Góp ý dự thảo Đề án 'Chuyển đổi xanh tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2024 - 2030'

* Ông TRẦN VĂN CHÂU - Giám đốc Sở Xây dựng:

Khuyến khích phát triển đô thị xanh, công trình xanh

Ông Trần Văn Châu

Ông Trần Văn Châu

Những năm qua, việc chuyển đổi xanh trong lĩnh vực hạ tầng trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống hạ tầng cây xanh được chú trọng đầu tư, tỷ lệ xây xanh toàn tỉnh ngày càng tăng cao, góp phần hình thành diện mạo đô thị xanh, sinh thái của tỉnh. Cùng với đó, tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố chú trọng đầu tư và khuyến khích các chủ đầu tư khu đô thị xây dựng hệ thống công viên cây xanh nhằm nâng cao chỉ số, mật độ cây xanh toàn tỉnh và từng đô thị. Trên địa bàn tỉnh có các khu đô thị - du lịch - dịch vụ và công trình được chú trọng đầu tư, xây dựng, vận hành theo xu hướng tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, như: Khu nghỉ dưỡng Six Sence Ninh Vân Bay, Khu nghỉ dưỡng Vinpearl Hòn Tre, Khu đô thị sinh thái Diên Khánh, Khu đô thị sinh thái rừng núi xã Sông Cầu…

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh chưa có khu đô thị, khu nghỉ dưỡng, công trình nào được cấp chứng chỉ xanh. Vì vậy, tỉnh cần những giải pháp thiết thực để xanh hóa công trình và khu đô thị mới, trong đó cần chú trọng đến các vấn đề, như: Xây dựng tòa nhà, văn phòng, công trình công cộng dựa trên tiêu chuẩn đánh giá chứng chỉ công trình xanh, trước mắt tuân thủ tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng tòa nhà, công trình; khuyến khích các công trình sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (lắp hệ thống pin mặt trời trên mái, mặt đứng công trình), tiết kiệm nước, tái sử dụng nước, xử lý nước thải; khuyến khích các khu đô thị quy hoạch, xây dựng mới theo các tiêu chí của đô thị xanh; đánh giá các công trình, khu đô thị hiện trạng theo tiêu chí đô thị xanh, công trình xanh làm cơ sở khuyến khích chuyển đổi theo hướng xanh hóa.

Ngoài ra, địa phương cũng cần có giải pháp để phát triển hệ thống đô thị thông minh, tập trung vào hạ tầng đô thị, như: Hệ thống giám sát, đo lường cấp nước tự động, hệ thống điều khiển chiếu sáng thông minh, hệ thống quan sát chất lượng nước thải tại nguồn...; xây dựng các trung tâm điều khiển hệ thống chiếu sáng công cộng theo hướng thông minh để cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng tới phát triển đô thị phố xanh... Đối với việc chuyển đổi số trong quản lý hạ tầng đô thị, tỉnh cũng cần phải số hóa hạ tầng khung toàn tỉnh trên bản đồ số, chia sẻ cho các cơ quan có liên quan khai thác sử dụng phục vụ công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, xây dựng và duy tu bảo dưỡng công trình hạ tầng kỹ thuật. Đồng thời, ưu tiên sử dụng các công nghệ số tiên tiến giúp tối ưu thời gian, quy trình làm việc và gia tăng lợi thế cạnh tranh, góp phần giảm phát thải carbon, tiêu thụ ít năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo.

MẠNH HÙNG (Ghi)

* Ông Lê Bền - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, Giám đốc Công ty TNHH Trí Tín:

Nên phát triển rong biển để tham gia thị trường tín chỉ carbon

Ông Lê Bền

Tôi tâm đắc khi tỉnh Khánh Hòa xây dựng Đề án chuyển đổi xanh giai đoạn 2024 - 2030. Đây là nền móng vững chắc cho tương lai phát triển của tỉnh hướng tới mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành đô thị thông minh, bền vững, bản sắc ngang tầm khu vực châu Á; một trong những đô thị ven biển thu hút du lịch và có môi trường đáng sống hàng đầu của châu lục; đưa Khánh Hòa trở thành địa phương đi đầu của cả nước trong việc thực hiện mục tiêu đưa phát thải khí nhà kính về mức bằng 0 vào năm 2050.

Qua nghiên cứu đề án, tôi tán đồng với việc tỉnh xác định: Nông nghiệp xanh là 1 trong 6 lĩnh vực trọng tâm trong chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh của tỉnh. Trong đó, chuyển đổi phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển theo hướng công nghệ cao, thân thiện với môi trường sẽ là trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế biển xanh. Trong các giải pháp để chuyển đổi xanh trong lĩnh vực nông nghiệp, tôi tâm đắc với giải pháp thúc đẩy gia nhập thị trường tín chỉ carbon. Tuy nhiên, qua nghiên cứu giải pháp được đề xuất, tôi thấy chỉ mới dừng lại ở việc thúc đẩy thị trường carbon trong lĩnh vực lâm nghiệp mà chưa đề cập đến việc phát triển các loại rong biển để thúc đẩy việc hấp thu, giảm thiểu khí nhà kính. Từ đó, đưa rong biển tham gia thị trường tín chỉ carbon. Theo nghiên cứu, các loại rong biển hấp thu rất tốt các loại khí nhà kính. Cụ thể, các loại rong biển như: Rong nho, rong sụn… có tỷ lệ hấp thụ khí carbon gấp 2,8 lần so với một số loại cây trồng; rong hải tùng khi trộn vào thức ăn cho gia súc, nhất là động vật nhai lại có thể giảm đến 98% lượng khí methan mà động vật nhai lại phát ra.

Tôi đề nghị tỉnh nên quan tâm thêm về việc phát triển nuôi trồng rong biển để thúc đẩy tham gia thị trường tín chỉ carbon; tạo điều kiện giao mặt nước cho doanh nghiệp để trồng, phát triển rong biển, trong đó có việc nghiên cứu phát triển cây rong hải tùng để phát triển làm thức ăn cho gia súc…

HẢI LĂNG (Ghi)

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202408/gop-y-du-thao-de-an-chuyen-doi-xanh-tinh-khanh-hoa-giai-doan-2024-2030-206529e/