đây là một nội dung có ý nghĩa then chốt quyết định đến việc xác định được giá đất theo nguyên tắc thị trường. Còn theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM cho rằng, Điều 153 Dự thảo Luật Đất đai quy định việc định giá đất phải bảo đảm 5 nguyên tắc. Tuy nhiên, cần phải xem xét các nguyên tắc đó đã phù hợp với thị trường bất động sản và thực tế đời sống hay chưa, bởi việc định giá đất cần phải đảm bảo tạo điều kiện cho người dân tiếp cận đất đai trong thời gian tới, từ đó giảm thiểu được tình trạng lệch pha cung cầu mà thị trường đang gặp phải.
Nhiều ý kiến cho rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) thì người dân phải được hưởng lợi sau khi bị thu hồi đất. Có nghĩa là việc thu hồi và bồi thường, thực hiện tái định cư phải bảo đảm cho người bị thu hồi có chỗ ở, có điều kiện sống tốt, bảo đảm thu nhập bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Vấn đề đất đai nảy sinh khiếu kiện phức tạp nhiều khi lại xuất phát từ ngay trong gia đình. Nhiều ý kiến đặt vấn đề về việc vợ và chồng cùng đứng tên trên sổ đỏ sẽ giúp hạn chế tranh chấp tài sản; trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người.
Một số ý kiến đề xuất bỏ quy định về hộ gia đình sử dụng đất để tránh tranh chấp, vì hiện nay việc xác định các thành viên trong hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến việc thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất.
Đối với các trường hợp cấp đất ở ghi nhận hộ gia đình (mặc dù đất thuộc quyền sử dụng của riêng hai vợ chồng) thì khi chuyển quyền… phải yêu cầu có đủ chữ ký của các thành viên trong hộ (vợ, chồng và các con), nhiều trường hợp một trong các thành viên đi công tác xa ở nước ngoài thì rất khó khăn để thực hiện thủ tục, phải chờ đợi người thân quay về nhà hoặc xin giấy ủy quyền thông qua đại sứ quán… rất phức tạp.
Vì thế, cần phải sửa đổi quy định theo hướng đất cấp cho hộ gia đình trong các trường hợp người thân phân tán nhiều nơi thì phải có một hoặc hai người đại diện, có thể thực hiện các quyền của người sử dụng đất dựa trên đại diện và ủy quyền bởi những người còn lại.
Theo Kế hoạch số 676/KH-MTTW-BTT của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng và tạo sự đồng thuận trong nhân dân về việc hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hệ thống MTTQ Việt Nam và toàn dân đối với việc sửa đổi Luật Đất đai và và thi hành Luật Đất đai.
Thời gian lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 3/1/2023 đến hết ngày 15/3/2023.