Góp ý dự thảo của 3 nghị định, quy định về công tác cán bộ
Ngày 27/3, tại tỉnh Ninh Thuận, lãnh đạo Sở Nội vụ của 14 tỉnh, thành phố khu vực miền trung-Tây Nguyên tham dự hội thảo góp ý kiến vào dự thảo các nghị định, quy định về chính sách tinh giản biên chế; khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách… do Bộ Nội vụ tổ chức.
Phát biểu chủ trì, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh: Việc tổ chức hội thảo để lấy ý kiến đóng góp trực tiếp rất quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước. Do đó, việc đóng góp ý kiến có trách nhiệm và tâm huyết của ngành nội vụ các tỉnh, thành phố có tính quyết định đến công tác quản lý, điều hành công tác cán bộ trong tình hình mới. Những ý kiến đóng góp phải dựa vào nguyên tắc chung, đó là phải có cơ sở chính trị, các Nghị quyết của Đảng; phải căn cứ trên cơ sở pháp lý đó là các luật có liên quan và từ thực tiễn đặt ra…
Qua thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng, nội dung của ba dự thảo nghị định đều mới và khó, nhất là Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Theo nhiều đại biểu, cần có sự bàn thảo chung của toàn Đảng, toàn dân, chứ không riêng của ngành nội vụ. Như vậy, nghị định được ban hành sẽ là hành lang pháp lý để bảo vệ cán bộ. Nghị định không những có ý nghĩa chính trị, mà còn có ý nghĩa xã hội cao. Nội dung này cần đòi hỏi luật pháp phải hoàn chỉnh, tránh bất cập, cồng kềnh, tránh quy định hóa. Việc này cũng phải dựa trên căn cứ, quy định của pháp luật.
Đối với dự thảo nghị định, quy định về chính sách tinh giản biên chế, nếu từ nay đến năm 2026, phải giảm 5% biên chế công chức và 10% viên chức thì nên có cơ chế chính sách đủ mạnh, rõ ràng để quản lý, hỗ trợ cán bộ, nhất là cán bộ dôi dư thuộc diện tinh gọn để sắp xếp lại tổ chức bộ máy hoạt động hiệu quả.
Nội dung tinh giản biên chế, cần làm rõ, xác định tuổi nghỉ hưu tính theo từng năm hay theo Nghị định 135. Bên cạnh đó, đối tượng cán bộ hoạt động không chuyên trách là vấn đề mới. Do đó tại khoản 4, điều 4 của Nghị định cần bổ sung cả thôn, khu phố.
Đối với công chức cấp xã, Bộ Nội vụ nên tính toán lâu dài để có sự liên thông trong công việc, trong quản lý. Đối với vấn đề công chức kiêm nhiệm, tùy theo công việc để bố trí kiêm nhiệm phù hợp.
Về thẩm quyền tuyển dụng công chức cấp xã, Bộ Nội vụ cần linh hoạt, xem xét và hướng dẫn các địa phương thực hiện, tránh bị động, nhất là trong vấn đề thi tuyển, giúp tiết kiệm ngân sách, phù hợp với thực tiễn công việc ở mỗi địa phương, đơn vị.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Định Lê Minh Tuấn, dự thảo Nghị định liên quan đến cán bộ công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp thôn, khu phố, Bộ Nội vụ nên để các tỉnh, thành phố giao cho chính quyền cấp huyện thực hiện việc tuyển dụng cán bộ công chức cấp xã, đồng thời xem xét để bố trí người làm phù hợp, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ kiêm nhiệm ở thôn, khu phố.
Đối với cán bộ thực hiện nhiệm vụ văn phòng không nên thực hiện việc kiêm nhiệm, bởi cán bộ thực hiện công việc này khá quan trọng, nhiều việc và cần phải có cán bộ có năng lực để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao.
Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Khánh Hòa Võ Chí Vương góp ý kiến, việc quyết định cho thôi việc, phụ cấp, đóng bảo hiểm xã hội đối với người không chuyên trách… Bộ Nội vụ nên xem xét và có sự điều chỉnh, bởi đây là trường hợp hưởng theo phụ cấp, cần miễn đóng công đoàn phí…
Chủ trì cuộc hội thảo đã ghi nhận rất nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng và đầy trách nhiệm của các đại biểu.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, nhiều ý kiến đã làm cụ thể hơn những nội dung của các dự thảo. Đây là cơ sở quan trọng để Bộ Nội vụ tiếp thu, tổng hợp và báo cáo với Chính phủ trong thời gian sớm nhất; qua đó có căn cứ khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo.